Khoa Ngữ Văn
  
THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG
NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI THẦY PDF. In Email
Thứ tư, 14 Tháng 10 2020 07:32

NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI THẦY

Được tin thầy Trần Hoán từ trần, tôi không khỏi bàng hoàng, hụt hẫng. Vốn là tôi có ý định đến thăm thầy nhưng vì vướng dịch covid 19 nên cứ lần lữa mãi, chưa đến được. Nào ngờ thầy đã ra đi… Vậy là từ nay, mãi mãi tôi không bao giờ còn được gặp thầy nữa. Tiếc thay! Tôi xin ghi lại đây cảm xúc và một vài kỷ niệm về thầy như một nén tâm nhang của một học trò trong hàng nghìn học trò tiễn biệt thầy về bên thế giới người hiền.

Tôi biết thầy Trần Hoán khi vào học khoa Ngữ văn của Trường ĐHSP Hà Nội I khóa 19 (1969 – 1973).Thầy dạy tôi phần cú pháp, bộ môn ngôn ngữ học. Nói là biết cũng chỉ là biết tên thầy dạy mình môn ấy, thế thôi chứ đâu đã biết gì nhiều. Vả lại, tôi vốn nhút nhát, đối với các thầy cô hồi ấy chỉ có “kính nhi viễn chi” chứ chả bao giờ dám bén mảng tới gần làm quen hoặc chia sẻ điều gì. Vậy nên ấn tượng của tôi về thầy hồi ấy chưa có gì sâu sắc .

Rồi cuộc đời run rủi thế nào tôi lại được gặp thầy ở khoa Ngữ văn của Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh. Số là thầy được Bộ tăng cường điều động vào công tác tại Trường ĐHSP Tp Hồ Chí Minh năm 1976 thì năm 1977 tôi tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội I và cũng được điều động vào công tác tại đây cùng với một vài anh chị em khác. Là đồng nghiệp và công tác cùng khoa với thầy, tôi có điều kiện gần gũi và hiểu biết về thầy nhiều hơn. Bấy giờ, thầy đảm nhiêm vai trò trưởng bộ môn ngôn ngữ học và Bí thư chi bộ khoa. Năm tháng qua đi, ấn tượng về thầy ngày càng sâu đậm trong tôi mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ: tác phong giản dị, tính tình hiền lành, cử chỉ mực thước, giọng nói chậm rãi, rành rọt và luôn chu đáo với đồng chí, đồng nghiệp. Nói chung thầy là một con người sống rất đạo đức và dễ gần. Ai đã từng tiếp xúc với thầy, dù chỉ là lần đầu đều cảm thấy bình yên, tin cậy. Còn nhớ khoa Ngữ văn những năm 1987, 1988 có sóng gió bất ổn trong nội bộ, yêu cầu phải nhanh chóng kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo khoa. Mặc dù không có học hàm, học vị cao nhưng thầy vẫn được tuyệt đại đa số cán bộ trong khoa tín nhiệm bầu giữ chức vụ Trưởng khoa và thầy đã đảm nhiệm chức vụ ấy trong suốt hai nhiệm kỳ từ 1988 đến 1996.

Tôi không cùng chuyên môn với thầy nhưng cũng thường được thầy quan tâm giúp đỡ, động viên, chia sẻ những lúc khó khăn, cô đơn. Còn nhớ cái Tết đầu tiên xa nhà ở Sài Gòn, tôi và Phạm Văn Phúc còn độc thân, đang trong tâm trạng nhớ nhà da diết, thì được thầy mời về nhà ăn Tết. Mà nhà thầy hồi ấy có giàu có gì cho cam! Thì ra thầy đã rất thấu hiểu tâm trạng của chúng tôi khi đó và lặng lẽ an ủi, vỗ về chúng tôi bằng một cử chỉ tự nhiên, thân tình như vậy. Chỉ những ai xa quê trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc mới thấm nỗi cô đơn nơi đất khách quê người và càng trân quý những tình cảm như thầy đã dành cho chúng tôi vào cái Tết năm ấy.

