Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI Mafia trong Nhà Trắng : Nixon và thế giới ngầm
Mafia trong Nhà Trắng : Nixon và thế giới ngầm PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:55


05/10/2009 23:47


http://www.thanhnien.com.vn/News/Picture200901/T19a93403504.jpg

Có nhiều chứng cứ cho thấy bố già Carlos Marcello (1910 - 1993) là người ủng hộ tài chính cho Richard Nixon trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ 1960 - Ảnh: Wikipedia

Có rất nhiều nghi vấn đặt ra về mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và thế giới ngầm trong những năm 1960. Nhiều tội phạm nguy hiểm đã được sử dụng như là đặc tình của chính phủ. Cuộc chơi mafia - Nixon đã đẩy 15 triệu công dân Mỹ bị truy tố vì tội sử dụng cần sa (*) trong khi có nhiều dấu hiệu cho thấy hung thủ ám sát Tổng thống John F.Kennedy xuất phát từ đội ngũ đặc tình này.

Bố già New Orleans
Những năm 1920 thế kỷ trước, New Orleans là thủ phủ của cần sa. Đối tượng của chất khói ngầy ngậy, lâng lâng này là giới công nhân Mexico nhập cư, người da đen và dân da trắng tầng lớp thấp.
Nguồn cung cấp chính là thủy thủ và dân nhập cư vùng Caribbean, đổ vào những hải cảng lớn ở miền nam nước Mỹ, đặc biệt là thành phố Crescent. Cùng với nhạc jazz, cần sa nhanh chóng lan tỏa đến Chicago ở phía bắc, rồi khu Harlem ở bờ đông. Nơi đây, cần sa nhanh chóng trở thành “một phần thiết yếu của âm nhạc”.
Sự lan tỏa của cần sa gắn bó với sự nghiệp anh chị của Carlos Marcello. Gã đàn ông cơ bắp này nhanh chóng nhận ra New Orleans là miền đất lý tưởng để kiếm hàng núi tiền bằng những chuyến tàu chứa đầy cần sa cập cảng. Sau khi cưới em gái ông trùm Frank Todaro, Marcello nhanh chóng leo lên thứ hạng anh chị. Vụ bán nhầm 10 kg cần sa cho một tay cảnh sát chìm năm 1938 cũng chỉ là một bước cản nhỏ trong cơ nghiệp đồ sộ của hắn. Mức án 1 năm cải tạo cùng với 75.000 đô la tiền phạt nhanh chóng giảm còn 9 tháng với  400 đô la sau tác động của bố già Sam Carolla đến Thống đốc tiểu bang Louisiana thời bấy giờ.
Năm 1947, Sam Carolla bị trục xuất về Sicily (Ý), Marcello bước lên ngôi trùm mafia vùng New Orleans và Dallas, kiểm soát toàn bộ mạng lưới mua bán cần sa và hệ thống sòng bạc trong suốt 30 năm trời. Đế chế tội ác mang lại cho Marcello ước tính 2 tỉ đô la mỗi năm và cũng từ mối quan hệ với giới chính trị, hắn nhanh chóng trở thành nhà ủng hộ tài chính của Richard Nixon trong các chiến dịch tranh cử và thậm chí trở thành nghi can trong vụ ám sát John F.Kennedy.
“Đi đêm” với Nixon
Lần đầu tiên Marcello giao thiệp với Richard Nixon, lúc bấy giờ là phó tổng thống, thông qua tay thủ lĩnh nghiệp đoàn tài xế xe tải Jimmy Hoffa. Nixon và Hoffa có điểm chung là “không ưa” John Kennedy nên hắn đã dùng 2 triệu nghiệp đoàn viên của mình ủng hộ Nixon trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1960. Tạp chí Crime dẫn lời Edward Partin - đặc tình của chính phủ, rằng Hoffa đã bí mật gặp Marcello bàn về kế hoạch đóng góp tài chính cho Nixon với một số lượng tiền lớn.  “Tôi đứng ngay cạnh Hoffa và Marcello nghe cuộc đối thoại qua lại” - Partin thuật lại - “Marcello cầm một va li đầy tiền gửi cho Nixon, 500.000 đô la cả thảy. Sau đó, họ bàn tiếp sẽ gửi thêm 500.000 đô la nữa từ đàn em của Marcello ở New Jersey và Florida”.
