VĂN XUÔI HƯ CẤU: RANH GIỚI VÀ GIAO THOA THỂ LOẠI (TRÊN CỨ LIỆU VĂN HỌC MIỀN NAM 1954 - 1975) In
Thứ ba, 13 Tháng 12 2011 16:30

Huỳnh Như Phương

 

Trong thời hiện đại, đồng thời với sự phát triển của các thể loại, giữa văn xuôi hư cấu (Fiction) và văn xuôi phi hư cấu (Non-fiction) có sự giao thoa và ranh giới chỉ là tương đối. Sự thâm nhập yếu tố phi hư cấu vào truyện ngắn hay tiểu thuyết có thể xuất hiện trên những bình diện khác nhau.

Trước hết là bình diện thủ pháp nghệ thuật. Trong truyện ngắn và tiểu thuyết, nhà văn có thể đưa vào những yếu tố phi hư cấu bằng cách “cắt dán” thông tin từ báo chí, biên bản vụ án… Như vậy, nhân vật và câu chuyện là hư cấu, nhưng đặt trên bối cảnh của những sự kiện có thực: một vụ án, một cuộc đảo chính quân sự, một biến cố chính trị…

Thứ hai là hình thức cấu trúc. Cấu trúc truyện ngắn và tiểu thuyết có thể sử dụng những hình thức phỏng vấn, nhật ký, thư tín, sổ tay ghi chép… của nhân vật hay người kể chuyện. Có tác phẩm là một chuỗi những lá thư trao đổi giữa các nhân vật. Cũng có tác phẩm gồm các chương được kết nối bằng những trang nhật ký mà nhân vật tự kể chuyện mình.

Thứ ba là bình diện thể loại hiểu như là bình diện tổ chức của chất liệu, nơi cho thấy rõ nhất sự giao thoa giữa hư cấu và phi hư cấu. Ở đây có sự thống nhất giữa chất liệu và thủ pháp, giữa nội dung và hình thức, giữa các yếu tố và cấu trúc. Sự chuyển dịch từ giai đoạn tiền thẩm mỹ với việc tiếp nhận và khai thác những sự kiện từ cuộc sống, những quy ước xã hội, những quan niệm... sang giai đoạn thẩm mỹ với việc cải biến chất liệu và sáng tạo hình thức, đó là một quá trình lao động tinh vi. Sự kết nối ở đây có thể dẫn đến những thể loại có tính chất lai ghép như tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết chân dung, tiểu thuyết phóng sự, tiểu thuyết du ký, tiểu thuyết triết học…

Ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 đã xuất hiện nhiều tác phẩm văn xuôi nghệ thuật có sự thâm nhập, đan xen, giao thoa giữa yếu tố hư cấu và yếu tố phi hư cấu. Tình hình này có thể do những nguyên nhân sau đây:

Một, xã hội miền Nam giai đoạn đó là một xã hội đầy biến động, những sự kiện và biến cố dồn dập đập vào mắt nhà văn. Hai, xã hội và văn học tiếp nhận được nhiều nguồn thông tin khá đa dạng, báo chí phát triển và có tác động không nhỏ đến văn học. Ba, văn học nước ngoài được giới thiệu và dịch thuật ở miền Nam có những tác phẩm được chú ý vì yếu tố phi hư cấu của nó, chắng hạn Cõi người ta Phi công thời chiến của Saint-Exupéry, Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene, Ông đại sứ của Morris West…

Tham luận này căn cứ trên tư liệu một số tác phẩm văn xuôi ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 để cho thấy sự thâm nhập và giao thoa lẫn nhau của văn xuôi hư cấu và văn xuôi phi hư cấu.

1. Văn xuôi – chứng từ của chiến tranh

Tác phẩm đầu tiên mà chúng tôi muốn giới thiệu là cuốn Nhật ký của người chứng của Thái Lãng. Đây là nhà văn trẻ từng được tạp chí Văn giới thiệu là một trong “những cây bút sẽ đi xa trong tương lai”. Ông có một số truyện ngắn như Khoảng cách, Khuôn mặt… được chú ý khi đăng báo, về sau được tập hợp trong tập truyện Sương mù xám. Nhật ký của người chứng xuất hiện trên tạp chí Đất nước ba số liền (số 1, tháng 11-1967; số 2, tháng 12-1967; số 3, tháng 01-1968) khi tác giả mới 27 tuổi, đã gây tiếng vang trong văn giới, và đầu năm 1969 được NXB Thái độ ấn hành trong tủ sách “Văn nghệ xám”.

