French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SƯ PHẠM
  
Trang chủ Tin tức-Sự kiện
Cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1: “Thuốc bổ” hay “thuốc độc”? PDF. In Email
Thứ tư, 19 Tháng 7 2017 13:36

Có nhiều nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh cho con mình học chữ trước khi vào lớp 1. Vậy thực sự, cho con trẻ tập đọc, tập viết trước khi vào lớp 1 là “liều thuốc bổ” hay “liều thuốc độc” đối với các con?

Nên để trẻ “mù chữ” trước 6 tuổi?

Mùa tựu trường sắp đến, hơn 2 tháng nay, chị Nguyễn Diệu Linh (Quan Hoa, Cầu Giấy) đã cho con gái sắp vào lớp 1 của mình đi học chữ. Chị Linh cho biết, bé là con đầu nên gia đình chưa nhiều kinh nghiệm về vấn đề này nhưng theo tham khảo từ nhiều gia đình nên chị quyết định tìm cô giáo cho bé đến học.

"Mình cũng không biết lợi hại thực tế đến đâu. Nhưng theo kinh nghiệm của một số gia đình chia sẻ lại, nếu không cho con đi học trước thì khi vào lớp 1 thầy cô thường mặc định các con đã biết chữ rồi nên bé khó theo kịp bạn bè", phụ huynh này tâm sự.

Anh Hoàng Đức (Đống Đa, Hà Nội) lại nhất quyết không "can thiệp" trước thời hạn con đến trường học. Quan điểm của anh là: "Cái gì tự nhiên cũng tốt nhất, trẻ gần 6 tuổi đã phát triển khá đầy đủ. Nếu biết trước các bạn đồng trang lứa thì khi học con lại không chú ý mà lơ là, chểnh mảng".

Về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, dạy con học chữ trước 6 tuổi là phụ huynh đang hủy hoại nhiều điều ở con trẻ.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, dạy con học chữ trước 6 tuổi là phụ huynh đang hủy hoại nhiều điều ở con trẻ.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, dạy con học chữ trước 6 tuổi là phụ huynh đang hủy hoại nhiều điều ở con trẻ.

 

Theo TS Hương, thời gian gần đây, phong trào dạy con học chữ trước đã phát triển rất mạnh. Dường như việc dạy trẻ trước đã trở thành một “cuộc đua” âm thầm mà rất nhiều cha mẹ tham gia với sự nhiệt tình cao độ.

Chuyên gia này cảnh báo, dạy con học trước sẽ hủy hoại khả năng tưởng tượng, sáng tạo, liên tưởng của trẻ.

"Trẻ dưới 6 tuổi “mù chữ” sẽ có khả năng sáng tạo từ những quan sát xung quanh rất tốt", TS Hương nhấn mạnh.

Nữ giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội dẫn chứng: "Trong một thí nghiệm mà chúng tôi làm với đám trẻ 5 tuổi, có 5 cháu chưa biết đọc và 5 cháu đã biết chữ. Trong số 5 cháu chưa biết chữ thì có 4 cháu đã biết bảng chữ cái và 1 cháu chưa biết gì. Chúng tôi cho trẻ đọc truyện tranh có các bức tranh to và lời thuyết minh ngắn (chừng 2 dòng) ở dưới. Cả 5 cháu biết chữ (biết đọc thành thạo) thì đều đọc khá chính xác câu chuyện. Nhưng 5 cháu chưa biết chữ thì đã kể cho chúng tôi 5 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt khi chúng tôi yêu cầu đọc lại 1 lần nữa thì 5 cháu biết đọc đã đọc lại câu chuyện như cũ còn 5 cháu không biết chữ thì lại kể cho chúng tôi 5 câu chuyện khác hẳn".

Thí nghiệm cho thấy, với 5 cháu biết chữ, các câu chuyện lúc nào cũng giống nhau còn với 5 cháu chưa biết chữ, mỗi lần đọc là lại 1 câu chuyện mới rất thú vị theo sự tưởng tượng của các cháu khi quan sát các bức tranh. Đây chính là sự sáng tạo đặc biệt của trẻ “mù chữ”.

"Như vậy, việc biết chữ với trẻ Việt là chắc chắn, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Nhưng nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ đều được bảo tồn và tôn trọng bằng cách rời xa việc học chữ để con chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh, chắc chắn các con sẽ phát triển khả năng quan sát tinh tế, liên tưởng và sáng tạo rất tốt", TS Vũ Thu Hương phản đối việc cho trẻ học trước.

Trẻ có nhu cầu mà cha mẹ kìm hãm thì nguy hiểm

Là người rất quan tâm đến giáo dục, ông Đỗ Hoàng Sơn - giám đốc một công ty sách lại cho rằng: "Những đứa trẻ sống trong môi trường nhìn đâu cũng thấy chữ và số, quan sát thấy người lớn đọc sách, đọc chữ trên tivi, máy tính, chúng phát sinh nhu cầu cần đọc mà lại… cố gắng không dạy đọc cho chúng thì vô lý. Coi tất cả mọi đứa trẻ như nhau là vô lý. Một bộ phận trẻ nhỏ thích học ngay từ sớm mà bố mẹ lại kìm hãm thì nguy hiểm”.

