Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN VIỆT NAM CẬN ĐẠI Kỷ Niệm 100 Năm Phong Trào Đông Du (1905-2005)
Kỷ Niệm 100 Năm Phong Trào Đông Du (1905-2005) PDF. In Email
Thứ sáu, 14 Tháng 1 2011 14:01

1.     Nhờ ông giúp sức khơi dòng đầu,
Người vượt trùng dương ngày càng nhiều.(1)

Người khơi dòng đầu cho Phong trào Đông du không ai khác hơn là Tăng Bạt Hổ.  Chẳng những Phan Bội Châu và Đặng Tử Mẫn khắc tên Ông đầu tiên trên bảng Việt Nam Nghĩa Liệt vì ông là "ngọn sóng trước tiên của lớp thuỷ triều mới đang bành trướng, ngọn lửa đầu tiên của bộ máy đang bộc phát" (2) mà Nguyễn Thượng Hiền cũng đánh giá cao hành động của ông là "kết thúc nghĩa hội cũ mà mở ra nghĩa hội mới". (3)

Tăng Bạt Hổ (1858- 1906) tên thật là Tăng Doãn Văn, "tên chữ là Sư Triệu, người tỉnh Bình Định, bổn tính hào mại, kiến thức thấu suốt, khí phách cương nghị. Trong lúc nói năng thì thái độ hoà nhã, dịu dàng, gần gũi người ta"...  (4) đã chiến đấu trong nghĩa hội Cần vương Bình Định. Khi Cần Vương Bình Định tan rã, ông thoát sang Trung Hoa. Người Pháp xem ông là một phái viên rất đắc lực của Tôn Thất Thuyết bấy giờ đang an trí ở Thiều Châu.  Ông đi về thường xuyên giữa Quảng Đông và Huế, nhờ thế mà sĩ phu ở Huế biết đến những biến động ở Viễn đông. Chẳng những đọc tân thư, ông còn lặn lội khắp vùng đông Á: Trung Hoa, Nhật Bản, Đài Loan và từng xuống đến Nam Dương (Indonesia).

Mối quan hệ giữa phái viên và chàng rể quan Phụ Chính hẳn đã gợi mở ra nhiều vấn đề:

- Sự lạc hậu của nền giáo dục từ chương khoa cử trên nền tảng tứ thư ngũ kinh.

- Phong trào Cần vương thất bại, con đường giải phóng dân tộc lâm vào cuộc khủng hoảng tư tưởng và bế tắc.

- Phải phá vòng kiềm hãm của thực dân đế quốc để đặt mối quan hệ với Đông Nam Á: nước Nhật đã duy tân và hùng cường, Trung Hoa đang thức tỉnh...

Nguyễn Thượng Hiền đã nhớ lại một trong những lần gặp gỡ ấy: "Mùa Xuân năm Mậu Tuất (1898) Sư Triệu từ nước ngoài trốn về, gặp tôi ở Hà Thành, mới một lần mà đã như bạn cũ...  Tôi mới bàn với Sư Triệu là muốn cứu nước mà không lo kết nạp anh hào và thăm  dò con cháu các nhà có thù với giặc thì không được..., nên đem họ xuất dương , tôi luyện tài họ để ngày sau làm rường cột cho nước" (5)

Thật không thể tin được rằng chính trong năm 1898 khi mà cuộc khởi nghĩa vô vọng của Võ Trứ và Trần Cao Vân ở Phú yên thất bại thảm hại thì phong trào Đông Du đã manh nha dù cho kế hoạch của Tăng và Nguyễn đã không thực hiện được.

Chúng tôi ngờ rằng những cuốn tân thư đầu tiên mà Nguyễn Thượng Hiền đã có may mắn tiếp cận đã từ tay Tăng Doãn Văn.  Phan Bội Châu đã được đọc tân thư và nghe chuyện Tăng Bạt Hổ từ Nguyễn Thượng Hiền:  "... Tôi  xem những pho sách ấy mới hiểu qua được tình trạng cạnh tranh ở trong hoàn hảo, thảm trạng quốc vong diệt chủng càng kích thích trong vẻ sâu lắm.  Tiên sinh lại kể những việc nghĩa dũng của ông Tăng Bạt Hổ  cho tôi nghe, tôi chôn sâu người ấy ở trong lòng, và cái tư tương phá cửa sổ lồng đến lúc đó mới manh động"(6)