Như nhan đề của nó, tác phẩm này được cấu trúc dưới hình thức những trang nhật ký của một người thông dịch viên làm việc cho các đơn vị quân đội Mỹ. Để tránh những hệ lụy có thể có, khi xuất hiện lần đầu trên tạp chí Đất nước, văn bản các chương được tác giả ghi mở đầu bằng chữ “Ngày…”. Đến khi in thành sách, cả chữ “ngày” cũng bị bỏ, chỉ còn dấu …

Đọc toàn bộ cuốn sách, độc giả sẽ thấy đây là những ghi chép của một người trong cuộc đã cộng tác với các cố vấn Mỹ trong vài năm đầu khi đoàn lính viễn chinh này đặt chân đến miền Nam. Lương tri và cái nhìn khách quan của nhân vật người kể chuyện – và qua đó là của chính tác giả - khiến tác phẩm trở thành một chứng từ trung thực về động cơ, thái độ và cách hành xử của những viên cố vấn Mỹ. Tác phẩm đã phơi bày sự giả dối của chính sách viện trợ Mỹ, sự kỳ thị và tàn bạo của lính Mỹ, sự tha hoá của một thiểu số người Việt vong bản. Dù những địa danh được viết tắt là quận K. M., quận B. T. hay tỉnh C. T., tác phẩm vẫn gây cảm giác như đang đọc một ký sự của một phóng viên chiến trường theo chân của những đơn vị lính Mỹ càn quét và chiếm đóng các xóm làng ở nông thôn miền Nam. Cuốn sách này tạo ra hiệu ứng xã hội và cộng hưởng tích cực với phong trào chống Mỹ bừng tỉnh cùng với tinh thần dân tộc vào cuối những năm 1960. Ấn bản của NXB Thái độ có nhiều trang bị kiểm duyệt bỏ, nhưng tinh thần phê phán và phản kháng vẫn đậm nét trong toàn bộ cuốn sách:

“Tôi chán nản, xa lạ ngay trong thành phố mà tôi đã từng trưởng thành từ đó. Bạn bè rời xa, không có gì giải trí cho hạng người như tôi. Hạng người bị bỏ quên trong cuộc sống này. Những người được hưởng nhiều nhất ở đây là những người dùng nhiều nhất đến sức lực và máu bọn trẻ. Nhưng họ không cho bọn trẻ nghỉ ngơi. Tôi trở về đây với một vết thương còn đỏ và tôi muốn nhổ vào thành phố này. Tôi cũng muốn móc cho vết thương toạc máu để tỏ một nỗi buồn…”.

Tác phẩm của Thái Lãng không ghi rõ là tiểu thuyết hay ký sự, vì thật khó mà xác định thuần túy đây là văn xuôi hư cấu hay văn xuôi phi hư cấu. Điều chắc chắn là đan xen giữa việc miêu tả tính cách và tâm trạng là những sự kiện được “hồ sơ hoá” hay “biên bản hoá”. Chẳng hạn, “Báo cáo tổn thất do quận cung cấp cho Ban Cố vấn về vụ pháo kích đêm qua…”.

Tuy nhiên, cũng không thể xem đây là ký sự thuần tuý, vì không thể khẳng định những nhân danh và địa danh trong tác phẩm là hoàn toàn có thực. Điều đó khác với tác phẩm nhật ký có địa chỉ xác thực về con người, thời gian và địa điểm như Công trường vùng giới tuyến (1) của Nguyễn Ngọc Lan, trong đó tác giả ghi rõ từ trang đầu: “Thứ tư, 15 tháng bảy 1967” đến đoạn cuối: “Chủ nhật, 16 tháng bảy 1967”.

Vào cuối cuộc chiến tranh, một cuốn nhật ký phản chiến có nhan đề Tiếng vạc trong sương của một người lính được đặt biệt danh là Thiếu uý Nam - tên thật là Nguyễn Đắc Dzu Thuỷ - công bố trên Tạp chí Đứng dậy (từ số 49, ngày 01-8-1973 đến số 59, tháng 7-1974) đích thực là văn xuôi phi hư cấu vì các sự kiện, tình tiết đều có địa chỉ xác thực: chợ Sóc Ven, Nha Si, Hoả Lựu, đông bắc Kiên Bình 6 km, phía bắc Kiên Thiện 3 km, phía bắc kinh Sư Sanh 1 km… Nhật ký bắt đầu tại “Vĩnh Long ngày 18-5-1972, Thứ năm” và kết thúc ở “Sài Gòn ngày 22-12-1972” với dòng chữ: “Tuberculose pulmonaire” (lao phổi).