Quan điểm của ông Sơn là “không được ép trẻ học và không được học”. Theo vị này, GS Ngô Bảo Châu hồi bé học có một hôm là biết đọc, do một chị hàng xóm lớn hơn 4 tuổi dạy. Trẻ em có nhiều nhóm khác nhau, nhóm muốn được học sớm (nhu cầu tự thân) và nhóm phải đến trường mới học vì đủ 6 tuổi, có nhóm 6 tuổi mà vẫn không thích học. Với nhóm trẻ em sáng dạ, có nhu cầu học sớm thì làm theo bài báo này mới là kìm hãm sáng tạo. Vấn đề là cha mẹ đừng có cố tình nhồi nhét, ép trẻ học sớm nếu nó chưa thấy cần. Ngược lại thì khi trẻ có nhu cầu thì đừng ngăn cản, cố gắng làm thế nào cho tốt với từng đứa trẻ cụ thể.

Là một giáo viên, anh Hoàng Trọng Hảo (TPHCM) cảm thán: "Điên mới cho trẻ học sớm! Tôi cũng đang có con 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1, trừ trường hợp con đặc biệt thông minh, tự phát cần nhu cầu học thì không cản".

Học trước là bình thường, học thế nào mới quan trọng!

Một luồng ý kiến cho rằng, cho đi học không quá tai hại chỉ sợ mục đích và“liều lượng” sai.
Một luồng ý kiến cho rằng, cho đi học không quá tai hại chỉ sợ mục đích và“liều lượng” sai.

 

Là một phụ huynh có con thứ hai sắp bước vào lớp 1, anh Lê Trường (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quan điểm: “Theo quan điểm tôi, đến nhảy còn phải lấy đà, chơi thể thao còn có khởi động nên việc đi học trước cũng là chấp nhận được. Quan trọng là học trước như thế nào cho phù hợp với con trẻ, vừa chơi vừa học hay nhồi lấy được. Khởi động đúng cách góp phần nâng cao hiệu quả thể dục, thể thao nhưng sai thì tai hại. Học trước cũng vậy đối với con trẻ".

Đồng tình với ý kiến trên, phụ huynh Nguyễn Khánh Lân bày tỏ: “Ngay cả khi muốn học sớm thì cũng chỉ nên ở mức độ vừa phải vì quỹ thời gian và sức khỏe có hạn. Nếu mục tiêu là đọc, viết thì là vớ vẩn. Mục tiêu phát triển thì cái đích là tuổi trưởng thành và đường còn xa lắm. Mình đã gặp trẻ đọc viết, tính toán như thần lúc 4 tuổi và cái tiếc nhất của cháu là chỉ quan tâm đến học. Ngay bản thân việc đọc sách, lúc đầu mình dụ con đọc bằng tiếng Anh, nửa năm sau mình cũng đã phải cấm con đọc. Lúc nào cũng đọc, lên trường cũng đọc, về nhà cũng đọc, tắt đèn đi ngủ cũng đọc trong khi cuộc sống còn rất nhiều chuyện. Đọc thì bao giờ hết sách".

Theo chị Nguyễn Khánh Vân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), việc đi học chữ trước khi vào lớp 1 là hết sức bình thường. Bởi lẽ, hàng trăm năm qua, trẻ em các nước tiên tiến trên thế giới đều đã biết đọc từ 5 tuổi.

Thạc sĩ giáo dục học Hoàng Thị Kim Huệ (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay, khó khăn của con khi vào lớp 1 đến từ sự thay đổi: Môi trường (mầm non sang lớp học), thay đổi tư duy trực quan hình ảnh (mầm non) sang tư duy trừu tượng (con số, phép toán ở bậc tiểu học), thay đổi quan hệ giao tiếp với cô giáo chứ không phải khó khăn ở việc đọc - viết.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo phụ huynh nên chuẩn bị tâm thế và tinh thần ham học hỏi, khám phá chứ không nhất thiết chuẩn bị cho con tập đọc, tập viết trước.

Nguồn thông tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/cho-tre-hoc-chu-truoc-khi-vao-lop-1-thuoc-bo-hay-thuoc-doc-20170719075540248.htm

 
"Hơn 4.200 điểm 10 mới là hiện tượng bề nổi" PDF. In Email
Thứ tư, 19 Tháng 7 2017 13:34

Bộ GD-ĐT vừa công bố điểm thi và phổ điểm các môn của kỳ thi THPT quốc gia 2017, trong đó có hơn 4.200 bài thi đạt điểm 10. Con số này chiếm 0,082% trong hơn 5 triệu bài thi; lớn hơn 60 lần so với kỳ thi THPT quốc gia 2016. VietNamNet nhận được 2 ý kiến nhìn nhận về vấn đề này.

Thi THPT quốc gia, Thi trung học phổ thông quốc gia, Điểm thi THPT quốc gia 2017, tuyển sinh đại học 2017
Chấm thi trắc nghiệm ở Hưng Yên. Ảnh: Lê Văn

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng): Để chọn lọc được học sinh xuất sắc theo đúng nghĩa thì chưa đạt.