Chẳng những là "khơi múi, mở đầu", Tăng Bạt Hổ còn là người dẫn đường cho Phan Bội Châu đông du và tích cực giải quyết những khó khăn buổi đầu một cách hiệu quả.  Phan Bội Châu đã khắc hoạ chân dung Tăng một cách tuyệt đẹp:

"Ông tuổi ngoài bốn mươi mà râu mày cốt cách, trời hạ sương thu, trông qua một lần mà biết chắc là người duyệt lịch đã dày lắm.  Ngồi nói chuyện, ông kể tình hình ngoài bể rất kỹ, mà nói đến nhân vật nước Tàu hiện thời càng rạch ròi như đếm tiền trong túi. Tôi được gặp ông, mừng là trời trao..." (7)

2.  Phan Bội Châu và Cường Để

Sau khi gặp Tiểu La và thống nhất ý kiến với vịêc tìm kiếm một Lê Trang Tông để ủng phù làm minh chủ và không bằng lòng  với một Tôn Thất Toại " khí thức ngó cũng tầm thường", Phan Bội Châu đã ra Huế lân la giao tiếp với con cháu Hiệp Hoà và con cả Đồng Khánh nhưng không thấy ai tâm hợp.  Cuối cùng, đã lâu ngày mới thăm dò được kỳ Ngoại hầu là người "sẵn có chí lớn".

Kỳ ngoại Hầu Cường Để thuộc dòng trưởng của vua Gia Long; hậu duệ của Anh Duệ Đông cung Nguyễn Phúc Cảnh.  Chẳng may, Đông cung mất sớmnên không thể kế thừa ngôi vị và Gia Long đã chọn Hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm kế vị thay vì cháu đích tôn là Phúc đường (Mỹ Đường) (8) mà đa số đại thần ủng hộ: Ông của Cường Để là con của Mỹ Đường: Cảm Hoá công Lệ Chung ( Duệ Chung) Hàm hoá Hương công, con của Cảm Hoá, là thân phụ của Cường Để.

Theo Cường Để, sau khi vua Hàm Nghi bị bắt và bị đày, Phan đình Phùng đã cho người liên lạc với Hàm Hoá và muốn Hàm Hoá thay Hàm Nghi ở ngôi vị lãnh đạo tinh thần cho phong trào Cần Vương.  Hàm hoá lấy cớ tuổi già muốn giao lại địa vị ấy cho Cường Để lúc bấy giờ mới mười hai tuổi (1894).  Việc không thực hiện được  vì phái viên của Phan đình Phùng là Hồ quý Châu lâm bệnh mất  và năm sau cuộc khởi nghĩa Hương Khê cũng chấm dứt cùng với sinh mệnh của người lãnh đạo.(9)  Mùa thu năm Quý Mão (1903), khâm sứ Pháp Auvergne  muốn truất phế Thành Thái, có thăm dò Cường Để để thay thế nhưng việc không thành.

Lần thứ ba Cường Để có cơ hội để trở thành bậc chí tôn là vào năm 1907. Vua Thành Thái bị truất phế và Pháp cũng như triều đình Huế tìm người kế vị. Thượng thư bộ công là Nguyễn hữu Bài, theo Thiên Chúa giáo, đã không ngần ngại đề nghị với người Pháp cho rước Cường Để, đang lưu vong ở Nhật Bản với cương vị Hội chủ Duy tân hội, về Huế để đưa lên ngôi! Giải thích sự kiện này, tài liệu Pháp cho biết từ khi đặt nền đô hộ, một phe phái đã hình thành trong giới quan lại và tín đồ Thiên Chúa giáo với mục đích đưa dòng trưởng của Đông cung Cảnh lên ngai vàng ở Huế (10).  Không có gì khó hiểu ước muốn của dòng trưởng và ý đồ của tín đồ  Thiên chúa giáo nếu ta biết rằng Đông cung Cảnh có mối quan hệ thân thiết với Bá Đa Lộc và muốn cải đạo.  Xu hướng đó cũng thể hiện trong vịêc Cường Để giới thiệu Nguyễn Hữu Bài, Đốc vận Hiền... tham gia Duy Tân hội năm 1904.(11)

Phải chăng chí lớn của Cường Để xuất phát từ nhân thân của ông?  Phải chăng vì cảm nhận được điều đó mà Phan Châu Trinh bài bác vị minh chủ của Duy Tân hội ?  Sự thực lịch sử cho thấy rằng Cường Để không cam chịu thân phận của một Lê Trang Tông - vị minh chủ danh nghĩa- mà dần dà muốn có thực quyền, càng không phải thực quyền của một người lãnh đạo Duy Tân hội mà là thực quyền của một vị vua tương lai.