Nhật ký của người chứng chủ yếu miêu tả hành tung lính Mỹ trong chiến tranh cục bộ, còn Tiếng vạc trong sương miêu tả số phận người lính Việt trong bước chuyển từ chiến tranh cục bộ sang giai đoạn Việt Nam hoá chiến tranh mà tác giả là chứng nhân, cũng là nạn nhân. Với cách miêu tả thiên về “truyện kể sân khấu” với nhiều đối thoại, Nhật ký của người chứng đậm tính văn học hơn tính báo chí. Với cách miêu tả thiên về “truyện kể thuần túy” dành ưu tiên cho ngôn ngữ người kể chuyện, Tiếng vạc trong sương đậm tính báo chí hơn. Qua ghi nhận và cái nhìn của “Thiếu uý Nam”, như lời bình của Nguyễn Ngọc Lan, “Những gì thật bình thường, nhỏ bé mà phức tạp và đồng thời lại là những gì thật thâm sâu, trung trực, đứt khoát. Tuy cam phận bên trong một guồng máy quay đều, quay đều, quay một cách mệt mỏi, rã rời buồn chán thì lại vẫn không ngừng phản tỉnh về thái độ của mình và về thời cuộc” (2).

Như vậy là từ hai phía của những người lính Việt Nam tham chiến đều có những cuốn nhật ký trung thực nói lên sự thật về chiến tranh và tình tự dân tộc. Một bên là nhật ký của Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc. Một bên là Nhật ký của người chứng, Tiếng vạc trong sương… So sánh hai mảng nhật ký đó về điểm nhìn, nội dung và nghệ thuật phản ánh, có thể rút ra nhiều điều thú vị có liên quan đến con người và văn học trong chiến tranh, góp phần vào sự hoà giải và hoà hợp dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Nếu nhân vật chính của Nhật ký của người chứng là một người lính biết tiếng Anh bị điều làm thông dịch viên một cách miễn cưỡng và do vậy mà phải làm chứng nhân quan sát và ghi lại những bi thảm của chiến tranh, thì nhân vật chính trong tiểu thuyết Vòng đai xanh của Ngô Thế Vinh là một phóng viên chiến trường có ý thức đối diện với chiến tranh và tiếp cận với bộ máy quyền lực của nó. Ngô Thế Vinh xây dựng nhân vật Triết không chỉ như là người chứng kiến mà còn là người phân tích những chính sách và chủ trương của các thế lực tiến hành chiến tranh ngay trên địa bàn Tây nguyên.

Tiểu thuyết Vòng đai xanh là một hiện tượng văn học phức tạp và đầy mâu thuẫn. Một mặt, trong văn bản tác phẩm có không ít đoạn văn cho thấy định kiến về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về những người du kích… Triết, nhân vật trung tâm, không phải là nhân vật phản chiến với thái độ rõ rệt như nhân vật “tôi” trong Nhật ký của người chứng. Mặt khác, ta có thể bắt gặp trong Vòng đai xanh những lời bình luận thời sự và sự phân tích thẳng thắn từ góc độ người kể chuyện hay từ chính nhân vật. Đây là đoạn nói về chính sách của Mỹ:

“Gửi sĩ quan cố vấn cho quân đội chính phủ, giúp đỡ các phần tử phiến loạn khuynh đảo chính phủ, trong canh bạc lớn, người Mỹ đã giấu thêm một con tẩy nơi tay áo của mình. Và chính sách đó phải kể là khôn ngoan nếu sự gian lận không bị thấy rõ”.

Một đoạn so sánh chính sách của Mỹ với chính sách của Pháp:

“Lịch sử cận đại Việt Nam đã hơn một lần chứng minh điều này: một Nam kỳ thuộc Pháp là giấc mơ không thể được, dù lúc đó nước Pháp có đủ tất cả điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi. Cũng như người Pháp, điều người Mỹ cố tâm làm trên cao nguyên sẽ chẳng đi tới đâu, mà kết quả chỉ để lại một vết nhơ trong lịch sử bang giao của hai nước Việt Mỹ và một kinh nghiệm đắng cay cho những người bạn đồng minh khác”.

