Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI Xung đột kinh tế Trung – Mỹ sẽ không bao giờ chấm dứt?
Xung đột kinh tế Trung – Mỹ sẽ không bao giờ chấm dứt? PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:22

VIT - Những xích mích giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề kinh tế đang có phần lắng dịu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột Trung – Mỹ sẽ chẳng bao giờ chấm dứt, mà chỉ tạm “ngủ đông” và có thể bùng phát vào bất cứ khi nào trong tương lai.
Vấn đề tiền tệ đã thật sự lắng dịu?

Từ cuối năm 2009, vấn đề tiền tệ đã trở thành tâm điểm trong quan hệ Trung – Mỹ. Đầu tháng 7/2010, chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đã quyết định không đưa Trung Quốc vào danh sách “thao túng tiền tệ”. Hành động này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ mở cánh cửa thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Đáp lại thiện chí của Washington, Cơ quan quản lý nhà nước về ngoại hối của Trung Quốc thông báo sẽ không bán tháo các trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ.

Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20 tại Canada trong tháng Sáu, Trung Quốc tuyên bố sẽ nới lỏng kiểm soát đối với đồng Nhân dân tệ (NDT) nhằm tránh bị Mỹ đưa vấn đề này ra thảo luận tại hội nghị. Nhưng chỉ một ngày sau Trung Quốc lại can thiệp vào thị trường để kéo giá của đồng nội tệ xuống. Hành động này đã truyền đi thông điệp là Bắc Kinh sẽ không để đồng NDT giao động mạnh, thậm chí là sẽ ghìm giá đồng nội tệ so với đồng USD trong trường hợp cần thiết.

Nhà phân tích Adam Wolfe tại công ty phân tích tài chính Roubini Global Economics (RGE) cho rằng, Trung Quốc sẽ để đồng NDT tăng giá dần dần so với đồng USD, với tỷ lệ 3-4%/năm, thậm chí sẽ ghìm giá đồng nội tệ nếu xảy ra hiện tượng tháo vốn hoặc đồng EUR rớt giá so với đồng  USD. Tuy nhiên, điều này dường như không mấy ảnh hưởng tới quan hệ Trung – Mỹ và Mỹ cũng ít có khả năng đưa ra những rào cản thương mại hoặc tăng thuế đối với các mặt hàng của Trung Quốc. Sự tăng giá chậm chạp giữa đồng NDT so với đồng đô-la cũng không ảnh hưởng tới quá trình tái cân bằng toàn cầu.

Trung Quốc có xảy ra hiện tượng vỡ bong bóng bất động sản hay không?

Ông Wolfe cho rằng, chính sách kinh tế của Trung Quốc thực chất là cuộc “giằng co giữa các quan chức trung ương, những người muốn kiểm soát sự tăng trưởng tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát, với các quan chức địa phương, muốn rót tiền cho các dự án tại địa phương nhằm thúc đẩy đầu tư và tăng GDP. Hiện tại thì chính phủ đang giành được ưu thế nhưng điều này có thể sẽ thay đổi vào cuối năm. Bởi vì sự tăng trưởng của Trung Quốc phần lớn là nhờ những chính sách mở rộng kinh tế ở các địa phương, nhưng chính sách này cũng dẫn đến lạm phát, khi đó chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát. Khi nền kinh tế bắt có dấu hiệu trì trệ, chính phủ sẽ nới lỏng tín dụng và các địa phương lại tranh thủ để kích thích kinh tế phát triển.

Mối lo ngại lớn hiện nay ở Trung Quốc đó là hiện tượng bong bóng trên thị trường bất động sản. Nếu những bong bóng này vỡ đi, nó sẽ ảnh hưởng không chỉ tại Trung Quốc mà còn tác động đến sự khôi phục kinh tế toàn cầu. Nhưng nếu chính phủ Trung Quốc thắt chặt chính sách tài khóa hoặc kiềm chế lĩnh vực bất động sản sẽ gây tác động tiêu cực tới các khoản thu và các giao dịch mua bán cổ phiếu.

Ông Wolfe cho rằng, bong bóng nhà đất chỉ tồn tại ở một số thành phố của Trung Quốc chứ không phải trên cả nước. Tình trạng này sẽ còn tiếp tục chừng nào hệ thống tài chính của Trung Quốc còn chưa được nới lỏng và chính quyền các tỉnh còn phụ thuộc vào phí giao dịch bất động sản để bổ sung ngân sách cho địa phương.

Nguy cơ xung đột trong tương lai

Ngoài giới đầu cơ thì tầng lớp trung lưu nới nổi ở Trung Quốc cũng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tương tự như ở Mỹ hồi đầu thập kỷ.Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa gia tăng sẽ giúp xóa bỏ một phần nguồn cung bất động sản quá mức dư thừa này. Ngoài ra, nỗ lực của chính phủ trong việc xây dựng các căn hộ với giá phải chăng cũng được xem là bước đi đúng hướng.

Ông Wolfe cho rằng, thị trường nhà đất Trung Quốc không chỉ tác động đến thị trường chứng khoán Thượng Hải, nền kinh tế Trung Quốc mà nó còn gây ảnh hưởng toàn cầu. Hoạt động xây dựng chiếm tới một nửa nhu cầu thép tại Trung Quốc, 1/3 nhu cầu về nhôm và tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp xi măng. Các nhà sản xuất nguyên vật liệu thô luôn xem Trung Quốc là một khách hàng quan trọng, đặc biệt là những nhà sản xuất kim loại và khoáng sản. Tập đoàn Credit Suisse ước tính rằng nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc sẽ “biến động mạnh” từ nay cho tới cuối năm 2011 do kinh tế tăng trưởng chậm và diễn biến không như mong đợi. Khi bong bóng nhà đất vỡ sẽ kéo theo sự sụp đổ về cầu của các vật liệu xây dựng trên.

Theo nhà phân tích Wolfe, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ phải đón nhận “cơn gió ngược” trong sáu tháng cuối năm 2010 do người tiêu dùng Mỹ đang hạn chế chi tiêu còn người châu Âu phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Điều này là vô cùng quan trọng bởi vì trong cuộc phỏng vấn gần đây với một tờ báo của Nhật Bản, cố vấn Ngân hàng trung ương Trung Quốc Zhou Qiren cho biết, Bắc Kinh sẽ duy trì đồng NDT yếu nếu xuất khẩu giảm mạnh. Khi đó vấn đề tiền tệ lại trở nên nóng bòng và là tâm điểm của cuộc xung đột Trung – Mỹ.
Minh Anh (Theo ISN)
http://vitinfo.com.vn/MMuctin/Kinhte/Chinhsach/LA79551/default.html

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học