Tôi xây dựng gia đình đầu năm 1981. Lúc bấy giờ đời sống rất khó khăn mà chúng tôi thì lại đang trong cảnh chồng Nam, vợ Bắc. Tháng 10/1981, chúng tôi sinh cháu gái đầu lòng, khó khăn càng thêm chồng chất. Những lúc ấy, thầy thường gặp tôi an ủi, động viên và khuyên tôi nên sớm hợp lý hoá gia đình. Thầy hứa sẽ nhận vợ tôi về công tác ở tổ bộ môn nếu vợ tôi vào. Tôi nghe lời thầy và cuộc sống của gia đình tôi ổn định dần từ đấy.

Lứa tuổi chúng tôi hồi ấy ai cũng khao khát được đứng vào hàng ngũ của Đảng với một động cơ trong sáng tuyệt vời. Thầy Trần Hoán cũng là một trong những người đã dìu dắt giúp đỡ tôi vào Đảng. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in buổi lễ kết nạp tôi vào Đảng ngay tại thao trường của Trường sĩ quan lục quân 2 ở Long Thành, Đồng Nai ngày 13/9/1983 ( hồi ấy, tôi đang theo học lớp Sĩ quan dự bị của Trường sĩ quan lục quân 2). Hôm ấy có các đồng chí trong chi bộ khoa Giáo dục quốc phòng, thầy Hồ Văn Nho (Bí thư đảng ủy bộ phận khoa), thầy Trần Hoán (Bí thư chi bộ khoa Ngữ văn). Buổi lễ giản dị nhưng trang trọng và xúc động. Thầy Trần Hoán đã đọc Nghị quyết của chi bộ và công bố quyết định chuẩn y kết nạp tôi vào Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời căn dặn tôi tiếp tục phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Tại buổi Lễ hôm đó tôi đã giơ nắm tay tuyên thệ mà lòng xúc động nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng.

Bây giờ tôi đã bước vào ngưỡng tuổi của lớp người “xưa nay hiếm” . Ngẫm lại thấy trên mỗi bước trưởng thành của mình đều có bóng dáng của những thầy cô giúp đỡ, dìu dắt. Thầy Trần Hoán là một trong những người thầy như thế. Với thầy, tôi không chỉ học được chữ mà còn học được làm người tử tế. Bây giờ thầy đã đi xa. Trong trái tim tôi mãi khắc ghi hình bóng của một người thầy đã sống trọn vẹn một cuộc đời thanh bạch, đức độ, khiêm nhường và giàu lòng nhân ái. Thương nhớ vô cùng! Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt thầy và cầu chúc hương hồn thầy sớm được siêu thoát về miền an lạc vĩnh hằng và luôn phù hộ độ trì cho con cháu đựợc bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Ngày 13/10/2020

BẠCH VĂN HỢP

 

 
THƯ MỜI DỰ LỄ TỐT NGHIỆP VÀ TRAO BẰNG TÂN CỬ NHÂN NĂM 2020 PDF. In Email
Thứ hai, 24 Tháng 8 2020 14:53

TRƯỜNG ĐHSP TP.HỒ CHÍ MINH

KHOA NGỮ VĂN

- * -

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 8 năm2020

THƯ MỜI DỰ LỄ TỐT NGHIỆP VÀ TRAO BẰNG TÂN CỬ NHÂN NĂM 2020

Được sự cho phép của Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Ngữ văn sẽ tổ chức Lễ tốt nghiệp và trao bằng cho các tân cử nhân năm 2020. Đây là dịp để Trường và Khoa ghi nhận, vinh danh những nỗ lực, phấn đấu trong học tập, rèn luyện của các bạn sinh viên.

Chúng tôi trân trọng kính mời quý Thầy Cô giáo, các bậc phụ huynh cùng toàn thể các bạn sinh viên đến tham dự, chúc mừng. Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh dự và thành công của buổi lễ.

(Lưu ý: Khi tham dự lễ, quý vị vui lòng mang khẩu trang.)

- Thời gian: 7 giờ 30, Thứ 3, ngày 25 tháng 8 năm 2020.