Một đoạn nói về sinh hoạt ở Sài Gòn:

“Mới đặt chân tới Sài Gòn đem lại cho tôi thật nhiều cảm tưởng, nó mang hình ảnh của nàng công chúa người Nga sau cách mạng vô sản phải lưu lạc sang tận Paris, vẫn cố sống kênh kiệu đài các để che giấu những khốn khó bên trong. Nhưng chắc chắn là đồng đô-la Mỹ đã thổi vụt lớn mau chóng cả thành phố này, tất cả còn mang dấu hiệu mới mẻ nên chưa kịp có cá tính”.

Về phương diện thể loại, Vòng đai xanh là một trường hợp tiêu biểu cho sự đan xen yếu tố hư cấu và phi hư cấu trong một tiểu thuyết tư liệu. Khảo sát tác phẩm theo quan điểm thực chứng, Vòng đai xanh có thể cung cấp cho chúng ta nhiều dữ kiện về một vùng đất Tây nguyên mà vị thế chính trị và văn hoá của nó đến nay vẫn còn mang ý nghĩa thời sự.

Trong cấu trúc cuốn tiểu thuyết, yếu tố phi hư cấu đan kết với yếu tố hư cấu không chỉ trong miêu tả bối cảnh mà cả trong khắc hoạ tính cách nhân vật. Về bối cảnh, đó là cuộc triển khai Lực lượng đặc biệt gồm những đơn vị lính mũ nồi xanh của Mỹ ở Tây nguyên, là những cuộc đảo chánh và phản đảo chánh ở Sài Gòn, là những cuộc đấu tranh, tự thiêu của Phật tử và sinh viên ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Về nhân vật, đó là tướng Thuyết tư lệnh vùng 1 vừa chống Cộng vừa phản đối chính sách của Mỹ, là nhà sư Pháp Viên như hình ảnh một vị cao tăng lãnh đạo phong trào Phật giáo, là giáo sư Hoàng Thái Trung như một điển hình của trí thức khuynh tả dấn thân, là nhà thơ Vy mà tác phẩm từng được phổ nhạc thành tâm ca… Những ai sống ở miền Nam lúc đó đều có thể nhận ra hình ảnh của những “nguyên mẫu” qua các nhân vật này. Mặc dù có những định kiến về những người kháng chiến như đã nói, tác giả Vòng đai xanh không che giấu thiện cảm với phong trào phản kháng mang tính dân tộc trong các đô thị.

Phê bình Vòng đai xanh ngay khi cuốn sách vừa ra đời, Nguyễn Trọng Văn đã sớm chú ý đến yếu tố phi hư cấu của tác phẩm: “Những tên người có thực, những âm mưu có thực, những đổ vỡ tranh đấu có thực, được tường thuật trên báo chí…, tất cả đều được nói tới trong Vòng đai xanh” (3). Nhà phê bình nhận xét:  “Những nhân vật cũng như tình tiết có vẻ sống thực trên đã được giới thiệu bằng một giọng văn sôi động, vừa có tính phóng sự, vừa có tính cách tiểu thuyết” (4). Nguyễn Trọng Văn cũng là người sớm chỉ ra chỗ khác nhau giữa Thái Lãng và Ngô Thế Vinh:

“Truyện của Thái Lãng (Nhật ký của người chứng, Trong một ngày của một người) tố cáo thái độ khinh bỉ, cha chú của người Mỹ đối với người Việt. Thái Lãng cũng nói lên mối tương giao gượng ép Mỹ Việt và những xấu xa, bỉ ổi của cả hai phía. Ngô Thế Vinh khai thác khía cạnh khác, anh nói về những âm mưu, diễn tiến, sự đổ bể của một tấn kịch bỉ ổi, bỉ ổi đến nổi chính những người đạo diễn cũng không dám công khai nhìn nhận diễn viên của mình” (5).

