Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI Ngón nghề của những đồ tể ở "Trại giam tù binh Phú Quốc"
Ngón nghề của những đồ tể ở "Trại giam tù binh Phú Quốc" PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 14:59


2:55, 28/05/2009

Đồng chí Đặng Hồng Sơn - cựu tù binh Phú Quốc, nguyên chiến sĩ đặc công thủy bị địch đóng 9 cây đinh 8 phân vào người (ảnh tư liệu).

Đầu năm 1970, phái đoàn Hồng Thập Tự Quốc tế khi đến thị sát nhà tù Phú Quốc họ đã vô cùng phẫn nộ khi bắt gặp một chiếc roi cá đuối dính máu khô.
Ở Trại giam tù binh Phú Quốc (TGTBPQ), những tên giám thị dùng những chiếc roi cá đuối dài, đem phơi để đánh tù. Chúng bắt anh em cởi áo, để khi đánh, gai cá đuối bấu vào da thịt. Chúng đánh mà như làm xiếc, quất thẳng cánh, cho chiếc roi quấn lấy thân nạn nhân, rồi giật ra, làm da thịt bị đứt theo, máu chảy ròng ròng. Rồi chúng lấy muối ớt xát vào da thịt, làm cho nạn nhân bị nóng rát và đau đớn tận cùng.
Ở phòng tra tấn của Bộ chỉ huy trại giam, bọn cai tù thường dùng những chiếc đinh 3 phân đóng vào các ngón tay của tù binh. Đóng đinh một ngón tay chúng hỏi một câu. Mỗi lần bị đóng đinh, xương ngón tay của người tù bị bể nát. Thấy đinh 3 phân vẫn không lay chuyển được các tù binh kiên cường, chúng chuyển sang thủ đoạn dùng đinh 7, 8 phân hoặc cả tấc đóng vào người tù.
Sau ngày hòa bình, khi bốc mộ những tù binh hy sinh, được chôn cất ở nghĩa địa trên Đồi 100, đem về Nghĩa trang liệt sĩ Đông Dương (Phú Quốc) an táng, người ta còn tìm thấy những chiếc đinh còn nguyên vẹn trong hài cốt những người tù.
Như đồng chí Nguyễn Căn Có, sinh năm 1931, tại Quảng Ngãi, hy sinh ngày 6/5/1972, bị 3 cây đinh loại 8 phân đóng vào chân. Anh Lâm Văn Rô, sinh năm 1944, hy sinh ngày 2/11/1971,  có đến 7 cây đinh 8 phân đóng vào người.
Anh Châu Văn Khánh, sinh năm 1950 tại Bình Định, hy sinh ngày 4/12/1972, bị 2 cây đinh 8 phân đóng vào mu bàn chân trái. Tìm lại những tài liệu của địch còn lại ở TGTBPQ, đồng đội của anh Châu Văn Khánh dễ dàng tìm ra một sự thật.
Đêm ấy, anh Khánh cùng Trần Trinh từ phòng 2 Phân khu A bò ra tới cổng chính của liên Phân khu A, bị tên quân cảnh Phạm Thấu bắn. Anh không chết ngay như theo phiếu trình đề ngày 8/12/1972 của tên trung tá Bùi Bằng Dực - chỉ huy trưởng TGTBPQ mà chết vì bị đánh đập, tra tấn, bị đóng đinh đến chết.
Khủng khiếp hơn, anh Nguyễn Thanh Long, sinh năm 1949, hy sinh ngày 9/4/1970, vì bị đóng 7 cây đinh 8 phân và 1 tấc vào  người. Trong đó, có 2 cây đóng vào hai bên màng tang, cách hốc mắt 3 phân, 1 cây đóng ở khớp xương vai phải, 1 cây đóng ở cổ chân trái và 1 cây đóng ở cổ chân phải xuyên qua mắt cá.
Anh Đặng Hồng Sơn, quê ở Hà Nội - nguyên là chiến sĩ đặc công thủy, vào Nam chiến đấu, bị địch bắt đưa  ra giam ở Phú Quốc. Anh cùng một số đồng chí đào hầm, tìm cách vượt thoát nhưng bị lộ, và chúng đưa qua D3 - trại chiến sĩ quê miền Nam, bị đánh đập rất dã man.
Căm thù tột cùng bọn khát máu, anh đánh lại chúng. Chúng trói anh lại, lấy đinh đóng vào mắt cá, ống quyển và nhiều nơi khác cho đến khi anh hy sinh. Khi bốc mộ, đồng đội anh còn nhìn thấy 9 cây đinh găm vào xương cốt  anh!