1. Đề thi THPT quốc gia 2017 cơ bản phân loại được học sinh. Kết quả thi ở trường tôi phản ánh rất rõ, những em giỏi – chăm có điểm thi cao, các em còn yếu thì điểm thi thấp, vừa đủ để xét công nhận tốt nghiệp – trong số đó có em phải nhờ điểm khuyến khích, ưu tiên mới đủ điểm tốt nghiệp.

Nhìn rộng ra cả nước, những em có bài thi đạt điểm 10 năm nay đều xứng đáng. Hầu như không có dư luận trái chiều, nghi ngại về những tiêu cực trong coi thi, chấm thi tạo nên “mưa” điểm 10.2. Số thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017 cả nước vào khoảng 866.000 thí sinh, mỗi em thi 3 bài thi độc lập bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp gồm 3 môn độc lập, như vậy một thí sinh ít nhất thi 6 môn. Vị chi cả nước số lượt môn thi là 5.196.000, số bài thi điểm 10 chiếm tỉ lệ 0,08%. Tỉ lệ này là bình thường, học sinh giỏi lại được ôn luyện kỹ, được làm quen trước kỳ thi với các bộ đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, cùng với sự hướng dẫn của thầy cô sẽ không quá khó để bài thi đạt điểm tuyệt đối.

 

Thi THPT quốc gia, Thi trung học phổ thông quốc gia, Điểm thi THPT quốc gia 2017, tuyển sinh đại học 2017
Các tỉnh, thành có nhiều bài thi đạt điểm từ 9 - 10 nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Đồ hoạ: Lê Văn

3. Nói đề thi THPT quốc gia 2017 dễ là chưa chính xác. Đề thi vừa rồi có câu dễ (nhận biết), câu thông hiểu thì quen thuộc. Có thể Ban ra đề nặng về mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT?. Điều này dẫn đến học sinh giỏi có nhiều thời gian hơn tập trung cho những câu vận dụng, vận dụng cao.

Một số câu vận dụng cao có phương án gây nhiễu chưa hay nên thí sinh không khó để loại được phương án sai (điều này, các em hoàn toàn không thể làm được nếu thi theo hình thức tự luận và cả hình thức trắc nghiệm khách quan mà có câu điền khuyết, ghép đôi, đúng sai...).

Chúng ta đạt được mục đích là kỳ thi nghiêm túc, gọn nhẹ, tiết kiệm nhưng để chọn lọc được học sinh xuất sắc theo đúng nghĩa thì chưa đạt.

4. Môn Giáo dục công dân có điểm thi trung bình là 7,8 - môn “cứu bồ” cho những học sinh yếu. Có thí sinh điểm 3 bài thi độc lập thấp, điểm 2 môn thi trong tổ hợp bài thi Khoa học Xã hội thấp nhưng điểm thi môn Giáo dục công dân là 9,5 điểm – thêm điểm khuyến khích và ưu tiên, em được công nhận tốt nghiệp.

Học gì thi đó là đúng nhưng khi sách giáo khoa, dạy và học còn nặng về lý thuyết (môn Giáo dục công dân) mà vội đưa thành một môn trong bài thi tổ hợp là không ổn. Nên chăng bộ môn này tích hợp trong bài thi Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018?

5. Môn Tiếng Anh vẫn là môn thi mà học sinh có điểm dưới trung bình khá cao, chiếm 69%. Dạy và học môn này cho những năm tới đây như thế nào đó là điều các cơ sở giáo dục luôn trăn trở. Đề án Ngoại ngữ quốc gia đi hơn nữa chặng đường mà sự thay đổi như mục đích của đề án đặt ra ban đầu chưa đạt. Khi người thầy dạy tiếng Anh còn lúng túng trong giao tiếp với người nước ngoài, khi mà kỹ năng nghe đang là nỗi sợ hãi, ám ảnh của giáo viên tiếng Anh thì kết quả thi THPT quốc gia bộ môn này vẫn là gam màu tối.

Thi THPT quốc gia, Thi trung học phổ thông quốc gia, Điểm thi THPT quốc gia 2017, tuyển sinh đại học 2017
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017 tại Hải Phòng

6. Môn Ngữ văn mấy năm gần đây luôn được chú trọng dạy và học theo hướng phát triển cảm xúc cho học sinh, gắn với cuộc sống, chống văn mẫu, học thuộc lòng, đọc – chép. Điều này cần được thể hiện rõ hơn trong đề thi THPT quốc gia những năm sau. Đề thi THPT quốc gia 2017 môn Ngữ văn dường như được ra căn bản, chân phương, an toàn quá!

7. Thời điểm này thí sinh đang phập phồng với nguyện vọng mình đã chọn. Một bộ phận đang cân nhắc, tìm kiếm thông tin để tiếp tục giữ hoặc thay đổi nguyện vọng chọn ngành, trường xét tuyển đại học, cao đẳng. Với nhà trường phổ thông, bây giờ đang chuẩn bị cho năm học mới, cho kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Phổ điểm đẹp làm... cả nhà cùng vui. Hy vọng đó là cơ sở, động lực để toàn ngành tiếp tục hành trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Ông Nguyễn Hoàng (ĐH Huế): Ra đề có phần "nới tay"

1. Ở ta, đạt được điểm 10 là nhất, là tuyệt vời. Những em đạt 9,5 hoặc 9,75 không nhận được nhiều sự quan tâm, ưu ái của thầy cô, của xã hội. Điều này nói lên rằng, kết quả học tập của học sinh được xem là thành tích thi đua, thi thố giống như ở các đấu trường thể thao, các kỳ thi giành các giải vô địch. Anh dù giỏi kiểu gì đi nữa mà chỉ đạt huy chương bạc thì vinh quang chắc chắn ở dưới người đạt huy chương vàng.

