Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI NHÂN ĐỌC BÀI “NGUYỄN TRƯỜNG TỘ VÀ NHỮNG ĐIỀU TRẦN CỦA ÔNG” THÊM MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ “THIÊN HẠ ĐẠI THẾ LUẬN” CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
NHÂN ĐỌC BÀI “NGUYỄN TRƯỜNG TỘ VÀ NHỮNG ĐIỀU TRẦN CỦA ÔNG” THÊM MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ “THIÊN HẠ ĐẠI THẾ LUẬN” CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:00


Lê  Cung

Bài “Nguyễn Trường Tộ và những điều trần của ông” của PGS. TS. Nguyễn Phan Quang đăng trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số.......................2009 gợi cho tôi nhiều ý tưởng. Bởi lẽ từ trước tới nay Nguyễn Trường Tộ được đánh giá như là một nhân vật có đầu óc canh tân nhằm cứu nguy đất nước trước họa xâm lăng của thực dân Pháp. Gần đây, có tác giả còn nâng Nguyễn Trường Tộ thành một “nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX”. Điều này có nghĩa chỗ đứng của  Nguyễn Trường Tộ trong lịch sử dường như đã được khẳng định.
Song điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là tác giảNguyễn Phan Quang, sau khi phân tích chủ trương tạm hòa của Nguyễn Trường Tộ, đã kết luận : “Vậy thì nên chăng vấn đề Nguyễn Trường Tộ với những điều trần của ông cần được giới nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu thêm – dù có phải tốn thêm nhiều thời gian và giấy mực” . Lời kết này khiến chúng tôi phải tìm đọc 58 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ đã gửi cho triều đình Tự Đức, xem có gì mà “cần được giới nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu thêm”.
Trong giới hạn của một bài báo, chúng tôi chỉ xin nêu một số suy nghĩ của mình qua đọc bản điều trần thứ nhất của Nguyễn Trường Tộ “Thiên hạ đại thế luận” (Bàn về những việc lớn trong thiên hạ) dựa trên văn bản được chép trong công trình “Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo » của tiến sĩ Trương Bá Cần(Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998).
Vấn đề sôi động và bức xúc nhất ở nước ta khi Nguyễn Trường Tộ viết Thiên hạ đại thế luận là làm thế nào và bằng cách nào để giữ vững được nền tự chủ của đất nước trước họa xâm lăng của thực dân Pháp. Lúc này triều đình Huế đã ký hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862), ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã mất vào tay Pháp, vua Tự Đức đang nóng lòng khôi phục chủ quyền ba tỉnh đã mất và đã cử một phái đoàn sang Pháp xin chuộc lại vùng đất này. Trong lúc đó, nhiều nhà yêu nước đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến, quyết sống chết với quân xâm lược nhằm giành lại giang sơn đất nước, như Trương Định, Thủ khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, ... Sử sách dân tộc đã ghi công những bậc tiên liệt này; ở khắp các địa phương Nam Bộ, nhân dân đã tôn vinh, bằng việc xây dựng các tượng đài để tưởng nhớ sự nghiệp xã thân cứu nước của những người con trung liệt.
Nhằm góp sức vào việc giải quyết nỗi bức xúc lúc này của dân tộc, Nguyễn Trường Tộ viết bản điều trần thứ nhất (Thiên hạ đại thế luận), gửi đến triều đình Tự Đức với những đề nghị canh tân, cải cách. Thật thú vị biết bao khi đọc những dòng này của Nguyễn Trường Tộ : “Trộm nghĩ trong thiên hạ chỉ có chữ ‘thế’ mà thôi.  Chữ ‘thế’ là nói bao gồm cả thiên thời nhân sự. Cho nên người biết rõ ‘thế’ thì không trái trời, không mất thời, không hại người, không hỏng việc” , bởi vì người đọc đang mong chờ Nguyễn Trường Tộ đưa ra những kế sách hữu hiệu nhằm giúp triều đình Tự Đức tạo được ‘thế’, để Việt Nam vươn lên xoay chuyển tìnhthế, nhằm lật ngược thế cờ, lấy lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã mất hoặc ít ra cũng không mất tiếp những phần đất còn lại.
Nhưng người đọc đã nhanh chóng thất vọng khi Nguyễn Trường Tộ sử dụng một cách máy móc “học thuyết ngũ hành” để đi đến kết luận việc Việt Nam mất nước như là một điều hợp qui luật. Nguyễn Trường Tộ viết: “Hãy nói về thiên đạo trước. Khí đất là từ Bắc đến Nam, vận trời từ Tây sang Đông, theo Hà đồ thì thủy ở về phương Bắc, hỏa ở về phương Nam, kim ở về phương Tây, mộc ở về phương Đông. Thủy thì diệt hỏa, kim diệt mộc, ấy là lẽ tự nhiên của trời đất luôn luôn như vậy” .Không cần bàn luận thêm ở đây, chúng ta cũng thừa hiểu Nguyễn Trường Tộ muốn nói đến ‘ai’ diệt ‘ai’ rồi.
Như để khẳng định cho lập luận của mình, Nguyễn Trường Tộ nêu một loạt các quốc gia, các khu vực trên thế giới bị thực dân phương Tây xâm chiếm rồi đi đến kết luận: “Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì người Âu đều đặt chân tới, như tằm ăn cá nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa; ai hòa với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh; trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ. Như thế, nếu đó không phải là ý trời định, địa thế xoay vần, thì sao không lấy số đông của bốn đại châu mà kháng cự lại người phường Tây? Huống hồ người Việt ta là một nước nhỏ, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được” .  
