BÀN GÓP VỀ TIẾP THỤ VÀ ĐỔI MỚI TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC In
Thứ hai, 19 Tháng 12 2011 16:50

TS. Phạm Tuấn Vũ


Một trong những thành tựu của lý luận văn học cuối thế kỷ XX là gọi ra đích danh thuộc tính quan trọng nhất của văn bản văn chương là liên văn bản. Lịch sử từng bước vô thức và có ý thức tiếp cận thuộc tính này ở phương Đông và phương Tây đều có thể tính bằng hàng chục thế kỷ. Việc nhận thức đạt đến hệ thống, có chiều sâu và tìm được cách định danh thích đáng như vậy - mượn cách diễn đạt của cố thi sĩ Chế Lan Viên - là “giờ của số thành”.

Đã thừa nhận thuộc tính này của văn bản thì cũng đương nhiên phải thấy rằng khi sáng tạo ra chúng, người ta luôn đứng ở lằn ranh giữa tiếp thụ những thành tựu hữu quan và đồng thời phải đổi mới những thành quả đó. Đây là một song đề vừa tất yếu vừa có ý thức. Chỉ những ai có năng lực hiện thực hóa được những điều này mới xứng danh tác giả.

Dù không phải nhà nghiên cứu văn học, đọc Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu, tự là Tông Cát (1347-1433) nhà văn Trung Quốc và Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ nhà văn Việt Nam thế kỷ XVI, người ta cũng thấy sự gần gũi giữa chúng. Sắp xếp hai trước tác này theo trình tự thời gian, có thể nói ngay được là Nguyễn Dữ đã tiếp thụ nhiều ở nhà văn phương Bắc. Và dù không phải nhà nghiên cứu chuyên sâu cũng có thể sắp được những cặp truyện tương ứng.

Trong tình hình tư liệu hiện nay có thể khẳng định được Hà Thiện Hán là người đầu tiên viết về mối liên hệ này. Trong Tựa Truyền kỳ mạn lục (viết năm 1547), họ Hà khẳng định: “Xem văn từ của sách thấy không ra ngoài phên dậu của Cù Tông Cát”(1). Hậu thế trân trọng sự tiên phong của Hà Thiện Hán đồng thời cũng thấy rằng sự định tính này quả có tạo nên đường hướng bất lợi cho việc thụ cảm và định giá tác phẩm của Nguyễn Dữ. Cho đến nay, dù với động cơ gì, cô lập hóa quan hệ của hai tác phẩm này đều không hợp lý. Viết như Trần Ích Nguyên nhà nghiên cứu Đài Loan thỏa đáng hơn: “Cù Hựu và Nguyễn Dữ thực ra đều là những nhà sáng tác tiểu thuyết giỏi cắt xén. Tân thoại kế thừa cơ sở chí quái truyền kỳ đời trước, chọn lấy những tư liệu có sẵn trong thơ văn bút ký, Mạn lục ngoài việc mô phỏng phần dinh dưỡng mà Tân thoại hấp thụ, còn viết lại thần thoại chí quái của đất nước Việt Nam”(2). Mà thực ra còn phải nhìn nhận trường hợp này nằm trong thông lệ của văn học trung đại thế giới mà nhà nghiên cứu B.A. Gripxốp nhận thấy: “Nhà văn trung cổ không sáng tạo ra những cốt truyện mà dường như chỉ kể lại và kết hợp lại những môtíp xa xưa, khi thì bằng văn xuôi, khi thì bằng thơ”(3).

Đến nay đã có một số công trình của các tác giả trong nước và ngoài nước nghiên cứu hai tác phẩm này trong sự đối sánh những phương diện và cấp độ khác nhau nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Ở đây tiến hành hai sự đối sánh. Với nhãn quan của văn học so sánh, chúng tôi sẽ cố gắng chỉ ra sự tương đồng và khác biệt lớn của Tản Viên từ phán sự lục (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên) thuộc Truyền kỳ mạn lục với Thái Hư tư pháp truyện (Chức tư pháp ở điện Thái Hư) thuộc Tiễn đăng tân thoại. Đây là hai truyện của hai quốc gia nhưng đồng loại hình văn học trung đại, cùng thể loại truyện truyền kỳ và đều viết bằng chữ Hán.