- Địa điểm: Hội trường A509, Trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, 280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trưởng khoa

PGS.TS. Bùi Thanh Truyền

 
VĨNH BIỆT PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN NGUYÊN TRỨ PDF. In Email
Thứ sáu, 26 Tháng 7 2019 00:37

VĨNH BIỆT PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN NGUYÊN TRỨ

Bùi Mạnh Nhị

Biết Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Nguyên Trứ bị bệnh đã lâu ngày nhưng tin thầy qua đời vẫn làm những đồng nghiệp, học trò và bao người thân quen của thầy bàng hoàng thương tiếc. Thêm một nhà ngôn ngữ học, một nhà giáo tài hoa, đức độ, một tiếng hát ân tình, trong sáng của Bài ca Sư phạm ra đi.

Từng tốt nghiệp Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, Trường Sinh ngữ Trung Hoa năm 1950, từng làm Hiệu trưởng Trường cấp 1 Tân Minh (Tuyên Hóa), Hiệu trưởng Trường cấp 1 Hòa Ninh (Quảng Trạch, Quảng Bình), sau đó học và tốt nghiệp tại Khu học xá Trung ương và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ 1954 đến 1959, thầy Nguyễn Nguyên Trứ đã chuẩn bị cho mình một hành trang và thực tiễn văn hóa sâu rộng, để vào nghề. Thầy tiếp nối truyền thống của một gia đình Nho học đầy khí tiết. Thầy Nguyễn Nguyên Trứ rất khiêm tốn nên ít ai biết một trong những cụ tổ trực hệ của thầy, cụ Nguyễn Hiệu (1674 – 1735), từng là đại thần nhà Lê trung hưng.  Thân sinh của thầy, cụ Nguyễn Trinh Vực, cũng là giáo học, từng dịch nhiều thơ ngụ ngôn, những bài thơ “uốn nắn những phong tục, tật xấu bằng tiếng cười” của La Fontaine sang tiếng Việt. Năm 2017, Nhà xuất bản Nhã Nam và Hội Nhà văn Việt Nam đã tái bản tác phẩm song ngữ Việt- Pháp Thơ ngụ ngôn La Fontaine của dịch giả Nguyễn Trinh Vực, họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa.

Thầy Nguyễn Nguyên Trứ thuộc lớp cán bộ đầu tiên được phân công về xây dựng Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh) từ năm 1959 và đã 22 năm, từ năm 1959 đến 1981, nghiên cứu, giảng dạy tại ngôi trường giàu truyền thống này trong thời kì gian khó nhất. Sau đó, Thầy chuyển về nghiên cứu, giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1981 đến khi nghỉ hưu, năm 1997. Thầy đã được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Hai và Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng Nhất, được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1984, và được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1994.

Từng dạy Văn học Trung Quốc, Văn học Việt Nam tại Trường Đại học Sư phạm Vinh nhưng công việc chính của thầy là nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ. Các công trình chủ yếu của thầy gồm Ngữ âm học tiếng Việt hiện đại (Nxb Giáo dục, 1977), Thơ và thẩm bình thơ (Nxb Giáo dục, 1991), Học tập phong cách ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đồng tác giả, Nxb Khoa học xã hội, 1979), Những vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam (viết chung, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1980), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (viết chung, Nxb Khoa học xã hội, 1981), Sách giáo khoa Tiếng Việt 11 ( viết chung, Nxb Giáo dục, 1991), Sách Bài tập Tiếng Việt ( viết chung, Nxb Giáo dục, 1991), Đề cương bài giảng về phong cách học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 1983); v.v…

Những đồng nghiệp, học trò từng làm việc hoặc được thầy giảng dạy, hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ khó có thể quên một con người   tài hoa nhưng khiêm tốn, dứt khoát nhưng hiền hậu, nhẫn nại, luôn quan tâm tới người khác, như thầy. Xin được kể ba mẩu chuyện làm tôi nhớ mãi về thầy.

  1. 1. Thương người như thể thương thân

Tôi có thói quen rất thích được trò chuyện với các nhà ngôn ngữ học. Bởi vì chuyên môn của tôi, ngành văn học dân gian, nói như nhà nghiên cứu V. Ia. Prop, rất gần với ngôn ngữ học. Trong một lần trò chuyện, thầy Nguyễn Nguyên Trứ hỏi tôi: Nhị ơi, trong câu tục ngữ Thương người như thể thương thân, vì sao dân gian đặt vế thương người lên trước thương thân? Không đợi tôi trả lời, thầy hỏi tiếp: Khi nào người ta mới nói thương thân nhỉ? Lúc sung sướng, hạnh phúc, có khi nào người ta nói thương thân không? Nếu có nói, thì để nhắc, để nhớ tới cái gì?