Rõ ràng, theo Nguyễn Trường Tộ, Việt Nam mất nước là trời định, lấy lại nước, khôi phục độc lập cho dân tộc là trái đạo trời. Nhiều tác giả viết bài ca ngợi Nguyễn Trường Tộ là người thông làu Đông Tây kim cổ và ngay cả Nguyễn Trường Tộ cũng tự cho mình như thế. Vậy tại sao Nguyễn Trường Tộ không hay biết đến việc Nho giáo đề cập về thiên mệnh (mệnh trời). Thiên mệnh của Nho giáo được luận giải một cách uyển chuyển đối với đời sống chính trị - xã hội, bởi “tận nhân lực mới tri thiên mệnh”. Nguyễn Trường Tộ trước lúc viết Thiên hạ đại thế luận đã từng chu du châu Âu, sao lại không biết ở Thế kỷ Ánh sáng (thế kỷ XVIII), Montesquieu đã khẳng định: “Xã hội loài người phát triển có quy luật khách quan, không phải tùy theo ý muốn của Thượng đế”. Đây là một trong những luận điểm mang tính cách mạng sâu sắc, góp phần hết sức quan trọng trong việc xé bỏ “hào quang thần thánh” của giáo hội, cởi trói nhân dân về mặt trí tuệ, làm tiền đề cho cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789 đi đến thắng lợi.
Với lịch sử nước ta, chắc hẳn Nguyễn Trường Tộ không thể nào không biết đến lời thơ vang lên từ đền Trương tướng quân thời dân tộc ta kháng chiến chống Tống thế kỷ XI:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
“Định phận tại thiên thư” là phải giữ được nước, chứ không như cách luận giải như Nguyễn Trường Tộ rằng: “Quân lính của ta lại chuyên dùng gươm dao gậy gộc, không thạo súng ống,phục binh cài bẫy, nhưng trận đồ như vậy chỉ hợp cho những tình thế không cấp bách, chỉ đánh được gần chứ không đánh được xa... Nếu họ dùng súng trường từ xa bắn tới, thì quân ta chưa giáp trận mà gươm dáo đã tan tành. Khi họ đến gần thì dùng lưởi lê xung phong một người đương được cả 100 người, xông lên như nước chảy xiết. Lúc dừng lại thì như núi dựng, xông vào chẳng qua như chuồn chuồn lay cột đá mà thôi ... Nay biết họ có thể tất thắng, ta có cơ dễ thua, lại không biết phép ra quân của họ biến hóa như thế nào mà đem quân nhút nhát của mình ra đánh lại quân vô địch của họ thật chẳng khác nào như bắt muỗi đội núi, đem dê đấu hổ ... Quân Pháp đánh thành không cần dùng những phương pháp bắc thang, đường hầm, xe kiếm, bao đất, mà đại pháo bắn ra thì núi lở, gò sập ..., trèo thành như lên đệm gối, sở dĩ lâu nay họ chưa dùng đến là vì cắt cổ gà cần gì phải dùng dao mổ trâu ... ” .
Trước Nguyễn Trường Tộ không lâu, Nguyễn Du cũng đã khẳng định:“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Không lẽ một người với cái sở học thông làu Đông Tây kim cổ như Nguyễn Trường Tộ há lại không biết đến! Và cũng xin nói thêm là nếu lập luận như Nguyễn Trường Tộ: “Huống hồ người Việt ta là một nước nhỏ, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được” thì Việt Nam đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới ở thế kỷ XIII rồi .
Để lập luận của mình có thể thuyết phục được triều đình Tự Đức, Nguyễn Trường Tộ viết tiếp: “Hoặc giả có người nói đất đai tổ tiên để lại không được đưa gang tấc nào cho kẻ khác. Như vậy là quá câu chấp mà để hỏng việc nước. Sao không xem xưa nay có ai chủ giang sơn mãi đâu. Nhà Tấn bị Hồ gây loạn, Tống mất vào tay Nguyên, Minh mất vào tay Thanh, họ này thay thế họ kia chẳng phải là do số trời sắp đặt đó sao? Vả lại đất Quảng Nam xưa là đất cũ của Chiêm Thành, Gia Định xưa là cố đô của Chân Lạp, đâu phải là đất cũ của bản triều? Ta chiếm đoạt của người, thì cớ sao người lại không chiếm đoạt của ta?” .
Người đọc không hiểu tại sao Nguyễn Trường Tộ lại lờ đi truyền thống trân quý giang sơn “tấc đất, tấc vàng” mà tiền nhân đã truyền lại cho muôn đời sau. Trong công cuộc mở nước về phía Nam , từ thế kỷ XI, ông cha chúng ta đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, có khi cả máu xương, đổi cả phận liễu yếu, đào tơ để có được một giang sơn hình chữ S diệu kỳ. Vua Lê Thánh Tông từng dặn dò : « Ta phải giữ gìn lãnh thổ cho cần thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của ông cha để lại ». Vậy mà Nguyễn Trường Tộ lại chủ trương “Ta chiếm đoạt của người, thì cớ sao người lại không chiếm đoạt của ta?”.
Vấn đề đã rõ như ban ngày, như hai với hai là bốn, không phải cần đến trí tuệ ở chốn cửu trùng, mà ngay người dân bình thường ở nơi thôn dã cũng nắm bắt được đúng sai trong cách lập luận của Nguyễn Trường Tộ. Thật vô cùng ngạc nhiên, khi biết bao học giả đã bỏ ra công sức, tốn nhiều giấy mực để nghiên cứu, luận bàn về những điều trần của Nguyễn Trường Tộ, nhưng cách lập luận trên đây của ông chưa thấy một ai bình phẩm, đánh giá. 
Để kết thúc cho bài viết nhỏ này, chúng tôi xin dẫn một đoạn trong bài viết:“Lịch sử, sự thật và sử học” của GS. Hà Văn Tấn để chúng ta cùng suy ngẫm: “Từ khi chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử  mácxít ra đời, khám phá ra cơ chế của sự phát triển xã hội, các nhà  sử học được cung cấp một mô hình giải thích lịch sử có tính chất thể-năng động, kết hợp cả hai mặt cấu trúc và biến đổi. Sử học vươn tới phát hiện qui luật và, nhờ đó, sử học không những nhận thức được quá khứ mà còn chuẩn bị cho những khả năng dự báo. Nhưng sử học muốn thực hiện những chức năng đó, khảo sát con đường đã qua và góp phần nhận thức con đường sắp tới, một điều kiện cơ bản là phải biết sự thật và nói lên sự thật.
Nhưng biết sự thật không dễ, và nói lên sự thật nhiều khi càng khó hơn. Với ý của Yết Hề Tư mà Lê Quý Đôn  đã dẫn, nhưng nói theo ngôn ngữ hiện đại thì như thế này: Muốn viết sử, phải biết phương pháp sử học, và trước hết, phải là người trung thực chứ không phải tên cơ hội .

