Kỉ niệm 35 năm ngày thành lập trường
  
Nghiên cứu Khoa học công nghệ và đào tạo sau đại học

Công tác nghiên cứu KHCNNhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN) và đào tạo sau đại học (SĐH) qua các giai đoạn phát triển của Nhà trường luôn luôn giữ một vị trí quan trọng. Đặc biệt, cùng với việc xác lập vai trò Trường Đại học Sư phạm trọng điểm của Trường, hoạt động nghiên cứu KH-CN và đào tạo SĐH lại càng quan trọng hơn, và đã trở thành một nhiệm vụ hàng đầu.

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ

Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh 30 năm qua đã góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong Trường, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lí. Hoạt động này đã thu hút đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài trường, góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đóng góp hiệu quả, thiết thực về lí luận cũng như thực tiễn cho công tác quản lí, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo ở các tỉnh phía Nam và trong cả nước, hướng đến mục tiêu hội nhập, vươn lên ngang tầm với nền giáo dục khu vực và quốc tế.

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được Nhà trường xác định: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, nghiên cứu dự báo trong lĩnh vực khoa học giáo dục và các lĩnh vực khoa học khác. Ưu tiên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học kết hợp với đào tạo đại học, đào tạo và bồi dưỡng sau đại học

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Phòng Khoa học-Công nghệ và Sau đại học được thành lập với nhiệm vụ từng bước củng cố, phát triển đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời vừa làm nhiệm vụ tham mưu, vừa làm đơn vị tổ chức thực hiện, quản lí công tác nghiên cứu khoa học trong Trường và các hoạt động nghiên cứu khoa học ngoài trường

Trường xây dựng được định hướng nghiên cứu cho từng năm và phương hướng hoạt động cho từng giai đoạn. Công tác nghiên cứu khoa học từng bước đi vào nề nếp, đúng quy định; các đề tài nghiên cứu KH-CN của cán bộ, giảng viên, sinh viên ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, phạm vi nghiên cứu được mở rộng, nội dung nghiên cứu mang tính khoa học và thực tiễn.

Trong 30 năm, qua cán bộ, giảng viên Nhà trường đã thực hiện được 275 đề tài nghiên cứu, trong đó có 137 đề tài cấp Bộ, 138 đề tài cấp Cơ sở. Phần lớn các đề tài đã nghiệm thu, được xếp loại Khá và Tốt.

Phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên luôn được chú trọng và ngày càng có chất lượng cao hơn. Đến nay, thống kê chung tất cả các loại hình nghiên cứu, sinh viên trong Trường đã thực hiện được 1224 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó 59 công trình được khen thưởng cấp Bộ.
Tạp chí Khoa học của Trường đã phát hành được 42 số, với nhịp độ, qui mô và chất lượng ngày một tăng. Trong những năm đầu, Tạp chí phát hành 1 số / 1 năm, sau tăng lên 2, và từ năm 2003 là 4 số / năm, trong đó có 2 số dành cho Khoa học Xã hội - Nhân văn, 2 số cho Khoa học Tự nhiên, và trong tương lai sẽ tiến tới 8 số / năm. Tạp chí được phát hành rộng rãi, là diễn đàn khoa học tích cực, phản ánh đúng năng lực, chất lượng nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học trong Trường, sự đa dạng phạm vi và tính chuyên sâu của các lĩnh vực nghiên cứu. Uy tín và chất lượng của Tạp chí cũng được thừa nhận và khích lệ thông qua sự tham gia cộng tác của đông đảo các nhà khoa học ngoài trường. Năm 2001, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Trường (1976-2001), Phòng KHCN&SĐH đã phát hành cuốn Danh mục các công trình khoa học của cán bộ, giảng viên, khẳng định một thành quả quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường và của mỗi cá nhân cán bộ, giảng viên trong ¼ thế kỷ.

Trường đã tổ chức hoặc phối hợp với các khoa, viện, trung tâm nghiên cứu, tổ chức nhiều hội thảo khoa học gây được tiếng vang và dấu ấn khoa học thiết thực bằng những kỉ yếu khoa học được xuất bản thành sách: "Hồ Chí Minh với văn hóa", "Nam Bộ, Nam Trung Bộ những vấn đề lịch sử thế kỉ XVIII-XIX", "40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" (1954-1994)", "Việt Nam những chặng đường lịch sử…", "Đào tạo Sau Đại học và liên kết nghiên cứu khoa học - công nghệ với các tỉnh ở Nam Bộ", “Các giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng đại học” …
Trường cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lí tham gia các hội thảo khoa học về nhiều lĩnh vực cấp quốc gia, tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, nhằm trao đổi, học tập lẫn nhau trong công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ.