Từ nhận xét đó, nhà phê bình đi đến khẳng định và cổ vũ một khuynh  hướng sáng tác mới của các nhà văn trẻ lúc đó:

“Khuynh hướng trở lại thực tế cụ thể, nhắc tới những sự kiện, những nhân vật có thực… là một khuynh hướng mới của các cây viết trẻ. Khuynh hướng này có thể làm một số tâm hồn xiêu vẹo khó chịu nhưng thực ra nó có một ý nghĩa tích cực: trở lại hoàn cảnh sống thực của mình và của dân tộc, phá bỏ những huyền thoại ru ngủ con người, phơi bày nếp sống vô nghĩa, mộng du, tố cáo những âm mưu đen tối đang bao trùm quê hương” (6).

Dù vậy, Vòng đai xanh vẫn là một tác phẩm tiểu thuyết, không chỉ vì cốt truyện tâm lý của nó, mà còn vì nghệ thuật phân tích mối quan hệ giữa cá nhân và lịch sử: “Tiếng côn trùng rên rỉ đều đều, tiếng cạp muỗi của những con ểnh ương dưới sông chỉ gợi nỗi nhớ của những trang lịch sử ảm đạm buồn rầu. Làm sao người ta có thể nung chí trong sự nẫu nà như vậy để mà trở thành phi thường như bộ óc của nhà sư Pháp Viên”.

Càng gần cuối cuộc chiến tranh, thái độ phản chiến của Ngô Thế Vinh càng sâu sắc, thể hiện qua những truyện ngắn như Không sớm hơn, Mặt trận ở Sài Gòn, Nước mắt của Đức Phật, Dấu ngoặt lịch sử… Những tác phẩm này vẫn mang đậm yếu tố thời sự và chính kiến của tác giả bộc lộ rõ ràng hơn. Về mặt tư tưởng, những truyện ngắn phản chiến ấy gần với những truyện ngắn của các nhà văn trẻ lúc đó như Nguỵ Ngữ, Thế Vũ, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Nguyễn Quang Tuyến…

Có thể so sánh Vòng đai xanh với tác phẩm của hai nhà văn ở bên kia chiến tuyến là Sài Gòn 67 của Nguyển Văn Bổng và Mắt bồ câu và rừng phi tiễn của Thu Bồn. Hai tác phẩm này viết về phong trào yêu nước ở Sài Gòn trong tương quan với các thế lực cầm quyền lúc đó, ở hai thời đoạn khác nhau. Qua đó, có thể nhận thấy những gương mặt tiêu biểu của sinh viên, trí thức, tu sĩ trên trận địa đường phố. Cũng như Vòng đai xanh, hai tác phẩm trên có thể xem là tiểu thuyết tư liệu. Nhưng Sài Gòn 67 Mắt bồ câu và rừng phi tiễn được sáng tác và công bố sau khi chiến tranh kết thúc nên tính thời sự có phần giảm bớt, mặc dù khoảng cách thời gian với các sự kiện cho phép các tác giả kiểm chứng tư liệu dễ dàng hơn.

Vòng đai xanh cho thấy thất bại khách quan của Mỹ trong nỗ lực thiết lập một vòng đai phòng thủ với lực lượng lính mũ nồi xanh nhằm ngăn chặn đường đi của cách mạng Việt Nam, tiên báo cho sự thay đổi đường lối từ chiến tranh cục bộ sang chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh chỉ vài năm sau đó. Nhưng vấn đề Tây nguyên với những chương trình cải thiện dân sinh dành cho những tộc người thiểu số trong chiến lược bảo vệ Việt Nam trước mọi sự xâm lấn vẫn còn có ý nghĩa thời sự. Tây nguyên trong bối cảnh hình thành một vòng đai trong thế liên lập để bảo vệ vùng đất này sống trong hoà bình và hợp tác vẫn là chủ đề đề thảo luận mà cuốn sách của Ngô Thế Vinh đặt  ra từ hơn 40 năm trước.

2. Văn xuôi – trầm tư về đời sống

Mối quan hệ giữa sự thật và hư cấu, khách quan và chủ quan được thiết lập và cải biến nhuần nhị và tinh tế hơn trong mảng văn xuôi chuyển tải những trầm tư, suy niệm về cuộc đời và con người. Tất nhiên, nói như vậy không phải là phân biệt hai loại hình văn xuôi ấy về mặt giá trị, bởi vì mỗi loại hình có những ưu thế riêng. Nếu văn xuôi – chứng từ của chiến tranh thiên về tái hiện sự thật khách quan, thì văn xuôi – trầm tư về đời sống thiên về biểu hiện cảm nghĩ chủ quan, mặc dù vẫn dựa trên những cứ liệu của sự thật.