Thi THPT quốc gia, Thi trung học phổ thông quốc gia, Điểm thi THPT quốc gia 2017, tuyển sinh đại học 2017

2. Ở Mỹ (và châu Âu), khi yêu cầu viết thư giới thiệu (letter of recommendation) về năng lực một học sinh, sinh viên (có tên là A chẳng hạn), người ta không hỏi số điểm A đạt được mà chỉ hỏi bạn A thuộc top 5 hoặc top 10 trong lớp theo từng năng lực. Do vậy, những học sinh đạt 9, 9,5 hoặc 10 điểm thì có thể xếp chung một mức về việc đánh giá. Dùng thang điểm 5 hoặc điểm chữ A, B, C, D, F khi đánh giá bài thi, bài kiểm tra cũng có ý nghĩa tương tự.

3. Ở các nước tiên tiến, áp dụng thi trắc nghiệm họ không công bố kết quả thi dưới dạng thô (raw scores). “Kết quả thô” này được xử lý theo những phần mềm thông kê và lượng giá, từ đó mới đưa ra kết quả chính thức (converted scores).

4. Có lẽ vì thế ở nước mình, thái độ, tâm lý của học sinh là bằng mọi cách để đạt được điểm cao, cho dù kiến thức nhận được chưa chắc tỉ lệ thuận với điểm số. Người ra đề, đánh giá cũng tìm cách ra những câu “hóc búa” để ngăn chặn điểm 10.

5. Năm nay, điểm 10 nhiều có lẽ do mấy nguyên nhân sau:

* Học sinh (số chịu khó học tập) càng ngày càng tăng. Nhất là trước một kỳ thi thay đổi nhiều về hình thức nên các em chuẩn bị nhiều hơn.

* Thi trắc nghiệm mang tính chất khách quan lớn. Câu đúng, câu sai phân biệt rạch ròi. Chấm bằng máy nên không có chỗ cho cảm tính xen vào.

* Kỳ thi này là thi tốt nghiệp THPT, người ra đề phần nào “nới tay”. Các năm trước kết hợp 2 trong 1 nên đề khó hơn!

Mong đọc được những bình luận, đánh giá trên báo chí, trên mạng xã hội những nhận định sâu sắc hơn không chỉ dựa vào kết quả đã có mà cần lắm những phân tích, nhận định, góp ý để định hướng cho người học, người dạy, người ra đề trong những năm đến. Từ đó sẽ có tác động đến tư duy, chiến lược, triết lý giáo dục cho những người làm công tác giáo dục và toàn xã hội.

Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/hon-4-200-diem-10-thi-thpt-quoc-gia-moi-la-hien-tuong-be-noi-382858.html

 
Tiếp tục 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp trong năm học 2017 - 2018 PDF. In Email
Thứ hai, 17 Tháng 7 2017 04:20

Bộ trường Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2017-2018 tiếp tục tăng cường nề nếp kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục với tinh thần "quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội".

Những chuyển biến ban đầu

Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT toàn quốc được tổ chức trong 2 ngày 14, 15/7 tại thành phố Đà Nẵng đã nhìn nhận 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp của ngành giáo dục theo tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm.

Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra đã tác động đến nhận thức và hành động của toàn ngành.

Cụ thể, các địa phương đã quan tâm rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.

Các chủ đề giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh.

đổi mới giáo dục, năm học 2017 - 2018, Phùng Xuân Nhạ

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các vụ, cục, viện, đơn vị trực thuộc Bộ và Giám đốc 63 Sở GD-ĐTtrong cả nước.

Việc triển khai dạy và học ngoại ngữ được điều chỉnh mục tiêu và nhiệm vụ cho phù hợp phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.

Đáng lưu ý, hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh thông qua việc ký kết và triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về giáo dục đào tạo, tiếp nhận công nghệ mới về dạy học, quản lý nhà trường.

Việc đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; nhiều cuộc thi, hội thi đã được cắt bỏ để giảm áp lực.

Bộ GD-ĐT nhìn nhận “một trong những điểm sáng của năm học là kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đảm bảo khách quan, trung thực nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh”.

Cùng với đó, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành, Bộ GD-ĐT hiện đang tích cực rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn những hạn chế như: Thực hiện quy hoạch mạng lưới chậm được triển khai; tình trạng thiếu trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn phổ biến; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước...

Tiếp tục tăng cường kỷ cương nề nếp, nâng cao chất lượng giáo dục

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017.

Bước sang năm học 2017-2018, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Mục tiêu của năm học là tiếp tục tập trung vào nâng cao kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống để thầy ra thầy, trò ra trò. Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh. Quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội”.