Trong giai đọan đầu khi Duy Tân hội mới thành lập (1904) bên cạnh những Tiểu la Nguyễn Thành (1863) Châu Thương Văn (1856), Đỗ đăng Tuyển (1856), Tăng Bạt Hổ (1858), Phan Bội Châu (1867) thì hội chủ chỉ là một thanh niên mới ngòai hai mươi tuổi chưa có chút thành tích gì trong khoa bảng, học vấn cũng như đấu tranh.  Vai trò một vị minh chủ danh nghĩa còn non tuổi đời đã thể hiện rõ nét trong buổi đầu xuất dương.  Tại nhà Lưu vĩnh Phúc, nơi Tán tương Nguyễn Thiện Thuật tá túc, hai vị lãnh đạo họ Phan - một của Duy tân hội, một của Phong trào Duy tân công khai - bàn luận chính trị.  Phan Tây Hồ đã chỉ trích chế độ quân quyền thậm tệ, cho rằng cái tệ quân chủ chuyên chế không trừ được thì tuy phục quốc cũng chưa phải là hạnh phúc!  Chẳng những Cường Để chỉ "tựa cột mà nghe" mà sau đó trong một bức thư gởi cho hòang tộc ở Huế đã tư xưng là người thừa kế "giặc của dân". (12)

Dân tặc hậu Cường Để bái cáo ư ngã tôn nhân liệt tôn...

Theo tài liệu của Pháp, chữ dân tặc để chỉ ngôi quân chủ là một từ của Phan Châu Trinh đặt ra khi đàm luận với các môn sinh của Lương Văn Can ở Hà Nội nhân khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1904), manh nha ý tưởng vềmột nền cộng hòa... Cả những quan lại trung thành với thực dân như Lê Hoan, Hòang Trọng Phu cũng nhận được văn bản này. (13)

Và thật hợp lý khi Phan Bội Châu đưa vị hội chủ vào học trường Chấn Võ để được rèn luyện cùng với Nguyễn Thức Canh, Lương Ngọc Luyến và Nguyễn Điển.  Cường Để đã không chịu được sự khổ luyện.  Theo Nguyễn Thức Canh đến cuối năm 1906 Cường Để mới nhập trường và rời trường và tháng 11-1907.  Một năm học tập "lơ đểnh bài vở nhà trường nên thành tích bỉ nhân ở trường Chấn Võ bấy giờ thường vào hạng kém" (14)

Trước khi về nước, Phan Châu Trinh đã căn dặn Phan Bội Châu "quốc dân hy vọng chỉ nơi mình ông.  Kỳ ngọai hầu không cần gì đâu". Lại ngõ lời với du học sinh trong bữa liên hoan tiễn đưa "Khuyên anh em nên ra sức học hành, đến như vấn đề quốc thể và chính trị tương lai thì không muốn phát biểu ý kiến" (15)

Trong một bức thư gởi riêng cho Cường Để, Phan Châu Trinh đả kích mạnh mẽ:

"Nhữ đặc bất quá nhất học sinh, nhĩ ký vô quốc hỷ, hà sở vị dân?  Ký vô dân hỹ, hà sở vị chủ..."

(Anh bất quá chỉ là một sinh viên bình thường.  Đã không có nước làm sao anh có quốc dân?  Đã không có quốc dân, anh xưng chủ với ai?...)

Tư liệu của Pháp cho biết tức giận vì những lời đả kích trên, Cường Để đã viết thư cho các quan lại thân thiết của ông ở triều đình Huế tố cáo thái độ chống quân chủ của Phan mà hậu quả là bản án nặng nề dành cho Phan nhân vụ Chống thuế 1908. (16)

