LỄ MỪNG THỌ LẦN THỨ 90 GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN LÊ TRÍ VIỄN In
Thứ tư, 05 Tháng 1 2011 07:59

Ngày 25/4/2007, hàng trăm nhà giáo, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục, sinh viên và các thế hệ học trò đã về dự lễ mừng thọ lần thứ 90 của giáo sư, nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn do Khoa Ngữ Văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức.

Giáo sư Lê Trí Viễn sinh ngày 10 tháng 3 năm 1919 tại Điện Hồng, Điện Bàn,  Quảng Nam. Bắt đầu dạy học từ năm 1939, đến nay thầy đã có 69 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Thầy được Nhà nước phong chức danh Giáo sư năm 1980 và danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân năm 1990.  
“Đóng góp chủ yếu của Lê Trí Viễn là thuộc lĩnh vực nghiên cứu. Tất cả có hơn bốn mươi công trình, hầu hết đều dày dặn, công phu. Ông tinh tế và tài hoa trong bình và giảng văn (Những bài giảng văn ở đại học, 1982; Bình thơ xuân, 1986; Tìm hương trong văn Hồ Chí Minh, 1996; Đến với thơ hay, 1997;v.v…). Ông sâu sắc, kỹ lưỡng trong các công trình văn học sử. Ngay trong những năm chống Pháp, ông là người đầu tiên khai phá lĩnh vực này với quan điểm macxit (Việt Nam văn học sử - Thời Lê mạt, Nguyễn sơ, 1951). Ông là đồng tác giả bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (3 tập, 1958). Thời kỳ làm chuyên gia ở trường đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), ông viết và cho xuất bản ở đây bộ sách Một số vấn đề lịch sử văn học Việt Nam (1961). Phần ông chuyên sâu và tinh tế nhất là văn học cổ điển Việt Nam: Thơ văn Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương (1968), Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao càng nhìn càng sáng (1982), Lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ X – giữa thế kỷ XIX (1985), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (1996), Quy luật phát triển của lịch sử văn học Việt Nam (1998)…

(Trích: Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên) (2005), Từ điển văn học bộ mới, Nxb Thế giới, tr.839.)