 

đổi mới giáo dục, năm học 2017 - 2018, Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân"

Theo đó, 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp của ngành sẽ tiếp tục được triển khai với nội hàm phù hợp với yêu cầu của từng năm học.

Trong số các giải pháp, ngành giáo dục sẽ tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Bên cạnh đó, sớm ban hành chỉ số chất lượng để hướng tới phân tầng, xếp hạng chất lượng giáo dục của mỗi địa phương.

Bộ trưởng cũng lưu ý công tác thi đua, khen thưởng cần đi vào thực chất nhằm từng bước đẩy lùi căn bệnh thành tích và lộ trình thực hiện giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, giáo viên.

9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu

1. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học: Đối với khu vực thành phố, quy hoạch trường, lớp phải thoát khỏi khu vực nội đô, khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông. Tăng cường xã hội hóa với nhóm trường, lớp chất lượng cao.

Đối với miền núi khó khăn, có lộ trình sắp xếp trường, lớp hợp lý, đảm bảo chuẩn bị tốt tâm lý cho phụ huynh và học sinh. Riêng với bậc học mầm non và các lớp tiểu học đầu cấp khi sát nhập, dồn dịch các trường học phải đảm bảo yếu tố nhân văn...

Cấp tiểu học, THCS phải làm có lộ trình, tránh theo phong trào. Công tác quy hoạch trường, lớp phải gắn với chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, đặc biệt là gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang hoàn thành các bộ chuẩn, quy chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm, trên cơ sở đó các tỉnh rà soát theo các chuẩn; kết hợp với các trường sư phạm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại. Yêu cầu đặt ra là phải có lộ trình, bước đi cho hợp lý, tránh làm xáo trộn; chủ động làm việc với các trường sư phạm để triển khai phương pháp đào tạo, bồi dưỡng từ xa, có chính sách linh hoạt về đào tạo, bồi dưỡng và kế hoạch tuyển dụng giáo viên các cấp, tránh thừa thiếu cục bộ và bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non, tiểu học, giáo dục hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

3.Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ: Đẩy mạnh thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016 - 2020, tập trung rà soát, thống nhất chương trình và các tài liệu dạy học; đồng thời tập trung vào công tác khảo thí minh bạch, khách quan. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên; các địa phương chủ động bồi dưỡng giáo viên, tránh tình trạng “chạy” chứng chỉ gây bức xúc trong xã hội.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục: Đẩy mạnh tin học hóa trong quản lý, quyết tâm xây dựng được hệ thống thông tin kết nối giữa Bộ với các Sở GD-ĐT thông suốt, xây dựng được cơ sở dữ liệu chung. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc dạy và học như mô hình lớp học thông minh nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và giảm bớt sổ sách không cần thiết cho các thầy cô giáo.

5. Công tác giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Năm học 201 -2018 sẽ là tâm điểm thực hiện Nghị định tự chủ trong nhà trường, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng Nghị định tự chủ của các trường mầm non, phổ thông để các địa phương giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà trường.

6. Hội nhập quốc tế: Các Sở GD-ĐT phải tích cực tham mưu cho địa phương xây dựng những Đề án, chương trình thúc đẩy hội nhập quốc tế. Trong đó giải pháp quan trọng là xã hội hóa, để mỗi địa phương đều có yếu tố hội nhập ở các cấp học và ở mức độ khác nhau.

 

đổi mới giáo dục, năm học 2017 - 2018, Phùng Xuân Nhạ
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

7.Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục: Rà soát hệ thống trường lớp, có kế hoạch rõ ràng cho các trường thực hiện dạy học 1 buổi, 2 buổi/ngày, kiên quyết không để xảy ra tình trạng nợ chuẩn. Có kế hoạch huy động vốn cụ thể từ nguồn vốn trung ương, vốn địa phương, nguồn xã hội hóa để khắc phục tình trạng trường, lớp học không được kiên cố hóa và giảm quy mô về sĩ số ở khu vực thành thị.

8- Phát triển nguồn nhân lực: Ở bậc phổ thông, các địa phương phải rà soát lại giáo dục cơ bản, giáo dục mũi nhọn, củng cố trường THPT chuyên, Bộ sẽ cân nhắc việc xây dựng thông tư hướng dẫn riêng về nhiệm vụ này. Thi học sinh giỏi cần được cải tiến sao cho nhẹ nhàng hơn, tạo động lực để bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và rà soát các tiêu chuẩn tuyển thẳng, cộng điểm.

9- Phân luồng và định hướng nghề nghiệp: Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, các tỉnh phải chú trọng bố trí số lượng giáo viên nghiêm túc thực hiện giáo dục hướng nghiệp, chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm; giáo dục hướng nghiệp, trải nghiệm phải làm tốt để học sinh định hướng nghề nghiệp, tạo tâm lý bình đẳng giữa đại học, nghề nghiệp.

5 giải pháp cơ bản

1. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính: Tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, không đáp ứng yêu cầu đổi mới, kịp thời kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thể chế về giáo dục và đào tạo. Tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm gọn nhẹ.