Nhiệm vụ đào tạo Sau Đại học

Tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đào tạo Sau Đại học là bậc đào tạo cao nhất với mục tiêu trang bị những kiến thức sau đại học và nâng cao kĩ năng thực hành nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lí giáo dục có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển giáo dục, xã hội, khoa học, kinh tế của đất nước nói chung và của khu vực phía Nam nói riêng.

Đào tạo Sau Đại học bao gồm đào tạo Thạc sĩ, đào tạo Tiến sĩ và bồi dưỡng Sau Đại học. Từng cấp đào tạo này đều có mục đích, yêu cầu khác nhau. Quy chế Đào tạo Sau Đại học đã xác định: "Thạc sĩ phải có kiến thức chuyên môn vững vàng; có năng lực thực hành và khả năng thích ứng cao trước sự phát triển của khoa học, kĩ thuật và kinh tế; có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo”; “Tiến sĩ phải có trình độ cao về lí thuyết và thực hành; có năng lực sáng tạo, độc lập nghiên cứu; có khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn; phát hiện và giải quyết được những vấn đề khoa học – công nghệ”; “Bồi dưỡng sau đại học là loại hình đào tạo nhằm bổ sung, cập nhật, nâng cao kiến thức để theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ trong nước và trên thế giới".

Qua 20 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định: đây chính là nhiệm vụ có tính định hướng cho quá trình phát triển Nhà trường và có ý nghĩa chiến lược đối với một trường Sư phạm trọng điểm quốc gia trên địa bàn phía Nam.
Căn cứ Quy chế Đào tạo Sau Đại học, qua từng giai đoạn phát triển, Trường đã từng bước nâng cao năng lực đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo, xây dựng, đổi mới, hoàn chỉnh các chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ và chương trình bồi dưỡng Sau Đại học, đổi mới công tác tổ chức tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo.

Hoạt động đào tạo Sau Đại học hiện nay là một minh chứng thuyết phục về sự phát triển, về quy mô, tầm vóc, uy tín và chất lượng đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động này thu hút, tập trung, phát huy được sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực trong và ngoài trường, trong và ngoài nước, từ đó đào tạo và cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực mới, có trình độ cao, có năng lực và phẩm chất tốt, đủ sức đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước.

Được giao nhiệm vụ là đơn vị tham mưu, đầu mối và tổ chức thực hiện đào tạo Sau Đại học, Phòng KHCN & SĐH đã tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược này ngày một hiệu quả hơn trong sự phát triển bền vững. Phòng đã xây dựng được một lực lượng đào tạo hùng hậu với sự hợp tác nhiệt thành, tâm huyết của 12 giáo sư, 63 phó giáo sư, 285 tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ trong và ngoài trường.
Đến nay Trường đã đào tạo được trên 511 thạc sĩ và trên 80 tiến sĩ.

Số chuyên ngành đào tạo Sau Đại học, số học viên sau đại học của Trường theo thời gian đã không ngừng tăng lên. Hiện tại, Trường có 22 mã số đào tạo Thạc sĩ, 7 mã số đào tạo Tiến sĩ với số lượng học viên đang theo học là 673 cao học viên và 50 nghiên cứu sinh.
Số lượng và chất lượng đào tạo Sau Đại học luôn được quan tâm, tiến độ đào tạo ngày càng được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ qua việc kí hợp đồng đào tạo theo chuyên ngành, chuyên đề. Việc theo dõi quá trình học tập, làm luận văn, luận án của học viên cao học và nghiên cứu sinh được phối hợp chặt chẽ giữa khoa, cán bộ hướng dẫn với Phòng KHCN&SĐH và tiến độ thực hiện của mỗi đối tượng.