Cuộc gặp gỡ diễn ra hôm 26.9.1960 tại New Orleans sau này chính thức được William Sullivan - cựu quan chức hàng đầu FBI xác nhận. Hoffa lúc này phục vụ Nixon như một tay chuyên kêu gọi tài trợ. Chỉ sau vài tuần, lượng tiền Hoffa đem về đủ để Nixon ra tay giúp “đình chỉ” vụ án lừa đảo đất đai ở Florida mà trong đó, Hoffa đang đối mặt với nguy cơ bị truy tố.
Đây không phải lần đầu tiên Nixon nhận tiền ủng hộ từ thế giới ngầm. Từ năm 1946, trong cuộc vận động tìm ghế trong Quốc hội Hoa Kỳ, Nixon đã được Murray Chotiner - một luật sư chuyên bảo vệ các bố già, giới thiệu cho trùm thế giới ngầm Los Angeles bấy giờ là Mickey Cohen. Chontiner gây sức ép buộc Cohen phải đóng góp cho chiến dịch của Nixon. “Bài” này cũng được Chontiner áp dụng tương tự với nhiều ông trùm khác, trong đó có Meyer Lansky – “ông vua” của giới cờ bạc từ Las Vegas đến New York, Miami và Ben “Bugsy” Siegel - một tay mafia gốc Do Thái đứng sau sự phát triển của Las Vegas.
Tuy nhiên, Nixon đã thất bại đau đớn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960 trước J.F Kennedy với tỷ lệ phiếu bầu khít khao nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ: 49,7% so với 49,5%. Không lâu sau, bản thân Hoffa bị Tổng chưởng lý Robert Kennedy đưa vào tù vì tội biển thủ gần 2 triệu đô la tiền quỹ của nghiệp đoàn tài xế xe tải. Tuy nhiên đến ngày 23.12.1971, khi đã là tổng thống, Nixon ký lệnh đặc xá cho Hoffa. Tay này chỉ thụ án 5 năm tù  so với mức án bị tuyên là 13 năm.
Bánh ít đi, bánh quy lại
Ngay sau khi bước vào Nhà Trắng (1969), Richard Nixon đã thắt chặt quan hệ với Carlos Marcello. Lúc này, danh tiếng bố già New Orleans đã nổi như cồn, được thế giới ngầm đặt biệt hiệu “the Big Daddy in the Big Easy” (bố già New Orleans). Cầu nối của mối quan hệ này vẫn là Murray Chotiner trung thành, từng phục vụ Nixon từ thời ông này còn trong binh chủng hải quân. Chotiner có một công việc làm cho chính phủ hẳn hòi và có phòng làm việc đặt trong Nhà Trắng. Lợi dụng mối quan hệ hậu trường ấy, tay này cùng với em trai có vai trò rất đắc lực trong việc bảo vệ 221 băng đảng tội ác tại California.
Trong suốt hai năm đầu tiên Nixon ở Nhà Trắng, Chotiner đã tìm mọi cách giúp Carlos Marcello thoát khỏi bản án 2 năm tù vì ông trùm “lỡ tay” nện một nhân viên FBI. Cuối cùng, Nixon gây sức ép lên Tổng chưởng lý John Mitchell giảm án tù xuống chỉ còn 6 tháng và hơn thế nữa, Nixon thu xếp cho bố già New Orleans được chuyển đến một trung tâm y tế để chữa bệnh thay vì ngồi gỡ lịch trong nhà tù Springfield.  Cũng thời gian này, Tổng thống Nixon đã làm ngơ trước lời tư vấn của ủy ban tổng thống nhằm hợp thức hóa việc mua bán cần sa. Quyết định này đã khiến khoảng 15 triệu công dân Mỹ bị bắt giữ vì những cáo buộc liên quan đến chất gây nghiện này.
Động cơ chính để Nixon biện hộ rất chính trị: Một tổng thống cộng hòa không thể quay lưng với cử tri thủ cựu của mình vốn luôn chống đối việc sử dụng ma túy. Tuy nhiên, phóng viên Gore Vidal đã bình luận trên tờ The  New York Times năm 1970: “Chính phủ đã đem lại lợi ích cho cả cảnh sát lẫn dân xã hội đen. Cả Cục Phòng chống ma túy lẫn mafia đều muốn có một điều luật mạnh mẽ chống lại việc mua bán và sử dụng ma túy bởi vì nếu ma túy được bán công khai, có giá cả đàng hoàng thì sẽ chẳng còn đồng xu nào chảy vào túi họ cả”.