Chao ôi, đúng là câu hỏi của nhà tu từ học, phong cách học! Chính những câu hỏi ấy của thầy đã gợi cho tôi bao ý tưởng để phân tích, để viết về câu tục ngữ kiệm lời mà rộng lớn và thẳm sâu tình ý ấy. Sau này, mỗi khi giảng, hay hướng dẫn sinh viên thảo luận về câu tục ngữ, tôi lại nhớ tới lần trò chuyện đầy ấn tượng ấy của thầy.

Soi vào cuộc đời thầy, tôi nghiệm thấy, hình như thầy và vợ thầy, cô Nguyễn Thị Cam, nguyên Trưởng phòng Quản trị - Thiết bị, chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đã sống với mọi người, nhất là những người trong hoàn cảnh khó khăn, đúng như triết lí, lời khuyên, lời nhắn gửi của cha ông cho con cháu muôn đời. Cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đều biết, không có chuyện vui, buồn nào của những người trong trường mà thầy, cô không có mặt.

  1. 2. Ba thứ, nhất định phải đầy

Thầy Nguyễn Nguyên Trứ luôn chịu khó lắng nghe người khác. Những điều biết được, học được từ người khác, kể cả học trò, thầy không bao giờ quên. Trong một lần nói về phong tục quê hương ngày Tết, tôi kể với thầy: Ở quê em, ngày cúng Ông Táo (23 tháng Chạp), thiếu gì thì thiếu, nhưng các gia đình đều cố gắng để nhất định ba thứ phải đầy: hũ gạo trong nhà, hũ muối trong bếp và chum (lu) nước trước nhà. Ba thứ ấy phải đầy để nhờ ông Táo lên Trời tâu với Ngọc Hoàng nguyện ước trong năm mới của gia đình.

Tôi kể rồi cũng quên đi. Bất ngờ là chuyện ấy được thầy nhớ. Rồi thầy nhắc con cái trong nhà làm theo. Gặp tôi, thầy hay nhắc lại chuyện ấy. Có lần, thầy còn “tiết lộ” cho tôi biết thêm: từ khi làm như thế, kinh tế gia đình thầy no đủ, dư dật hơn.

Các con thầy, về sau, hình như đều biết chuyện này. Nghe thầy nhắc lại chuyện, tôi cứ phân vân. Điều đó là ngẫu nhiên? Hay có phải, một phong tục dân gian giản dị, khi được tin và trân trọng thực hiện, lại có ứng nghiệm diệu kì!

  1. 3. Ngàn vàng khó mua được cái gầy của tuổi già

Tôi biết câu danh ngôn vàng ngọc này từ thầy Nguyễn Nguyên Trứ. Thầy dùng nó để nói về GS. Lê Trí Viễn, người có vóc dáng nhỏ, thanh, luôn kiên trì tập luyện nên sức khỏe rất tốt, rất dẻo dai, trường thọ. Thầy nói về GS. Lê Trí Viễn để noi gương. Bản thân thầy, với nhiều người trong chúng tôi, cũng là tấm gương về sự rèn luyện, làm việc hết mình và luôn lạc quan, vui vẻ.