Hai trường hợp có thể làm dẫn chứng cho loại hình này là Nẻo về của Ý của Nhất Hạnh và Đêm ngủ ở tỉnh cùng một số truyện ngắn khác của Hoàng Ngọc Biên.

Nẻo về của Ý được trích đăng từng kỳ trên tập san Giữ thơm quê mẹ từ số 2 (tháng 8-1965) đến số 11 (tháng 5-1966), sau đó được in thành sách (NXB Lá Bối in lần thứ nhất 1967, lần thứ hai 1969, NXB An Tiêm in lần thứ ba 1972), gần đây được NXB Văn hoá Sài Gòn tái bản với một vài sửa đổi nhỏ.

Về mặt bố cục, Nẻo về của Ý kết hợp hai phần gồm những trang viết mà người kể chuyện gửi cho hai nhân vật vắng mặt là Nguyên Hưng và Steve. Hai bối cảnh được tác phẩm nói đến là làng Phương Bối trước khi chiến tranh lan rộng và không gian nước Mỹ khi nhân vật - người kể chuyện đã rời bỏ đất nước trên bước đường vận động cho hoà bình Việt Nam. Về mặt kết cấu, tác phẩm là một cấu trúc gồm ba phương diện: quê hương Việt Nam với những sự kiện xã hội, phong tục tập quán; đời sống tu tập và con đường chuyển hoá qua tâm tư của một tu sĩ; những suy niệm triết học và mỹ học dưới góc nhìn duy thức luận. Những nội dung đó có liên quan chặt chẽ với một số tác phẩm phi hư cấu khác của cùng tác giả như Đối thoại – cánh cửa hoà bình, Hoa sen trong biển lửa (Hội Phật tử Việt kiều hải ngoại xuất bản, 1967)... Đặt trong hệ thống tác phẩm của Nhất Hạnh sẽ thấy Nẻo về của Ý theo đuổi những chủ đề vẫn ám ảnh tác giả: hoà bình cho đất nước, đối thoại giữa các thành phần dân tộc và đạo Phật hiện đại hoá để đi vào cuộc đời. Nhưng Nẻo về của Ý đã vượt lên những tác phẩm có chủ đề gần gũi của cùng người viết để trở thành một tác phẩm văn xuôi trữ tình – triết lý hiếm hoi trong văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975.

Mạch trần thuật và mạch trầm tư trong Nẻo về của Ý kết hợp khá nhuần nhị. Chúng ta thấy tác giả kể chuyện rất tự nhiên về việc xây dựng Phương Bối am, thậm chí đưa vào văn bản nghệ thuật cả “văn tự bán đất” với lời bình tự trào: “Thế là, Nguyên Hưng ơi, tôi đã trở thành địa chủ rồi đó”. Nhưng có lẽ thú vị nhất là những trang chiêm nghiệm về thiên nhiên, vũ trụ, con người. Nẻo về của Ý hoà trộn các thể loại: bút ký, hồi ký, tự truyện… Nếu những người đọc bình thường khó liên hệ được Nguyên Hưng, Steve… với những ai ngoài đời, thì lại có thể nhận ra ngay nhân vật “tôi” chính là tác giả, với sự xác nhận của văn bản.

So với Nẻo về của Ý, trong Đêm ngủ ở tỉnh (NXB Cảo thơm, Sài Gòn, 1971) và hầu hết truyện ngắn của Hoàng Ngọc Biên, yếu tố sử thi còn mờ nhạt hơn nhiều. Nhà văn – hoạ sĩ này là người am hiểu sâu sắc các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại phương Tây, ông say mê M. Proust và nghiên cứu kỹ lưỡng trào lưu tiểu thuyết mới. Văn xuôi của ông mang yếu tố tự truyện, được thể hiện với kỹ thuật dòng ý thức. Nhưng Hoàng Ngọc Biên còn là một nghệ sĩ dấn thân, nên tinh thần xã hội vẫn lấp lánh trong những trang viết của ông. Truyện ngắn Hoàng Ngọc Biên hoàn toàn không có cốt truyện sự kiện, chỉ có những hình ảnh trôi chảy theo một giọng văn giàu chất thơ. Theo chúng tôi, Hoàng Ngọc Biên là một trong số ít nhà văn viết văn xuôi kỹ thuật và nghệ thuật nhất ở miền Nam. Thật khó mà chọn ra để trích dẫn một đoạn văn của Hoàng Ngọc Biên, bởi vì văn ông đoạn nào cũng tinh tế và phải trích thật dài mới thể hiện hết phong cách của ông. Thử chọn một đoạn cho thấy sự hoà quyện giữa văn tự sự, thi ca và hội họa trong tác phẩm Hoàng Ngọc Biên:

“Tiếng súng giữa khuya làm anh giật mình tỉnh giấc. Cũng vẫn là những tiếng súng anh thường nghe giữa khuya vào những đêm trễ xe chiều phải ngủ lại tỉnh, vẫn là những tiếng súng xa vọng về xen lẫn những tiếng đại bác từ châu thành bắn ra — những âm thanh cuồng nộ giữa cái im vắng tĩnh mịch của đêm khuya nổi lên làm rung chuyển cả căn nhà, cả bốn bức tường vây quanh anh, cả trời đất ngoài kia — nhưng giữa những cơn đau buốt trong tim nhói lên theo mỗi tiếng đại bác, anh mơ hồ thấy hiện lên trong căn phòng, qua các khe cửa và các chấn song dưới trần nhà một thứ ánh sáng màu đỏ nhạt chiếu mù mờ lên những đồ vật khá quen thuộc, chiếc bàn ở đó tối nay trước khi đi ngủ anh đã có ngồi chuyện vãn với vợ chồng người bạn, chiếc ghế dựa trên đó anh đã ngồi hút thuốc một mình hàng giờ trước khi lên giường, chiếc máy thâu thanh, những tranh ảnh lồng kính, những tấm lịch màu, chiếc tủ kính cao, những ly tách, những chồng giấy tờ sách vở ngổn ngang, anh mơ hồ thấy hiện lên trong căn phòng thứ ánh sáng màu đỏ nhạt của những trái hoả châu bên kia sông chiếu mù mờ lên mùng màn chăn gối trên giường anh. Cũng vẫn là những tiếng súng anh thường nghe giữa khuya vào những đêm trễ xe chiều phải ngủ lại tỉnh, nhưng giữa những cơn đau buốt trong tim nhói lên theo mỗi tiếng đại bác, anh chợt tỉnh giấc sợ hãi, tưởng như thấy lại những ngôi trường tiểu học bốc cháy trong buổi rạng đông trên đường đi của anh, tưởng như nghe rõ từ bên kia sông hay từ những quận lỵ và những làng mạc lân cận tiếng kêu khóc của những đoàn người bồng bế xô đẩy nhau chạy qua những cánh đồng đỏ rực hoả châu và lửa đạn” (Đêm ngủ ở tỉnh).

So với những tác phẩm thuộc loại hình văn xuôi - chứng từ trên kia, hình ảnh và tiếng vọng chiến tranh trong Đêm ngủ ở tỉnh dường như được gián cách qua một màn sương của tâm trạng.

Những truyện ngắn khác của Hoàng Ngọc Biên như Buổi sáng, Một góc phố, Thành phố dốc đồi, Quê hương, người về, Người đạp xe vào thành phố buổi sáng, Một đoạn giữa mùa hè (trích tiểu thuyết Về giữa mùa hè) đều là những áng văn xuôi không cốt truyện, gần với những thiên tuỳ bút nên có thể gọi đó là những truyện ngắn – tùy bút.

Trong Văn học miền Nam, Võ Phiến có nhận xét về truyện ngắn Người đạp xe vào thành phố buổi sáng của Hoàng Ngọc Biên: “Trong truyện ông không có nhân danh, không có địa danh. Người chờ chuyến xe là chờ ở tại ga nào? Không biết. Tỉnh nào? Không biết. Định đi đâu? Không biết. Để làm gì? Không biết. Người đạp xe vào thành phố, người ấy tên gì? Ở đâu? Không biết. Người đọc có biết ông ta đạp xe đi mần kiếm sống. Thế thôi. Những cái người đọc biết rõ là trời tối, trời sáng, trời sáng hơn, là dãy tường, con đường, chiếc áo xanh, cái quần không còn màu, v.v... Người viết chỉ ghi nhận những cái ấy. Bằng cái nhìn objectal. Nhìn cái bên ngoài: hình dạng, màu sắc, cử động, khua khuống... Nhìn, và loại trừ mọi xúc động, nhận xét, suy tưởng” (7).