Mafia trong Nhà Trắng: Ám sát John F.Kennedy

06/10/2009 23:35


http://www.thanhnien.com.vn/News/Picture200901/Tieukhuong/10/07/19a.jpg

John F.Kennedy cùng vợ Jacqueline và Thống đốc Texas John Connally trên chiếc limousine vài phút trước khi bị ám sát - Ảnh: Wikipedia

Việc Kennedy thắng cử tổng thống, sau đó bổ nhiệm em trai Robert F.Kennedy vào ghế tổng chưởng lý và khai hỏa cuộc chiến chống thế lực ngầm đã làm gai mắt các ông trùm. Bi kịch của dòng họ Kennedy bắt đầu từ đây sau hai vụ ám sát John (1963) và Robert (1968).
Ân oán
Ngày 24.3.1959, Carlos Marcello bị triệu tập đến trước Ủy ban điều tra tội phạm Thượng viện Hoa Kỳ. Giữ chức chủ tịch ủy ban này là Robert J.Kennedy và John Kennedy là thành viên của ủy ban.
Ủy ban chất vấn Marcello về những hoạt động mang tính chất xã hội đen có tổ chức. Tuy nhiên, vận dụng điều 5 tu chính hiến pháp, ông trùm từ chối trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến quá khứ, hoạt động và các mối quan hệ của mình.
Đắc cử tổng thống năm 1960, John Kennedy bổ nhiệm Robert Kennedy làm tổng chưởng lý. Hai anh em làm việc chặt chẽ với nhau trong nỗ lực truy quét tội phạm có tổ chức. Tháng 3.1961, Robert Kennedy ra lệnh trục xuất Marcello qua Guatemala vì tội lưu trú bất hợp pháp. Ngày 4.4.1961, Marcello bị bắt và bị cưỡng chế trục xuất khỏi Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, không bao lâu sau, bố già Louisiana lặng lẽ trở về trên một chiếc chuyên cơ nhỏ. Thư viện mở Wikipedia cập nhật hôm 23.9.2009 dẫn lại nguồn tin đặc tình của chính phủ cho biết Marcello đã nhiều lần đòi “xử” John Kennedy. Có lần, hắn dùng thổ ngữ hăm dọa truyền thống của dân Sicillian: “Lấy cục đá ra khỏi giày tao”. Tháng 9.1962, Marcello nói thẳng với thám tử Edward Becker (sau là thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang) rằng: “Con chó sẽ tiếp tục cắn nếu mày cắt lỗ tai nó” (ám chỉ Robert Kennedy); “trừ phi mày cắt đầu...” (ám chỉ John Kennedy) “... nó sẽ hết gây rắc rối”.
Một thông tin khác được dẫn trên tạp chí Crime cho biết tháng 7.1963, Chủ tịch Nghiệp đoàn tài xế xe tải Jimmy Hoffa phái tay luật sư đàn em Frank Ragano đến New Orleans gặp Marcello và sau đó đến Florida diện kiến bố già Santos Trafficante. Ragano tiết lộ trong quyển Mob Lawyer (Luật sư của trùm) phát hành năm 1994 rằng hắn mang theo thông điệp của Hoffa thuyết phục hai bố già:
“... Các ngài có thể không tin nhưng ông ấy (Hoffa) thực sự muốn các ngài giết John Kennedy. Ông ta muốn tống khứ tổng thống ngay lập tức”.
Ragano thuật lại nét mặt của hai ông trùm vẫn “lạnh như băng”. Sự im lặng của họ là dấu hiệu của một việc chẳng lấy gì làm hay ho và họ không muốn thảo luận. Tuy nhiên, Ragano nói Trafficante lúc sắp chết trên giường bệnh năm 1987 đã thú nhận ông và Marcello đã bàn thảo và thực hiện yêu cầu của Hoffa.
12 giờ 30 trưa 22.11.1963, John F.Kennedy bị trúng 2 phát đạn trong lúc cùng vợ Jacqueline đi trên chiếc limousine gần trường học Texas School Book Depository (bây giờ là tòa nhà chính quyền Dallas). Nửa giờ sau, Nhà Trắng chính thức xác nhận vị Tổng thống Hoa Kỳ thứ 35 đã qua đời.
Cuộc điều tra dai dẳng
Cảnh sát bắt giữ Lee Harvey Oswald - nhân viên của tòa nhà đối diện nơi phát ra tiếng súng, với cáo buộc giết tổng thống. Nhưng chỉ hai ngày sau, Oswald bị bắn thủng bụng và chết trên đường chuyển trại giam.
Kẻ thủ ác là Jack Ruby - chủ một CLB múa thoát y tại Dallas. Tay này có mối quan hệ mật thiết với gia đình Marcello, đặc biệt là người phó của Marcello, Joseph Civello, và nhân vật thứ 2 trong giới mafia ở Dallas là Joe Campisi. Ruby luôn bám sát Oswald trong suốt hai ngày bị bắt.
Sau này mọi người biết Ruby không chỉ là một tay buôn cần sa được cảnh sát bảo vệ mà còn là đặc tình của chính phủ: năm 1947, hắn là nguồn tin mật của đại biểu quốc hội trẻ tuổi vùng California tên Richard Nixon; năm 1950, hắn hợp tác ngầm với Ủy ban điều tra tội phạm của Thượng viện; năm 1956 - theo bản báo cáo mới công bố, FBI nhận định Ruby là cầu nối giữa cảnh sát và các ông trùm xã hội đen tại Dallas.
Sau khi bị bắt, Ruby kháng án thành công và thoát khỏi án tử. Trong lúc chờ đợi một phiên xử khác, hắn trở bệnh và chết vì ung thư năm 1967.
Một nghi can khác trong vụ ám sát là David Ferrie - phi công của Carlos Marcello đồng thời cũng là bạn của Oswald. Năm 1967, đúng lúc chưởng lý Dallas Garrison chuẩn bị ra trát bắt giữ thì người ta phát hiện Ferrie chết trong căn hộ của mình. Hai lá thư tuyệt mệnh được tìm thấy, cho rằng hắn tự tử, tuy nhiên “chữ ký” của hắn lại là đánh máy. Đơn vị cảnh sát chuyên điều tra những án chết bất thường kết luận Ferrie chết vì xuất huyết não. Tuy nhiên, Cảnh sát trưởng New Orleans - Aaron Kohn tin rằng Ferrie đã bị mưu sát và Garrison cáo buộc CIA ra tay ỉm đi vụ này.
Các điều tra viên của Garrison cũng đã tìm ra rằng - ngay trước khi Kennedy bị ám sát, Ferrie đã gửi 7.000 USD vào tài khoản ngân hàng và bắt đầu thu lợi tức từ một cây xăng - món quà của Marcello.
Một trong những cộng sự mật thiết của Robert Kennedy - Ron Goldfarb, cũng kết luận rằng vụ ám sát Robert Kennedy là “việc làm của Hoffa, Trafficante và Marcello. Không ai biết các ông trùm chiêu mộ Oswald như thế nào, nhưng đó là động thái của một ông trùm sử dụng người của mình để thực thi một án tử và sau đó thủ tiêu chính tay sát thủ đó để bịt miệng”.
Năm 1971, Hoffa được Nixon đưa ra khỏi nhà tù. Nuôi tham vọng trở lại quyền lực cũ, Hoffa lên kế hoạch hất Frank Fitzsimmons ra khỏi ghế chủ tịch nghiệp đoàn của mình. Tuy nhiên, hắn không hề biết tình thế đã thay đổi. Ngoan ngoãn, dễ bảo hơn Hoffa, “Fitz” giờ đã được sự ủng hộ của nghiệp đoàn và bản thân hắn cũng đã thiết lập được mối quan hệ thân thiết với Nixon.
Năm 1975, Hoffa bị bắt cóc, sau đó bị thủ tiêu mất xác. Xác của hắn được nhiều nguồn tin nhận định rằng bị nghiền nát chung với đống xe hơi nghĩa địa và bị nấu chảy.