Tuổi trẻ của thầy Nguyễn Nguyên Trứ gắn liền với giai đoạn gian khổ nhất của đất nước. Ít ai biết rằng thầy đã phải cắt ¾ bao tử sau những tháng năm vào sinh ra tử ở vùng đất lửa khu bốn trong những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ. Có lẽ vì thế, thầy luôn gầy.  Gặp thầy, bao giờ chúng tôi cũng gặp nụ cười hiền hậu và nhiệt huyết với nghề. Thầy đã giảng dạy tại nhiều trường đại học: Trường Đại học Sư phạm Vinh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học thành phố Hồ Chí Minh. Những giờ lên lớp của Thầy luôn để lại ấn tượng khó phai mờ trong sinh viên, học viên. Thầy hay kể với tôi về việc phải bản lĩnh, chủ động thích nghi với hoàn cảnh luôn thay đổi không ngừng. Cũng từ những câu chuyện về chủ đề này, thầy và tôi trong một lần trò chuyện đã tìm ra những hoàn cảnh sử dụng rất thú vị của câu tục ngữ Chuối sau, cau trước. Rằng, câu tục ngữ ấy nói về cách trồng các loại cây và cảnh vật quen thuộc ở những gia đình vùng nông thôn Bắc bộ: chuối thì trồng sau nhà, cau thì trồng trước cửa. Rằng, câu tục ngữ ấy nhắc người ta buồng chuối, quả chuối, buông cau, quả cau chỗ nào là ngon nhất. Rằng, câu tục ngữ ấy cũng nhắc người ta cách cắt buồng chuối, buồng cau: cắt chuối thì cắt buồng sau trước, cắt cau thì ngược lại, cắt từ buồng trước. Câu tục ngữ còn dặn người ta về cách bài trí, đặt đồ lễ trên ban thờ: đĩa cau phải luôn đặt trước nải chuối; v.v… Chúng ta vẫn nói, học ở mọi nơi, mọi lúc. Thầy Nguyễn Nguyên Trứ và tôi đã nhiều lần có những trải nghiệm thú vị như vậy.

Mấy năm gần đây, sức khỏe thầy Nguyên Nguyên Trứ giảm hẳn nhưng thầy vẫn luôn lạc quan và kiên cường vượt qua bệnh tật. Thầy vẫn hay nói vui: cái gầy tự nhiên của mình là cái ngàn vàng cũng khó mua được của tuổi già. Điều đó có thể ai đó nghi ngờ, tôi thì cũng có niềm tin như thầy! Tôi càng tin rằng những người đức độ như thầy đã và sẽ để lại cho con cháu nếp nhà an yên và hạnh phúc!

 

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Nguyên Trứ đã ra đi ở tuổi 88.  Thầy thuộc thế hệ những người xưa nay hiếm, sự ra đi của thầy để lại nhiều thương tiếc của chúng tôi. Vĩnh biệt thầy, xin được ghi lại một số dấu ấn sâu đậm của thầy và về thầy đối với chúng tôi.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 - 7 – 2019

B.M.N

 
THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG GIÁO VIÊN THỈNH GIẢNG BỘ MÔN TIẾNG VIỆT - KHỐI TRUNG HỌC (LẦN 2) PDF. In Email
Thứ bảy, 16 Tháng 2 2019 03:38

THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG GIÁO VIÊN THỈNH GIẢNG BỘ MÔN TIẾNG VIỆT - KHỐI TRUNG HỌC (LẦN 2)

Nhằm thực hiện  chương trình giảng  dạy  của năm học 2019,  nhà trường  xin thông báo  lại về  việc  tuyển  dụng giáo  viên  thỉnh giảng  bộ môn Tiếng  Việt  với nội dung như sau. Những ứng viên có mong muốn dự tuyển, xin vui lòng nộp hồ sơ theo như hướng dẫn bên dưới.

Vui lòng bấm vào link sau để xem thông báo chi tiết và mẫu đơn: https://drive.google.com/open?id=1piI6rV6kBEGBqyOJUHX-6RoYDyzRSZT8

 
ĐÊM VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI LẦN 6- 2018 PDF. In Email
Chủ nhật, 16 Tháng 12 2018 16:46

 

Đêm Văn học Nước ngoài là chương trình sân khấu hóa do tổ Văn học Nước ngoài tổ chức hai năm một lần vào tháng 12 hằng năm có ý nghĩa như một sân chơi bổ ích, thăng hoa tài năng và tình yêu tác phẩm Văn học nước ngoài của sinh viên khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Trải qua truyền thống 11 năm, đến nay Đêm Văn học Nước ngoài đã qua 05 đêm Chung kết sáng đèn sân khấu cùng những giấc mơ và muôn ngàn hóa thân nhân vật. Trên sân khấu ấy từng rực rừng ngọn lửa chiến tranh thành Troy để tình yêu vượt lên lòng đố kỵ, vinh quang vượt lên cái chết; nhiều lần khán giả lắng lòng trước những thân phận để tự hỏi ta có nên chống lại số mệnh, rồi bâng khâng “To be or not to be?”. Cứ như vậy, tác phẩm văn học nước ngoài sống lại trên sân khấu một lần rồi cùng đi cả một đời với những ai từng dấn thân, thể nghiệm và thưởng thức.