Chúng tôi cũng đối sánh truyện Nam Xương nữ tử lục (Chuyện người con gái Nam Xương) thuộc Truyền kỳ mạn lục với Người thiếu phụ ở Nam Xương, một truyện dân gian Việt Nam. Hai truyện này đều của văn học Việt Nam nhưng khác loại hình. Sự đối sánh này chủ yếu chỉ ra những sự khác biệt lớn,cho thấy Nguyễn Dữ đã đồng hóa một chất liệu văn học dân gian Việt Nam để tạo nên một văn bản văn chương bác học đậm đà thuộc tính của truyện truyền kỳ.

Trước hết là sự đối sánh hai truyện cùng thể loại truyền kỳ.

Nhan đề hai truyện có sự gần gũi, cho thấy cả hai truyện đều viết về người làm công việc xét xử ở những nơi không chỉ quan trọng mà còn rất thiêng liêng (điện Thái Hư ở Trung Quốc và đền Tản Viên ở Việt Nam).

Cách mở đầu hai truyện cũng tương đồng. Truyện Chức tư pháp ở điện Thái Hư viết: “Phùng Đại Dị, tên chính là Kỳ, một cuồng sĩ ở miền Ngô, Sở, thường cậy tài kiêu ngạo, không tôn kính quỷ thần”. Truyện Chức phán sự ở đền Tản Viên viết: “Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khẳng khái nóng nẩy, thấy sự gian tà thì không chịu được…”.

Đoạn văn mở đầu hai truyện đều giới thiệu về nhân vật trung tâm gồm tên, quê quán và khái quát tính cách, sau đó diễn tả cụ thể hơn những cách hành xử. Cũng ngay những dòng đầu tiên này đã báo hiệu những sự khác biệt lớn. Phùng Đại Dị không hề có những phẩm chất của kẻ sĩ chân chính (chúng ta đều biết thánh nhân luôn yêu cầu kẻ sĩ phải khiêm cung với đồng loại và tôn kính quỷ thần)(4). Cù Hựu đặt tên cho nhân vật này là Dị, Kỳ là có ẩn ý sâu xa. Đây là hai từ đồng nghĩa, đều chỉ sự khác thường. Chúng hô ứng với sự định tính “cuồng sĩ”. Thông tin về quê quán của Tử Văn cụ thể hơn.

Ngô Tử Văn căm ghét yêu quái (vốn là hồn ma một tên tướng phương Bắc sang xâm lược) nhũng nhiễu. Thái độ đó biểu lộ cao độ khi chàng châm lửa đốt ngôi đền nơi yêu quái trú ngụ. Hành động này cơ bản không phải biểu thị quan niệm về cái siêu hình mà bộc lộ sự căm phẫn cái phi nghĩa. Đức Khổng Tử dạy: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa không làm thì không phải kẻ có dũng khí - Luận ngữ). Việc làm này khác hẳn việc đốt đền trong ý niệm của người phương Tây.

Sau phần mở đầu, sự khác biệt giữa hai truyện càng lớn, hai nhân vật này khác biệt đến mức không có điều gì gợi đến nhau nữa.

Phần lớn dung lượng còn lại của Chức tư pháp điện Thái Hư mô tả những lần lũ quỷ hành hạ Phùng Đại Dị. Nạn nhân nhiều lần cố chạy nhưng không thoát, chỉ còn biết chịu đựng. Trước khi lũ quỷ thực hiện những cực hình, quỷ vương tuyên án Phùng. Người đứng đầu thế giới quỷ được nhân hóa, dẫn Khổng Tử, Kinh Dịch, Tiểu Nhã, Tả truyện để khẳng định rằng sự tồn tại của chúng đã được người đời công nhận. Sau đó lũ quỷ trừng trị Phùng Đại Dị bằng những trò độc địa và oái oăm, hoặc kéo dài thân thể, hoặc “nén lại còn hai gang, tròn xoe như hai con cua lớn”.(Những cực hình này quả gợi ta nhớ đến câu chuyện về cái giường của Prôcus được lưu truyền ở phương Tây). Phùng Đại Dị vừa phải chịu cực hình vừa phải hứng chịu sự chế diễu cay độc. Sau đó lũ quỷ cắm sừng lên đầu Đại Dị, lấy miệng bằng sắt như mỏ chim gắn lên môi anh ta, nhuộm tóc đỏ và gắn cho hai con ngươi xanh. Bộ dạng anh ta thực sự bị quỷ hóa, đến mức vợ con không dám nhận, trẻ con sợ hãi và người lớn lấy làm trò tiêu khiển. Những lần Phùng Đại Dị ra tay với ma quỷ trước đây xem ra chưa thấm vào đâu so với sự trả thù này. Kết quả là anh ta “uất ức mà chết”. Hồn ma Phùng kiện lên trời, được xử thắng và anh ta được cử làm chức tư pháp điện Thái Hư.