2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp: Sau khi có chuẩn, quy chuẩn của các vị trí chức danh, đề nghị Học viện Quản lý giáo dục có các chương trình bồi dưỡng kịp thời để đánh giá, phân loại xếp hạng cán bộ quản lý, công tác bổ nhiệm yêu cầu phải đạt chuẩn. Đối với lãnh đạo phải nhìn vào năng lực kỹ năng quản trị trường học chứ không phải bằng cấp.

3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục: Tích cực tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh bàn các giải pháp xã hội hóa theo hướng đầu tư cho bậc học mầm non; giáo dục tiểu học thuộc phạm vi ngân sách nhà nước. Mở rộng xã hội hóa ở những trường chất lượng cao, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được tham gia vào phát triển sự nghiệp giáo dục.

4. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Bộ sẽ tích hợp các thông tư trong lĩnh vực này thành các bộ chuẩn chất lượng và công bố cho các địa phương. Kiểm định chính là thước đo định lượng để thấy được mặt bằng chất lượng các địa phương đang ở đâu. Bộ cũng sẽ sớm ban hành chỉ số chất lượng để hướng tới phân tầng, xếp hạng chất lượng giáo dục của mỗi địa phương.

5.Đẩy mạnh công tác truyền thông: Cần đi vào chiều sâu, chủ động truyền thông bài bản.

Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tiep-tuc-9-nhiem-vu-5-giai-phap-trong-nam-hoc-2017-2018-384354.html

 
Nhiều trường đại học tiếp tục công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển PDF. In Email
Thứ hai, 17 Tháng 7 2017 04:17

Để sẵn sàng cho công tác tuyển sinh năm 2017, các trường đại học đang lần lượt thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của mình.

Ngưỡng điểm nhận hồ sơ của các trường công an nhân dân là từ mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT quy định, ngoài ra, điểm môn mỗi phải đạt từ 5 điểm trở lên.

Học viện Ngoại giao công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đại học 2017 là 20 điểm (tổng 3 môn xét tuyển) đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển ở tất cả các ngành. Trong đó, điểm tối thiểu của mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển phải lớn hơn 1 điểm.

Đối với các ngành có tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển không nhân hệ số, điểm xét tuyển là tổng điểm của 3 môn thi. Mức điểm được làm tròn đến 0.25 cộng với điểm ưu tiên.

Đối với ngành Ngôn ngữ Anh (mã ngành 52220201), môn chính là Tiếng Anh (nhân hệ số 2) và được quy về hệ điểm 30 dành cho tổ hợp môn xét tuyển theo công thức sau:

Điểm xét tuyển = ((điểm Toán + điểm Ngữ văn + (điểm Tiếng Anh x 2)) x 3 ÷ 4), làm tròn đến 0.25 + điểm Ưu tiên (nếu có)

Đại học Huế cũng công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo năm 2017.

Cụ thể:

Trường Đại học Y Dược, các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Dược học điểm tối thiểu để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là 24 điểm.

Các ngành Y học dự phòng, Y học cổ truyền, Điều dưỡng, Kỹ thuật hình ảnh y học, Xét nghiệm y học điểm tối thiểu để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là là 21 điểm.

Ngành Y tế công cộng điểm tối thiểu để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là 18 điểm.

Các ngành của các Trường Đại học thành viên còn lại, Khoa trực thuộc và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị điểm tối thiểu để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là 15,5 điểm.

Mức điểm này áp dụng cho thí sinh là học sinh phổ thông thuộc khu vực 3, không ưu tiên.

Điều kiện để xét tuyển vào các ngành năng khiếu là điểm môn năng khiếu (chưa nhân hệ số) phải >=5.0. Các ngành năng khiếu không áp dụng mức điểm tối thiểu để nộp hồ sơ ĐKXT.

Đại học Đà Nẵng cũng thông báo ngưỡng điểm nhận đăng ký xét tuyển đại học hệ chính quy theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 của các cơ sở giáo dục đại học thành viên, khoa, viện, phân hiệu trực thuộc.

Cụ thể, các đơn vị có ngưỡng điểm nhận đăng ký xét tuyển bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2017 (15,5 điểm đối với học sinh phổ thông khu vực 3) gồm:

- Trường Đại học Kinh tế (mã trường DDQ);

- Trường Đại học Ngoại ngữ (mã trường DDF);

- Khoa Công nghệ (mã trường DDC);

- Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (mã trường DDI);

- Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum (mã trường DDP);

- Viên Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (mã trường DDV).

Các đơn vị có một hoặc nhiều ngành có ngưỡng điểm nhận đăng ký cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học hệ chính quy gồm:

- Trường Đại học Bách khoa (mã trường DDK);

- Trường Đại học Sư phạm (mã trường DDS);

- Khoa Y Dược (mã trường DDY).