Vết tích tội ác Mỹ - Ngụy còn lưu lại trên hài cốt những người tù.

Sau 40 năm, câu chuyện về người Bí thư Đảng ủy Phân khu A2 bị bọn giám thị đục lấy xương bánh chè, nướng sắt đỏ xuyên qua bắp chuối còn hằn sâu trong tâm tưởng những cựu TBPQ. Anh tên Nguyễn Văn Ni**, quê Củ Chi, lãnh đạo tù binh đánh đuổi tên trung sĩ Hương - giám thị trưởng Phân khu A2 ra khỏi phân khu. Đó là tên giám thị vô cùng gian ác, đánh tù nhân như cơm bữa. Hắn cướp bóc tiêu chuẩn của anh em vô cùng hèn hạ, thậm chí cướp những món đồ anh em tù làm ra để đổi thuốc hút. Hắn dựng lên bộ máy thám báo, với những "đại diện và trưởng phòng" để giám sát tù binh.
Hơn một năm sống trong vòng kềm tỏa của tên giám thị ác thú, ngày 23/11/1969, gần 200 anh em tù binh phòng bệnh của Phân khu A2 đồng loạt nổi dậy, hô vang "Đả đảo đàn áp", cuốn theo hàng ngàn tù binh trên sân khu giam cũng ào ào nổi dậy.
Trước làn sóng người tràn đến gần, tên Hương mặt xanh như chàm đổ, cố vượt thoát khỏi cửa phòng bệnh. Tiếng la, tiếng vỗ tôn từ trại tù đồng loạt vang lên, bọn giám thị cố dẹp nhưng không thể nào ngăn nổi. Tên Hương thoát được, nhờ bọn bên ngoài bắn yểm trợ. Khi ra tới cổng, hắn dùng cạc-bin  bắn trở vào anh em tù ở đầu nhà bếp, làm bị thương 3 người. 
Trước làn sóng căm phẫn của anh em tù binh, Bộ chỉ huy trại giam phải nhượng bộ, chấp nhận yêu sách bầu cử lại ban đại diện tù binh trong phân khu giam và các trưởng phòng, phó phòng. Nhưng kẻ thù bắt đầu giở nhiều thủ đoạn trả thù hèn hạ, tàn khốc.
Chúng bắt đồng chí Nguyễn Hải Phú* (số tù 1925, quê Phú Yên, công tác giáo dục ở Củ Chi) - được anh em tù binh cử làm đại diện, sau được anh em bầu làm trưởng phòng giam số 14 lên phòng điều hành, đánh đập chết đi sống lại nhiều lần, rồi tống vào biệt giam khổ sai ngoài trời (biệt giam 2). Chúng bắt anh Gương, quê ở Thái Bình, đánh bằng cọc sắt đến chết.
Riêng đồng chí Nguyễn Văn Ni, địch biết rõ đó là Bí thư Đảng ủy Phân khu A2, chỉ đạo cuộc nổi dậy của tù binh bị chúng đưa vào biệt giam khổ sai, tra tấn  bằng cách lấy cọng sắt bùng nhùng đốt đỏ, rồi đâm qua bắp chân anh.  Mỗi lần sắt đâm vào bắp chân, anh ngất xỉu. Tỉnh lại, anh mắng chúng là bọn bán nước. Và anh nhiều lần hô khẩu hiệu: "Đả đảo Mỹ-Thiệu.  Hồ Chí Minh muôn năm!".
Cùng hành hạ anh Nguyễn Văn Ni có tên thượng sĩ nhứt Nhu, tên thiếu úy quân cảnh Chu Quốc Minh (còn có tên Cóc). Bị anh Bảy Ni gọi là lũ "bán nước", tên Cóc dùng đục, đục lấy hai xương bánh chè của anh. Tiếp đó, tên Cóc lấy sắt nung đỏ châm vào chỗ đầu gối của anh máu đang chảy lênh láng. 
Đến khoảng 20h ngày 22/12/1969, anh Bảy Ni trút hơi thở cuối cùng trên tay anh Đoàn Thanh Phương - người tù binh ở cùng biệt giam 2. Sau này anh Phương kể: "Đồng chí Ni trước khi chết còn gắng sức hô khẩu hiệu: "Đả đảo đế quốc Mỹ và tay sai. Hồ Chí Minh muôn năm!".
Sáng ngày 30/1/1971, ở Phân khu B10, 15 người bị địch tình nghi là "đầu sỏ" bị giám thị đưa qua Phân khu D10 - khu chiêu hồi. Trước sự phản ứng quyết liệt của các tù binh, bọn trật tự ra sức đánh đập tàn nhẫn anh em tù. 