Phần lớn dung lượng còn lại của Chuyện chức phán sự đền Tản Viên tự sự về những điều như là hệ quả của việc Tử Văn đốt đền. Hồn ma tên tướng phương Bắc đến đòi chàng trả nơi trú ngụ. Cách y kết tội Tử Văn rất giống quỷ vương kết tội Phùng Đại Dị. Xem ra những lý lẽ không đủ để tác động tới Tử Văn, y dọa sẽ đến nơi quan yếu để kiện.

Cao trào của truyện là đoạn mô tả hồn Tử Văn đấu lý ở âm phủ. Chàng có chính nghĩa, có chí khí, lý lẽ chặt chẽ nên thắng lợi. Sau khi mất, chàng được cử làm phán sự đền Tản Viên, nơi thờ đệ nhất anh linh trong tứ bất tử của Việt Nam.

Tóm tắt văn chương là điều tối kỵ vì phương hại đến nhiều giá trị cá biệt và sinh động bằng ngôn từ, những điều tạo nên sức sống của nó. Phải làmn điều này quả là bất đắc dĩ.

Lời bình ở cuối truyện của Nguyễn Dữ có đoạn viết: “Ngô Tử Văn là một anh hùng áo vải. Vì cứng cỏi cho nên dám đốt cháy đền tà, chống cãi yêu quỷ, một lần ra tay mà mối hận của cả thần và người đều được rửa. Nhân thế nức tiếng mà được giữ chức vị ở Minh tào, thật là xứng đáng”.

Hiển nhiên là Phùng Đại Dị không xứng với một từ ngữ nào trên đây!

Nhân đây cũng xin lưu ý điều sau được trình bày trong một tài liệu chính thống hiện hành: truyện này “kể về cuộc đấu tranh sống còn giữa hai thế lực: một bên là con người (do Ngô Tử Văn đại diện), một bên là thần linh ma quỷ (Minh ti, hồn viên bách hộ họ Thôi…)”(5). Hiển nhiên là viết như vậy thật khiên cưỡng. Thổ thần xếp vào đâu?. Việc nhân vật này sát cánh với Tử Văn trong cuộc đấu tranh đòi công lý là điều không khó thấy. Tưởng như chỉ là sơ suất nhỏ nhưng thực ra làm phương hại đáng kể đến truyện này với tư cách là một truyện truyền kỳ. Vấn đề cơ bản ở đây không phải đấu tranh giữa hai cõi mà là đấu tranh giữa các giá trị.

Truyện Chức tư pháp ở điện Thái Hư của Cù Hựu không có mảy may chút nào dư âm của cuộc đấu tranh xã hội, trong khi Chuyện chức phán sự ở đền Tản Viên của Nguyễn Dữ ánh xạ của đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc rất rõ rệt. Ngay lời Diêm Vương cũng có chỗ ám chỉ thời buổi suy đồi. N.I. Nikulin nhà Việt Nam học xuất sắc coi truyện này là “hồi âm của cuộc đấu tranh giải phóng”(6).

Hẳn nhiên là viết Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ có chịu ảnh hưởng của truyện Chức tư pháp ở điện Thái Hư của Cù Hựu, rõ nhất là ở cấu trúc của truyện. Nhà văn Việt Nam này chủ tâm viết khác và đã sáng tạo nên một truyện đậm đà tính dân tộc và tính thời đại, in đậm cá tính văn chương. Nguyễn Dữ đã thực sự hoán cốt đoạt thai một tác phẩm Trung Hoa.