Chi tiết điểm nhận đăng ký cho từng ngành của các đơn vị này như sau:

Trường ĐH Bách khoa:

Tuyển sinh 2017, Thông tin tuyển sinh, Tuyển sinh đại học, Điểm chuẩn đại học 2017, điểm chuẩn, điểm chuẩn đại học, xét tuyển đại học

Tuyển sinh 2017, Thông tin tuyển sinh, Tuyển sinh đại học, Điểm chuẩn đại học 2017, điểm chuẩn, điểm chuẩn đại học, xét tuyển đại học

Trường ĐH Sư phạm:

Tuyển sinh 2017, Thông tin tuyển sinh, Tuyển sinh đại học, Điểm chuẩn đại học 2017, điểm chuẩn, điểm chuẩn đại học, xét tuyển đại học

Tuyển sinh 2017, Thông tin tuyển sinh, Tuyển sinh đại học, Điểm chuẩn đại học 2017, điểm chuẩn, điểm chuẩn đại học, xét tuyển đại học

Tuyển sinh 2017, Thông tin tuyển sinh, Tuyển sinh đại học, Điểm chuẩn đại học 2017, điểm chuẩn, điểm chuẩn đại học, xét tuyển đại học

Khoa Y Dược:

Tuyển sinh 2017, Thông tin tuyển sinh, Tuyển sinh đại học, Điểm chuẩn đại học 2017, điểm chuẩn, điểm chuẩn đại học, xét tuyển đại học

Đại học Thái Nguyên công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học chính quy đối với thí sinh (khu vực 3, không ưu tiên) thi THPT quốc gia năm 2017 như sau:

Tất cả các ngành của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Quốc Tế và Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai có mức điểm nhận hồ sơ là 15,5 điểm.

Riêng đối với Trường Đại học Khoa học, ngành Luật: 16,5 điểm, các ngành còn lại: 15,5 điểm.

Đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc được xét tuyển vào học các ngành đào tạo vào Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Quốc tế và Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai với mức điểm tối thiểu tham gia xét tuyển thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1 điểm, những thí sinh này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ trước khi vào học chính thức.

Đối với ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh nhân dân, ngoài 2 môn Văn, Toán từ 5 điểm trở lên, điểm tối thiểu môn tiếng Anh phải từ 7 điểm trở lên.

Năm nay, ĐHQG Hà Nội không tổ chức kì thi đánh giá năng lực như 2 năm trước, mà sử dụng 56 tổ hợp từ các bài thi THPT quốc gia để tuyển sinh đại học. Chiều 14/7, các trường thành viên đã thông báo mức điểm nhận hồ sơ. Xem chi tiết tại đây.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhận hồ sơ từ 19 đến 23 điểm, xem chi tiết tại đây.

Điểm sàn Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM từ 15.5 đến 17, xem chi tiết tại đây.

Trường ĐH Y khoa Vinh có mức điểm nhận hồ sơ của 3 môn Toán, Hóa, Sinh bằng mức điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Theo đề án tuyển sinh của trường, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường là theo mức đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT.

Điều này có nghĩa, thí sinh có mức điểm tổng 3 môn Toán, Hóa, Sinh từ 15,5 trở lên sẽ được nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Y khoa Vinh.

Nếu thí sinh cùng tổng mức điểm thì thứ tự ưu tiên xét tuyển là điểm môn Sinh, Hóa cao hơn được chọn.

Năm nay Trường ĐH Y khoa Vinh tuyển 800 chỉ tiêu, trong đó ngành Y đa khoa là 350 chỉ tiêu. Trường chỉ tuyển tổ hợp Toán, Hóa, Sinh.

Tương tự, Trường ĐH Y Thái Bình cũng có mức điểm nhận hồ sơ bằng mức điểm sàn do Bộ GD-ĐT là 15,5 điểm. Điều này được ghi rõ trong đề án tuyển sinh của trường đã công bố trước đó.

Trường không sử dụng tiêu chí phụ trong xét tuyển.

Năm nay, trường tuyển 960 chỉ tiêu, trong đó có 600 chỉ tiêu Y đa khoa. Trường xét tuyển 2 tổ hợp là B00 (Toán, Hóa, Sinh) cho 4 ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Điều dưỡng và Y tế công cọng. Tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) đối với ngành Dược học.

Trường ĐH Giao thông vận tải công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển năm 2017 từ 16,5 điểm đến 19 điểm tùy từng ngành. Xem chi tiết tại đây.

Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP.HCM) công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển cho tất cả các khối là 18 điểm.

Đây là điểm tính theo đối tượng thí sinh thuộc khu vực 3 (những thí sinh không được hưởng điểm ưu tiên). Những thí sinh được hưởng điểm ưu tiên theo khu vực, ưu tiên theo đối tượng sẽ có điểm sàn xét tuyển thấp hơn tùy theo điểm ưu tiên của thí sinh.

Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 15,5 đến 18 điểm. Cụ thể: Ngành Kỹ thuật xây dựng nhận hồ sơ xét tuyển từ 16 điểm; Ngành Kiến trúc nhận hồ sơ xét tuyển từ 18 điểm; Các ngành còn lại nhận hồ sơ xét tuyển bằng ngưỡng điểm Bộ GD-ĐT quy định (15,5 điểm). Chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1185 thí sinh.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/tuyen-sinh-dai-hoc-2017-tiep-tuc-co-nhieu-truong-dai-hoc-cong-bo-diem-nhan-ho-so-xet-tuyen-383822.html

 
Bài thi THPT Quốc gia 2017 được chấm như thế nào? PDF. In Email
Thứ tư, 28 Tháng 6 2017 02:46

Năm nay, chỉ có môn Ngữ văn là huy động cán bộ chấm thi. Còn lại tất cả các môn trắc nghiệm đều do máy chấm.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có điểm mới so với mọi năm là Bộ GD-ĐT tổ chức thi 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học); Khoa học xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân; riêng thí sinh GDTX chỉ thi Lịch sử, Địa lí).

Tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức Tự luận. Đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thi theo bài và có dạng bài thi tổ hợp gồm nhiều môn học và cũng là lần đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi.

Đến nay, công tác chấm thi đang được các tỉnh, thành thực hiện hết sức khẩn trương để dự kiến đến ngày 7/7 là có thể công bố điểm thi tới tất cả thí sinh. Năm nay, có một sự thay đổi là Bộ GD-ĐT giao cho các Sở GD-ĐT các địa phương phối hợp với các trường phổ thông, đại học tổ chức coi thi và chấm thi.

Chia sẻ về cách thức chấm thi, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, Bộ GD-ĐT đã thành lập 63 đoàn thanh tra, giám sát việc chấm thi. Khi tổ chức thi, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã cử 800 cán bộ tham gia vào công tác này nhưng đối với công tác chấm thi, nhà trường chỉ cử 2 cán bộ đến tỉnh Quảng Ninh tham gia với tư cách giám sát việc chấm bài.

Các năm trước, bài thi Ngữ văn trùng với môn thi Ngữ văn, bài thi Toán trùng với môn thi Toán… Năm nay, bài thi tổ hợp gồm 3 môn thi. Ví dụ, thí sinh đăng ký tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học thì sẽ có điểm tổ hợp của 3 môn thi này cộng lại.

 

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.

 

Bài thi trắc nghiệm được chấm trên máy tính có độ chính xác cao

Năm nay, chỉ có môn Ngữ văn là huy động cán bộ chấm thi. Còn lại tất cả các môn trắc nghiệm đều do máy chấm. Các trường ĐH có thể dựa vào điểm thành phần của 2 môn trong tổ hợp kết hợp với điểm môn thi bắt buộc để chọn lựa thí sinh vào trường.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, bài thi trắc nghiệm được chấm trên máy tính. Cán bộ chấm thi sẽ lấy các bài thi để scan như photocoy và tạo thành ảnh. Sau đó, cán bộ chấm thi căn chỉnh ở trên máy và để máy nhận dạng số báo danh, mã đề của thí sinh. Nếu thí sinh có đáp án đúng thì máy sẽ cho điểm. Tiếp theo là đến công đoạn máy sẽ ghép số báo danh với cất dữ liệu của thí sinh. Quá trình chấm thi sẽ diễn ra nhanh, nếu chấm khoảng 10.000 bài thì chỉ trong vài ngày.

Là trường chỉ có thể chấm một số môn Khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại cho biết, việc chấm thi các môn Khoa học xã hội năm nay chủ yếu vẫn do các Sở GD-ĐT ở các địa phương đảm nhiệm là chủ yếu.

Quá trình chấm thi hoàn toàn được bảo đảm nghiêm ngặt, đúng quy chế và khách quan. Không chỉ có các Sở GD-ĐT tham gia chấm thi mà còn có sự giám sát từ phía các trường ĐH, CĐ. Các đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT cũng tham gia vào công tác này.

Nếu việc chấm bài thi tự luận là có thể do nhận xét, cách chấm của từng giáo viên khác nhau nhưng đối với các môn thi trắc nghiệm thì được chấm trên máy tính, đã có đáp án thì không thể nhầm lẫn được. Vì vậy, phụ huynh và thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm đối với công tác chấm thi./.

Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý:

Ngày 7/7: Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh.

Từ 8 đến hết 17/7: Đơn vị đăng ký dự thi thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo kể từ ngày công bố kết quả thi.

Ngày 14/7: Là thời hạn các Sở GD - ĐT công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh. Ngày 15/7: Dự kiến các thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển Đại học trực tuyến và trực tiếp bằng phiếu.

Ngày 17/7: Là thời hạn Hiệu trưởng các trường THPT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh.

Ngày 24/7: Là thời hạn các Hội đồng thi phải hoàn thành tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có).

Ngày 26/7: Là thời hạn các Sở GD- ĐT hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

Từ 28-30/7: Các trường ĐH, CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên sẽ có 3 ngày để thực hiện quy trình xét tuyển đợt I

Trước 1/8: Các trường công bố kết quả đợt I xét tuyển vào ĐH.

Hết 7/8: Thí sinh xác nhận nhập học đợt I bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc duy nhất được cấp.

Từ 13/8: Các trường ĐH bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung.

 

Nguồn thông tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bai-thi-thpt-quoc-gia-2017-duoc-cham-nhu-the-nao-20170628073638217.htm

 
«Bắt đầuLùi12345678910Tiếp theoCuối»

Trang 4 trong tổng số 16


 Truy Cập 

 Giáo dục và Thời đại 

 Giáo dục Việt Nam 

 Giáo dục TP.HCM 

 Trường học kết nối 

 PISA - OECD