Tức giận trước việc anh Minh (Đặng Văn Bê, quê Cai Lậy, Mỹ Tho) mắng chúng là quân bán nước, chúng nhét anh vào bao chỉ xanh rồi nắm miệng bao, lôi xềnh xệch anh vào nhà bếp. Thật không thể tưởng tượng nổi, chúng ném anh vào chảo nước sôi. Khi chúng lôi anh ra, anh đã ngừng thở, da bị vuột trắng xát.
Một số tù binh chứng kiến hình phạt khủng khiếp này kể lại: "Chúng tiếp tục lấy bao bố trùm lên anh Mỹ, ném vào chảo nước sôi một lúc mới lôi ra. Anh Mỹ giãy giụa rồi bất động, không biết sống chết ra sao”.
Vẫn bằng cách ấy, chúng tiếp tục ném anh Lê Hữu Xê (quê Thừa Thiên Huế) vào chảo nước sôi. Một tên quân cảnh gào lên: "Nhận nó xuống cho chết!". Nhưng có tên ngăn lại. Chúng lôi anh ra, đá vào người, giẫm lên bụng  cho nước trào ra. Riêng anh Mến cũng bị trùm bao bố nhưng có lẽ chúng tưởng anh đã chết bởi những trận đòn trước đó. Nhờ vậy, anh thoát được cảnh bị ném vào chảo nước sôi...
Bọn đồ tể ở Phú Quốc nghĩ ra mọi cách để che đậy, lấp liếm những tội ác ghê rợn ấy. Trong phiếu trình số 630/TTM đề ngày 13/2/1971 gửi lên Tổng trưởng Quốc phòng, do tên Trung tướng Nguyễn Văn Mạnh - Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu ký, đã giải thích về cái chết của anh Minh: "Tù nhân Đặng Văn Bê số tù 514.10.846 đã tắt thở tại bệnh xá vì kiệt sức trong 2 ngày tuyệt thực". Tội ác ném người vào chảo nước sôi ở Phú Quốc không là chuyện cá biệt.
Ở Phân khu C6, năm 1969, có 3 tù binh đã bị luộc chết! Ở phân khu B5, chúng không trùm bao bố, ném tù binh vào chảo nước sôi mà múc nước sôi dội cho đến chết...
Năm 1970, ở Phân khu A8, để trả thù cho tên tổng đại diện Nguyễn Ngọc Ai bị anh em tù binh cảnh cáo, dùng bàn chải đánh răng đâm vào mắt, làm hắn bị thương, chúng bắt 6 tù binh tra khảo, trong đó có anh Ba Dân (quê Bến Tre).
Chúng lấy bao bố nhúng nước lạnh trùm vào người anh, đè anh nằm xuống, rồi lấy xẻng xúc than đỏ đổ lên người anh. Than nóng làm anh Ba Dân bị phỏng nhiều chỗ. Sau đó, chúng đưa anh đi khu khác. Đồng đội cũng không biết anh sống chết ra sao.
Cũng ở Phân phu C6, sau khi luộc chết 3 tù binh, kẻ thù đem một tù binh vốn là một du kích trẻ, quê ở Cà Mau nướng trên cọc. Lúc địch mới nổi lửa, anh liên tiếp hô "Đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo ngụy quyền Sài Gòn". Lửa cháy to làm anh dần kiệt sức. Anh kêu "ba, má" rồi trút hơi thở cuối cùng...
Bọn đồ tể ở địa ngục trần gian này rất căm ghét ánh sáng văn hóa được thắp lên từ những trại tù. Phát hiện một tù binh người dân tộc thiểu số  lúc bị bắt chưa biết chữ, sau đó nhờ anh em trong tù dạy mà anh biết đọc, biết viết; tên giám thị lập tức cho bắt lên phòng thẩm vấn, căng mắt anh lên, rồi dùng đèn điện có công suất lớn rà cho mù mắt.
Cũng vì nghi ngờ anh Dương Bá Ngãi tổ chức dạy học trong trại tù mà đang đêm, địch bắt anh, chúng nấu sôi nước xà bông đem đổ vào miệng anh. Anh là thượng úy, quê Hà Đông, có vợ và hai con. Anh chết mà không hổ thẹn với vợ con. Đó cũng là những lời trăng trối cuối cùng của anh Dương Bá Ngãi...
Nhiều cán bộ của ta khi bị hình phạt này, kèm với những ngày sống trong biệt giam mắt bị kéo màng, mờ dần rồi mù hẳn như anh Hà Văn Thạnh - Ban An ninh Khu Sài Gòn - Gia Định. Anh Lê Tấn Quốc - Ủy viên Ban cán sự Phân khu 6, Sài Gòn - Gia Định...
