Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI Bí mật lô hàng đặc biệt vào chiến trường miền Nam
Bí mật lô hàng đặc biệt vào chiến trường miền Nam PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 14:53


3:00, 27/12/2006

Những đoàn xe vượt đường mòn Hồ Chí Minh vào miền Nam.

Tám chiếc xe con GAZ 69 của Liên Xô đậu thành hàng dài trên mặt suối cạn. Mỗi xe xếp 13 hòm hàng bằng thép được hàn kín, sơn màu xanh lá cây, ký hiệu là Z đưa từ Hà Nội vào. Trọng lượng hàng của mỗi xe khoảng trên 100kg...
Thời gian đã qua đi 36 năm, tôi vẫn còn giữ lại được hai tờ giấy giới thiệu của Cục Tham mưu vận chuyển Đoàn 559, cấp cho đội áp tải lô hàng đặc biệt giao cho chiến trường B. Câu chuyện liên quan đến hai tờ giấy giới thiệu ấy tôi không bao giờ quên...
Cuối tháng 3/1971, tôi đang phụ trách một phân kho trên đường 20 được lệnh về Cục Tham mưu vận chuyển, nhận nhiệm vụ đột xuất là áp tải lô hàng đặc biệt giao tại điểm cuối của Đoàn 559. Sau khi nhận nhiệm vụ và các giấy tờ có liên quan đến chuyến đi, tôi xuống Đơn vị Vận tải cơ động của Đoàn 559 tại cây số 40, đường 20, Quảng Bình.
Tám chiếc xe con GAZ 69 của Liên Xô đậu thành hàng dài trên mặt suối cạn. Mỗi xe xếp 13 hòm hàng bằng thép được hàn kín, sơn màu xanh lá cây, ký hiệu là Z đưa từ Hà Nội vào. Trọng lượng hàng của mỗi xe khoảng trên 100kg. Kế hoạch vận chuyển của chúng tôi được xác định trong 15 ngày.
Khó khăn nhất là đường xấu, máy bay địch đánh phá ác liệt. Tuy vậy, cán bộ, chiến sĩ đoàn xe và tôi là những người đã nhiều năm lăn lộn ở chiến trường nên có ít nhiều kinh nghiệm tổ chức hành quân và phòng tránh bom đạn địch.
Dọc đường hành quân, máy bay trinh sát L19 của Mỹ lượn suốt ngày đêm. Hễ phát hiện mục tiêu khả nghi là gọi máy bay phản lực đến đánh phá. Từ 15h ngày hôm trước, máy bay C130 thay phiên nhau tuần tiễu trên bầu trời cho đến sáng hôm sau, thỉnh thoảng lại bắn hàng loạt đạn 20 ly, rốckét,  đạn 40 ly xuống 2 bên  đường.
Gần như đêm nào đoàn xe cũng phải vượt qua các trọng điểm. Các xe tải lớn đi trước bị trúng đạn từ máy bay địch, cháy đỏ rực. Có những xe chở đạn nổ liên hồi. Cây cối đổ ngổn ngang, may là có lực lượng công binh ra khắc phục các hố bom xe mới đi tiếp được.
Có đêm, máy bay địch đánh vào đội hình xe chúng tôi: xe phải sơ tán ra nhiều nơi. Mảnh bom, đất đá bay rào rào trên đầu mọi người. Xe bắn phá thủng lốp, thủng két nước, chúng tôi phải khẩn trương sửa chữa để đi tiếp.
Trên đường đi, xe tôi rẽ vào  tổng kho của Binh trạm 34 để nhận một hòm hàng Z, đường vào kho là một con suối nước ngập 1/3 bánh xe. Anh em trong đơn vị phần đông cùng quê Bình Giang, Gia Lộc, Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cùng nhập ngũ với tôi một ngày nên gặp nhau tay bắt mặt mừng.
Làm xong thủ tục nhận hòm hàng Z có ký hiệu FA 3657, tôi ghi lại ký hiệu này vào sau tờ giấy giới thiệu (đến nay vẫn còn), tôi chia tay đồng đội, tiếp tục đuổi theo đoàn xe vào tiếp tuyến trong.
Đường quá xấu,  xe chồm lên chồm xuống, nhiều lúc người bật khỏi mặt ghế, nhao về phía trước. Có đêm xe đang chạy, tay lái bị hỏng không điều khiển được, may mà đoạn đường này đi giữa cánh rừng bằng nên xe chỉ bị dệ, nếu đường đèo dốc, xe đã lao xuống vực lâu rồi. Chúng tôi nhảy ra khỏi xe, tìm hiểu nguyên nhân, thì ra 3 con ốc gọi là bàn tay ếch bắt với bánh xe đã mất từ lúc nào. Anh em nhanh chóng sửa xe, tiếp tục lên đường.
Sau mỗi đêm hành quân đến điểm dừng, chúng tôi phải sơ tán xe, xong mới mắc võng nghỉ để lấy sức. Hôm gần đến điểm giao hàng, đoàn xe bị máy bay địch đánh vào đội hình, 2 xe hỏng nặng, không có phụ tùng thay thế, đành phải để hàng sang 6 xe còn lại để vận chuyển tiếp.
Sau mười bốn ngày rưỡi hành quân, đoàn xe đến Binh trạm cuối cùng của Đoàn 559 tại Tây Nguyên.
Một thời gian sau, tôi được cử đi học. Nhân được đọc bài “Đồng tiền thời chiến” trên 2 số Báo ANTG 534 và 535, tôi mới biết là số hàng mà tôi áp tải năm xưa là ngoại tệ, chuyển vào miền Nam. Tôi tự hào đã cùng đồng đội đóng góp một phần nhỏ công sức vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xin cảm ơn ANTG đã có những bài viết về những người lính chúng tôi trong chiến tranh, và hy vọng được đọc nhiều bài của quý báo tương tự “Đồng tiền thời chiến”

Nguyễn Hữu Phát
http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/truyenthong/2006/12/51602.cand

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học