Công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, thi kết thúc chuyên đề, làm tiểu luận, luận án và việc tổ chức bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ở cấp bộ môn, cấp nhà nước được thực hiện chặt chẽ, chu đáo, đúng quy chế hiện hành và luôn hướng tới mục tiêu hàng đầu là chất lượng.
Phòng KHCN & SĐH là đầu mối trong việc mở rộng liên kết hợp tác đào tạo và bồi dưỡng sau đại học. Trong nước, các loại hình liên kết hợp tác đa dạng và phong phú đã vươn tới nhiều trường, viện, tỉnh, thành, trước hết là với các tỉnh Nam Bộ. Trường đã thực hiện thành công, hiệu quả nhiều hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc kiến thức  cho giáo viên ở các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ… Ngoài nước, Trường đã xây dựng được những mối liên kết, phối hợp đào tạo bền vững, chất lượng cao. Hàng trăm học viên đã bảo vệ thành công luận án, luận văn tại các cơ sở danh tiếng Caen Basse-Normandie, Joseph Fourrier-Grenoble (Cộng hòa Pháp), Canberra (Ô-xtrây-li-a)… Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì và phát huy các liên kết đã có, định hướng chiến lược của Trường sẽ nhằm đến các liên kết mới, mở rộng địa bàn, chuyên ngành, quy mô đào tạo với Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Nga, Ô-xtrây-li-a, Niu-Di-lân, Sin-ga-po…

Chất lượng đào tạo của Trường đã được xã hội khẳng định tích cực. Qua điều tra sơ bộ, các tiến sĩ, thạc sĩ do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo đã thực sự phát huy tác dụng tại các đơn vị công tác. Các tiến sĩ là những nhà khoa học thực sự tại các trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Qui Nhơn, Đại học Đà Lạt, Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và một số trường Trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là những nhà sư phạm, nhà khoa học thật sự có năng lực, có công trình nghiên cứu được công bố sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Một số tiến sĩ đã được phong chức danh phó giáo sư.

Một vấn đề khá gay gắt trong công tác đào tạo sau đại học hiện nay cần được quan tâm giải quyết đó là tương quan giữa chất lượng và số lượng của người thi tuyển. Một thời gian dài, Trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh được duyệt, mặc dù số ứng tuyển rất đông. Tình trạng “thi nhiều, đỗ ít” kéo dài nhiều năm, trong khi các cơ sở đào tạo sau đại học khác ở thành phố và các địa phương khác lại luôn tuyển đủ chỉ tiêu. Để khắc phục hiện tượng này, Phòng KHCN&SĐH đã tiến hành một số giải pháp: phối hợp với các khoa tổ chức các khóa ôn tập, bồi dưỡng kiến thức, đặc biệt là ôn tập ngoại ngữ, biên soạn đề cương môn thi cung cấp cho học viên dự thi sau đại học, tổ chức các lớp ngoại ngữ, kiến thức cơ bản, chuyên ngành tại Trường và một số địa phương có điều kiện thuận lợi, thông báo tuyển sinh sớm đến tận cơ sở có đối tượng đăng kí dự thi sau đại học, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức thi tuyển sinh sau đại học nhiều lần trong năm (Bộ đã chấp thuận từ năm học 2006-2007 sẽ tuyển sinh Sau Đại học 2 lần/ năm). Với sự cố gắng nói trên, trong thời gian tới, số lượng và chất lượng trúng tuyển sẽ có chuyển biến tích cực.
Cùng với nỗ lực tháo gỡ bất cập nói trên, Trường chủ động và tích cực điều chỉnh, cập nhật, hoàn thiện chương trình khung các mã số đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ; mở thêm mã ngành đào tạo; bồi dưỡng, tăng cường nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, mạnh dạn ưu tiên, đầu tư sở vật chất phục vụ đào tạo…

Nghiên cứu khoa học - công nghệ và đào tạo Sau Đại học là một công tác mang lại nhiều giá trị trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Trường trong 30 năm qua. Chúng ta đã có thực tiễn, có kinh nghiệm và đúc rút được nhiều bài học trong việc thực hiện nhiệm vụ mang tầm chiến lược này. Với tầm nhìn mới cho giai đoạn 2006-2020, hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ và đào tạo sau đại học của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, bền vững, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, góp phần khẳng định vị thế của một Trường Đại học Sư phạm trọng điểm của phía Nam Tổ quốc.



 


 Các sự kiện chính 

Không có sự kiện nào

 Đang trực tuyến 

Hiện có 1479 khách Trực tuyến