Thực ra chẳng cần thư của Cường Để (nếu có), Phan Châu Trinh đã mua chuốc óan thù với trìều đình Huế bằng thư gởi toàn quyền Paul Beau rồi!   Cường Để sau khi rời trường Chấn Võ cũng là lúc học sinh Nam Kỳ du học ngày càng đông.  Sự ngưỡng mộ của đồng bào Nam Kỳ đối với hội chủ dòng dõi Đông Cung cũng như sự tôn sùng vị hội chủ của học sinh Nam Kỳ đã tạo cho Cường Để một tư thế mới.  Các du học sinh diện kiến Cường Để đều phải lạy 5 lạy như là nghi lễ quân thần!(17).  Khác với du học sinh Bắc Kỳ và Trung kỳ luôn coi Phan Bội Châu là người lãnh đạo quan trọng và thực sự của Hội, các học sinh Nam Kỳ còn nặng tư tưởng tôn quân đã xem Cường Để là người lãnh đạo cao nhất và Phan Bội Châu chỉ giữ vai trò phụ tá.

Cường Để lấy lại họ Nguyễn Phúc, một cách từ chối cách đặt tên theo phiên hệ mà Minh Mệnh áp đặt cho tất cả hậu duệ của 11 anh em của ông.  Ông lấy tên Nguyễn Phúc Dân, tương tư như tên của hai người con của Đông cung Cảnh là Phúc Thùy và Phúc Đường.  Aán của ông khắc Gia Thành (vương hiệu hay niên hiệu ?) khiến người ta liên tưởng đến niên hiệu Gia Long của Thế tổ nhà Nguyễn (18).

3. Về tấm ảnh Cường Để - Phan Bội Châu

Ảnh Cường Để và Phan Bội Châu

Tấm ảnh mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là tấm ảnh Cường Để và Phan Bộ Châu.  Mấy điểm cần chú ý:

- Cường Để và Phan Bội Châu đều mặc lễ phục Tây phương rất trang trọng.

- Ảnh được chụp trong một tiệm ảnh chứ không phải ở trong nhà hay ngòai trời.

Hai điểm đó cho thấy đây là là một tấm ảnh chính thức được chụp với một mục đích sử dụng nào đó.  Có điều Hội chủ thì đứng trong khi vị tổng lý thì ngồi ngay ngắn trên ghế.  Tấm ảnh vì thế sẽ là lời cải chính những ai tin rằng Hội chủ Cường Để là người lãnh đạo đích thực và Phan Bội Châu chỉ là người phụ tá, cho dù là một phụ tá đắc lực.  Phải chăng không tiện nói rõ với học sinh Đông Du và nhất là học sinh gốc Nam Kỳ, Phan Bội Châu đã chủ động và có dụng ý khi cho chụp tấm ảnh trên?

Dù thế nào chăng nữa, sau khi cả hai bị trục  xuất ra khỏi đất Nhật, Phan Bội Châu và Cường Để đã không còn gắn kết trong họat động.  Khi thành lập Việt Nam Quang Phục hội năm 1912 thì hợp tác giữa Cường Để và Phan Bội Châu chỉ còn là danh nghĩa.  Việc Việt Nam Quang Phục hội minh định tôn chỉ của hội là "Khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Cộng hòa Dân quốc" đã bị các đại biểu Nam Kỳ phản đối.  "Đồng bào trong Nam dối với Kỳ ngoại hầu tín ngưỡng rất sâu, não chất ấy chưa bỗng chốc mà đổi được". (19)

Cường Để lúc bấy giờ ở Hồng Kông đã tránh mặt không tham dự.  Dù vậy, hội nghị thành lập VNQPH vẫn dành cho Cường Để chức vụ Hội trưởng kiêm Bộ trưởng Tổng bộ.

Ông hội trưởng Cường Để nói gì về tổ chức vừa được cải tổ:

"Tháng 5 năm Nhâm Tý (1912), ông Phan Bội Châu mời bỉ nhân về Quảng Châu để tiến hành sự cải tổ Việt Nam Quang Phục hội, song bỉ nhân khi ấy mắc bệnh không về được, nên viết thư giao quyền cho ông Phan tiện nghi hành sự.  Oâng Phan được bầu chọn là tổng lý, tức là người thay quyền hội chủ chấp hành việc hội.  Hoàng Trọng Mậu làm bí thư" (20)  Vị hội trưởng đã không nói gì đến sự thay đổi tôn chỉ của VNQPH, cũng không buồn nói đến tổ chức của hội gồm Tổng vụ bộ mà Cường Để đứng đầu, Bình nghị bộ và Chấp hành bộ gồm tất cả 15 người phụ trách.  Hoàng trọng Mậu chỉ giữ chức Quân vụ ủy viên lại được Cường Để xem là nhân vật thứ hai sau Phan Bội Châu và không thừa nhận minh bạch chức hội trưởng của mình.