Đó chính là ảnh hưởng của những nhà tiểu thuyết mới như A. Robbe-Grillet, N. Sarraute, M. Butor… Nhưng không hẳn lúc nào Hoàng Ngọc Biên cũng chỉ có cái nhìn khách quan và loại trừ mọi xúc động, nhận xét, suy tưởng: đoạn văn trích từ Đêm ngủ ở tỉnh trên kia là một dẫn chứng. Không phải ngẫu nhiên mà Saint-Exupéry và Hoàng Ngọc Biên cùng yêu thích một câu của Marcel Proust: Il vaut mieux rêver sa vie que la vivre, encore que la vivre ce soit encore la rêver. Tác phẩm của họ là sợ mơ màng về đời sống hơn là chính đời sống ấy.

3. Viết thêm

Vòng đai xanh được tác giả ghi rõ là “tiểu thuyết”, Đêm ngủ ở tỉnh là “tập truyện”, còn những tác phẩm khác mà chúng tôi đề cập trên đây không hề được xác định thể loại trên văn bản. Có thể đó là sự lúng túng trước một phức thể văn học có sự đan xen của nhiều yếu tố; nhưng cũng có thể là tác giả thấy không cần phải minh định thể loại. Cái quyền đó xin dành cho người đọc, người đọc nhìn ra thể loại nào thì tác phẩm thuộc thể loại ấy!

Sự thâm nhập của yếu tố phi hư cấu vào văn bản tác phẩm văn xuôi, qua những ngòi bút tài năng, có thể đem lại những tác dụng tích cực. Trước hết, nó tăng cường tính chất thông tin và giá trị nhận thức của tác phẩm. Có thể nói yếu tố phi hư cấu góp phần “giải hoặc”, mở mắt cho người đọc trước sự thật bị phơi bày. Nó cũng tiên báo cho những hệ luỵ tất yếu của những hiện tượng xã hội được phân tích với tinh thần phê phán.

Bên cạnh đó, yếu tố phi hư cấu xác lập “quan hệ đạo đức” giữa người đọc với thế giới nhân vật. Người đọc ý thức rằng những nhân vật này là những con người có thật ngoài đời với những hành trạng và tính cách được cải biến đi nhưng không phải là bịa đặt. Phán xét những nhân vật ấy cũng chính là phán xét những con người – sản phẩm của lịch sử từng hiện hữu trong cuộc đời. Và ngay cả tác giả cũng chịu sự phán xét đó, nhất là khi chính ông ta không chỉ là chứng nhân mà còn tham dự và trở thành tác nhân của các sự kiện.

Đặc biệt, những yếu tố phi hư cấu làm tăng thêm sức thuyết phục nghệ thuật của chính các yếu tố hư cấu. Đối với những nhà văn non tay, sự kết hợp này có thể trở nên khiên cưỡng, gượng ép trong tình trạng mập mờ, nhiễu loạn thông tin. Nhưng đối với những nhà văn tài năng, yếu tố phi hư cấu sẽ nâng cao chất lượng của sự hư cấu, đó là nghệ thuật hư cấu hoá lịch sử kết hợp với phi hư cấu hoá sự hư cấu. Mà đây là lịch sử hiện đại, gần gũi chứ không phải xa xôi, nên bạn đọc cùng thời có thể kiểm nghiệm bằng tinh thần của chân lý nghệ thuật khiến cho trách nhiệm của nhà văn càng mang tính đòi hỏi cao.

--------

(1) Nguyễn Ngọc Lan: Chứng từ năm năm: hoà bình và quê hương, NXB Trình bầy, Sài Gòn, tr. 23-84.

(2) Nguyễn Ngọc Lan: Lời giới thiệu Tiếng vạc trong sương, Tạp chí Đứng dậy số 49, 01-8-1973, tr. 88.

(3), (4), (5), (6) Nguyễn Trọng Văn: Đọc Vòng đai xanh, Tạp chí Văn mới, số 1, ngày 15-10-1971, tr. 79, 82, 86.

(7) Võ Phiến: Văn học miền Nam.  Truyện (Cuốn 1), NXB Văn nghệ, California, 1999, t. 780.