Hai ngày sau vụ ám sát, Phó tổng thống Mỹ Lyndon Johnson thành lập Ủy ban Warren do Chánh tòa tối cao Earl Warren đứng đầu, để tiến hành điều tra vụ việc. Tháng 9.1964, Ủy ban Warren đệ trình bản báo cáo dài 888 trang, kết luận: “không thấy mối liên hệ giữa Marcello và vụ ám sát”... “...không có chứng cứ để cho rằng Marcello là một tay tội phạm...” và Marcello kiếm sống “...bằng nghề bán cà chua và đầu tư bất động sản...”.

Năm 1979, thêm một ủy ban điều tra nữa của quốc hội do ông Robert Blakey đứng đầu đã kết luận có ít nhất 2 tay súng tham gia vào vụ mưu sát Kennedy. Những kẻ chủ mưu đáng nghi nhất bao gồm Hoffa, Marcello, Trafficante và bố già Chicago Sam Giancana. Robert Blakey kết luận rằng: “Hoffa đã hành động theo lệnh của các ông trùm vốn hòng làm giảm nhẹ áp lực từ cuộc chiến chống tội phạm dẫn đầu là Tổng chưởng lý Robert Kennedy”. Sau đó, ông ủng hộ một vụ tố tụng yêu cầu phải công khai các thông tin bí mật liên quan đến vai trò của CIA trong vụ mưu sát.

Sự nghi ngờ của Blakey khớp với những gì Bob Haldeman - trợ lý của Nixon, tiết lộ năm 1978 rằng “CIA đã làm một cú bưng bít ngoạn mục, xóa bỏ tất cả những thông tin liên đới giữa vụ ám sát và CIA”. Riêng Richard Nixon trong lần nói chuyện với Haldeman (qua băng ghi âm vừa được công khai), vị tổng thống thứ 37 Hoa Kỳ nhìn nhận “kết luận của Ủy ban Warren là một trò bịp vĩ đại nhất, rất khó mà quên được”.

Lê Huỳnh Lê
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200941/20091005234733.aspx

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học