Nhận xét về tổ chức mới được thành lập, Cường Để viết:

"Nhưng làm việc mà kinh tế tự mình không có, chỉ có người ngoài giúp đỡ khó có kết quả tốt nên những họat động của ông Phan hồi ấy lúc đầu tuy  có rộn rực nhưng sau chẳng khỏi im dần đi, cho đến cuối năm thì cơ hồ không có gì nữa".

Việc của VNQPH là việc của ông Phan, và cơ hồ không còn gì vào cuối năm 1912.  Không còn gì hay còn gì thì trên thực tế VNQPH không còn chỗ trong tâm trí Cường Để.  Và Cường Để có những họat động độc lập: về Nam Kỳ ba thánng (1913) quyên góp chừng 50.000 đồng, đi Aâu Châu tám tháng (1913-1914).  Từ đó Cường Để hầu như không còn họat động nào liên quan đến VNQPH dù trên danh nghĩa ông vẫn là hội trưởng.  Thậm chí khi đề cập đến cuộc khởi nghĩa năm 1916 mà vua Duy Tân đồng ý tham dự , cũng không biết (và làm như không biết?) rằng cuộc khởi nghĩa đó là do VNQPH trong nước tổ chức.  Cường Để cũng không hề nhắc đến cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (1917) do Lương Ngọc Quyến (người đồng chí đã cùng ông học một thời gian ở trường Chấn Võ) với danh nghĩa VNQPH.  Từ năm 1912 cho đến lúc Phan Bội Châu bị bắt (1925), Cường Để và Phan Bội Châu đã thực sự không còn chung chí hướng và họat động.

Trần Viết Ngạc

Chú thích

(1) Đặng Đoàn Bằng - Phan Thị Hán : Việt Nam Nghĩa liệt sữ, nguyên tác Hán văn, bản dịch của Tôn Quang Phiệt, nxb Văn Học, Hà nội, 1972.  Trang 32

(2) như trên, trang 25

(3) như trên, trang 26

(4) như trên, trang 32

(5) như trên, trang 34

(6) Phan Bội Châu - Tự phán, nxb Anh Minh, Huế, 1956.  Trang 27

(7) như trên, trang 42

(8) Nguyễn Phúc Đường tức Mỹ Đường, Lệ Chung tức Duệ Chung.

(9) Cường Để, Cuộc đời cách mạng Cường Để, nguyên tác Nhật ngữ do ký giả Tùng Lâm chấp bút, bản dịch của Ban Tuyên truyền VNPQH.  Tráng Liệt xuất bản, Sài Gòn, 1957

(10) Note sur l'agitation anti-francaise depuis 10 ans et le parti nationaliste annamite.  Annexe au Rapport de M. le Gouverneur General de l'Indochine a` M. le Ministre.  A.O.M, ký hiệu 3F 34-65514.  Tài liệu đánh máy, trang 15

(11) Cường Để, sđd, trang 14

(12) Note sur l'agitation..., tlđd, trang 19

(13) Như trên, trang 21

(14) Cường Để, sđd, trang 25.  Theo Cường để thì ông học ở Chấn Võ từ giữa năm 1906 đến đầu 1908.

(15) Trần Trọng Khắc, Năm mươi bốn năm hải ngoại.  Cơ sở ấn loát Xây dụng, Sài gòn, 1971, trang 28

(16) Note sur l'agitation..., tlđd, trang 23

(17) Như trên, trang 27 (về vụ án Gilbert Chiếu ở Mỹ Tho năm 1908)

(18) Như trên, trang 3

(19) Phan Bội Châu, Tự phán, sđd, trang 146

(20) Cường Để, sđd, trang 54

- Ảnh Cường Để và Phan Bội Châu

- Bằng tốt nghiệp Khoa Anh ngữ do trường Đông kinh Cao đẳng Sư phạm cấp cho Trần Trọng Khắc (tức Nguyễn Thức Canh) năm 1917

- Bằng Bác sĩ Y khoa do đại học Berlin (Đức quốc) cấp cho Trần Trọng Khắc, năm 1931 - Bản dịch tiếng Hoa do sứ quán Trung hoa chứng.

http://chimviet.free.fr/lichsu/tranvietngac/tvns049.htm

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học