Ban Tổ chức - Tổ Văn học nước ngoài, khoa Ngữ Văn, ĐHSP TPHCM. Ảnh: NTT.

Kết tinh ý tưởng từ những tiết mục sân khấu hóa trên giảng đường, Đêm Văn học Nước ngoài dần trở thành một chương trình hoành tráng, được đầu tư bài bản bằng tình yêu và lòng nhiệt thành của sinh viên khoa Văn, bằng kinh nghiệm và khát khao của tập thể giảng viên tổ Văn học nước ngoài, và nhất là với sự động viên tinh thần và tạo điều kiện của Chi ủy, Ban Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, Ban Giám hiệu trường Đại học Sư Phạm TPHCM và các phòng ban chức năng.

Năm nay, Đêm Văn học Nước ngoài lần thứ 6 được tổ chức tại hội trường B, Đại học Sư Phạm TPHCM vào tối ngày 16/12/2018. Trải qua vòng sơ khảo, 07 tiết mục xuất sắc nhất ở các thể loại đã được chọn lựa trình diễn trong đêm chung kết gồm:

1. Đồng ca Aimer

2. Múa Dương Quý Phi

3. Kịch Ramayana

4. Nhạc kịch Người đẹp và quái vật

5. Múa Hồng Lâu Mộng

6. Nhạc kịch Cô bé bán diêm

7. Nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris

Tiết mục mở màn - Đồng ca Aimer. Ảnh: NTT.

Đặc biệt, đêm chung kết Văn học Nước ngoài lần thứ 6 cũng ghi dấu sự trở về tham gia biểu diễn phục vụ của các cựu sinh viên, những giáo viên văn đang công tác tại các trường Trung học trên địa bàn thành phố với tiết mục Tưởng nhớ Kim Dung. Tập thể giảng viên trẻ tổ Văn học Nước ngoài cũng gửi đến chương trình tiết mục tứ ca aria Memory (trích nhạc kịch The Cats).

Một đêm đầy ánh sáng và ước mơ, âm thanh và cảm xúc là những gì Đêm chung kết Văn học Nước ngoài 2018 mang đến; tất cả sẽ trở thành hành trang quý giá của thời tuổi trẻ mà mỗi sinh viên khoa Ngữ Văn sẽ ghi nhớ và mang theo trên hành trình giảng dạy, đào tạo, cống hiến và xây dựng đất nước trong tương lai.

TPHCM 12/2018

NTT.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
«Bắt đầuLùi123456Tiếp theoCuối»

Trang 2 trong tổng số 6

THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: "RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/ UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA" (TRẦN QUỐC TOÀN)

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: “RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA” Trần Quốc Toàn Phó giáo sư - Tiến sĩ khoa học Bùi Mạnh Nhị từng có trang giáo...

Thông báo về việc hỗ trợ khai thác nguồn học liệu trực tuyến trong thời gian giãn cách

THÔNG BÁO V/V HỖ TRỢ KHAI THÁC NGUỒN HỌC LIỆU TRỰC TUYẾN TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH   Nhằm hỗ trợ Quý Thầy/Cô, các Anh/Chị sinh viên, học viên, nghiên cứu...
 

Học vụ

Thông báo V/v Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TIỀN ĐÓNG HỌC PHÍ, CHI PHÍ SINH HOẠT ĐỐI VỚI SINH VIÊN SƯ PHẠM (ÁP DỤNG TỪ KHOÁ TUYỂN SINH NĂM HỌC 2021 - 2022,...

Thông báo V/v Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên hệ chính quy Năm học 2021-2022

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN HỆ CHÍNH QUY NĂM HỌC 2021 - 2022     ...
 

Đoàn TN - Hội SV

THÔNG BÁO VỀ HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CỦA SINH VIÊN KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG ĐHSP TP. HCM NĂM HỌC 2008 - 2009

1/ Mục đích ý nghĩa: Trường ĐHSP là trường có nhiệm vụ hướng nghiệp dạy nghề rất rõ ràng. Đồng thời với việc được trang bị kiến thức về khoa...

 BÀI MỚI NHẤT