. PGS.TS. Sử học, Trường Đại học Sư phạm Huế.

. Nguyễn Phan Quang, Nguyễn Trường Tộ và những điều trần của ông, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số đã dẫn.

. Nguyễn Trường Tộ viết “Thiên hạ đại thế luận” vào tháng 2-3,  Tự Đức năm thứ 16, tức tháng 3-4 năm 1863.

.  Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo. Nxb. Thành phố Hồ Chí   Minh, 1998, tr. 107.

. Trương Bá Cần, Sđd., tr. 107.

. Trương Bá Cần, Sđd., tr. 107.

. Trương Bá Cần. Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 109.

.  Ở thế kỷ XIII, đế chế Mông – Nguyên đã thôn tính hoặc đánh bại nhiều nước ở hai lục địa Âu - Á, kể cả những nước lớn như Trung Hoa, Nga, ... ; nhưng ba lần đế chế này xâm lăng Đại Việt thì cả ba lần chúng đã đều bị đại bại trước tinh thần kháng chiến mãnh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các vị vua Trần anh minh.

. Trương Bá Cần, Sđd., tr. 111.

. Khi đề cập đến tư cách của người viết sử, Yết Hề Tư đời Nguyên viết: Việc soạn sử phải lấy việc dùng người làm gốc. Người có văn học mà không biết cách chép sử thì không thể cho vào sử quán. Người có văn học lại kiêm biết soạn sử, nhưng bụng dạ bất chính cũng không được dự(Hà Văn Tấn. Lịch sử, sự thật và sử học. Tạp chí Xưa & Nay, số 332, Tháng 5, 2009, tr. 17)

. Hà Văn Tấn. Lịch sử, sự thật và sử học. Tạp chí Xưa & Nay, số đã dẫn, tr. 17.

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học