Tháng 9/1969, địch cài được một số tên trật tự là Trần Văn Tây, Nguyễn Văn Út vào Phân khu B4. Tên Út - một tù binh chiêu hồi, lén viết tên các đảng viên trong Đảng ủy phân khu ném vào phòng giám thị.
Nắm được tình hình, Đảng ủy khẩn trương mở cuộc họp, quyết định phải diệt 4 tên nguy hiểm. Anh em hành động. Tuy nhiên, chỉ có tên Trần Văn Tây bị diệt, còn 3 tên thoát ra ngoài, báo với giám thị. Bọn quân cảnh tức tốc vào bắt 57 anh em đưa lên Bộ chỉ huy trại giam trừng trị. Đánh tù binh từ 8h tối đến 4h sáng.
Cuối cùng, chúng chọn lại 3 người là anh Nguyễn Văn Hoàng, Lê Minh Long và Võ Ngọc Đảnh đổi cách tra tấn. Tên đại úy Ân cho trói từng người để nằm ngửa, đầu cột chặt xuống bàn, mắt băng băng keo rồi để đèn điện công suất lớn trên mặt.
Chỉ chịu được 1 giờ, các anh vã mồ hôi, cơ bắp bị co lại như con cá bị sấy trên lửa. Các anh vẫn kiên cường chịu đựng. Chúng tắt đèn trên mặt anh Hoàng. Mắt của anh bị nổ. Cơn lạnh đột ngột kéo đến. Anh hy sinh. Sự việc diễn ra quá bất ngờ, tên đại úy Ân sợ mấy người còn lại sẽ chết như anh Hoàng nên cho lấy dầu cù là xoa khắp người các anh một lúc (tránh đột tử vì bị lạnh đột ngột) rồi mới tắt đèn.
Sau khi các tù binh ở Phân khu 8 cảnh cáo tên tổng đại diện Nguyễn Ngọc Ai, đến ngày thứ 3, chúng bắt anh Ba Vạn (quê Quảng Ngải, là Bí thư Đảng ủy Vùng 1) và anh Tô Hồng Minh (tên trong tù là Trần Văn Lung, quê Cà Mau, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Vùng 4 ra đánh tại cổng, rồi sau đó đưa vào nhà giám thị).
Điên cuồng vì các anh không chịu khai báo, tên trung sĩ Nghĩa bắt anh Minh cởi hết quần áo, rồi hắn cho xếp 2 chiếc băng song song, chừa khoảng cách ở giữa rồi bắt anh Minh ngồi bẹt chân quàng qua 2 chiếc băng, để giữa mông ngay khoảng trống.
Tên trưởng trật tự Dương Văn Hai bưng đến một cái đĩa, trong đó để một nhúm bột màu đen. Hắn châm lửa đốt rồi đưa chiếc đĩa đầy lửa vào ngay phía dưới. Anh vặn mình, cố chịu đau đớn. Lửa làm nứt da chảy nước, rơi xuống kêu xèo xèo. Rồi chúng lấy cái đĩa ra, đi vào phòng đang tra tấn anh Ba Vạn. Không biết chúng đốt anh Ba Vạn như thế nào, chỉ thấy miệng anh cháy đen, mắt đờ đẫn, không nói, không ăn uống gì được. Hôm sau, anh Ba Vạn hy sinh. Những người bạn tù khâm liệm, đem anh đi chôn ở Đồi 100...
Được tiếp cận, nghe kể, đọc lại những hồ sơ, tài liệu, sách viết về TGTBPQ, tôi thực sự choáng váng. Tôi đã từng nghe các cựu tù Côn Đảo, Chí Hòa, Tân Hiệp, Phú Tài, Cần Thơ... kể chuyện bị tra tấn, hành hạ nhưng không nơi nào gây ấn tượng, xúc động đối với tôi như Phú Quốc.
Biết đất nước mình có một nhà tù Phú Quốc đã lâu, biết nhiều người thân quen từng ở tù Phú Quốc mà giờ mới được nghe kể, mới biết quá nhiều chuyện đau đớn, khốc liệt đến khó tin, như là huyền thoại!
* Đ/c Nguyễn Hải Phú, sau 30/4/1975, công tác ở huyện Hóc Môn, TP HCM.
** Đồng chí Nguyễn Văn Ni (thường được gọi là Bảy Ni), quê quán và công tác đều ở tại Củ Chi, hy sinh trong biệt giam tại Trại TBPQ, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trầm Hương
http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2009/5/69441.cand?Page=2

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học