Người xưa nói nếm một miếng biết cả vạc. Đối sánh hai truyện chúng ta đã thấy nhiều sự khác biệt có ý nghĩa do Nguyễn Dữ sáng tạo nên, bởi vậy khó hình dung rằng các truyện khác của nhà văn Việt Nam này lại “không ra ngoài phên dậu của Cù Tông Cát”.

Một sự đối sánh nữa cũng có ý nghĩa, đó là đối sánh truyện của Nguyễn Dữ và truyện dân gian Việt Nam cùng kể về thiếu phụ Nam Xương. Để cho công việc này có ý nghĩa, cần lưu ý một số điều.

Trong nguyên ủy của nó, truyện dân gian tồn tại dưới hình thức truyền miệng và điều này quy định nhiều phương diện của nó như dung lượng không lớn, tự sự theo tuyến tính, nhân vật chủ yếu được thể hiện qua hành động,.. Khi được văn bản hóa, các truyện dân gian ít nhiều bị đồng hóa bởi nhiều yếu tố thuộc người ghi, của văn học viết và không khí văn hóa xã hội đương thời. Bởi vậy nghiên cứu truyện dân gian chủ yếu bám sát vào cốt truyện với các chi tiết chính yếu, cần cân nhắc những tiểu tiết có thể do người ghi sáng tạo.

Truyện truyền kỳ là một thể loại của văn học viết thời trung đại, bắt nguồn từ Trung Quốc và được sử dụng trong nhiều nền văn học ở châu Á. Truyện truyền kỳ đời Đường hưng thịnh, điều đó khiến cho có nhà nghiên cứu Trung Quốc trước đây cho rằng thành tựu của thể loại này sánh được với thơ đương thời, còn phần lớn nhà nghiên cứu thì cho rằng nó chỉ đứng sau thơ. Lỗ Tấn nhận định rằng đến đời Đường văn nhân đã có ý thức làm tiểu thuyết (7). Chúng tôi hiểu rằng văn hào nói tới ý thức của tác giả đương thời về vai trò của hư cấu và vai trò của ngôn ngữ văn chương.

Đối sánh Chuyện người con gái Nam XươngNgười thiếu phụ ở Nam Xương cần thấy được sự khác biệt tất yếu do chúng thuộc hai loại văn bản (chẳng hạn ngôn ngữ của văn bản ghi truyện dân gian và phong cách văn ngôn của truyện truyền kỳ) và sự khác biệt chủ yếu do tài năng và cá tính sáng tạo của tác giả.

Truyện dân gian Người thiếu phụ ở Nam Xương nhiều người đã biết, vả lại các chi tiết chính yếu của nó được Nguyễn Dữ sử dụng lại trong nửa đầu tác phẩm của mình, những điều này khiến chúng tôi thấy có thể bỏ qua khâu tóm tắt truyện (một việc mà tự thân đã là bất đắc dĩ).

Thoạt nhìn đã thấy Nguyễn Dữ còn sáng tạo nên một thế giới khác so với cõi trần thế mà truyện dân gian tái hiện và bản thân nhà văn này cũng tái sử dụng. Việc miêu tả thế giới khác này chiếm một nửa dung lượng truyện và quan trọng hơn, nó tạo ra nhiều sự khác biệt lớn về tư tưởng thẩm mỹ, làm nên một truyện truyền kỳ đích thực.

Yếu tố siêu nhiên kỳ ảo phổ biến trong truyện cổ tích của các tộc người ở Việt Nam và trên thế giới nhưng truyện Người thiếu phụ ở Nam Xương “hoàn toàn không có yếu tố siêu nhiên kỳ ảo; không hề có nhân vật thần, tiên, ma, quái”(8). Với nhãn quan hiện thực giản dị, tác giả dân gian kể về sự tích một ngôi miếu ở huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nam xưa. Thân phận của người đàn bà được thờ nơi đây dù chỉ được tái hiện qua không nhiều chi tiết nhưng hiện rõ một bi kịch điển hình cho phận đàn bà trong xã hội nam tôn nữ ti.

Việc Nguyễn Dữ tìm đến với truyện dân gian này (hiện vẫn chưa có chứng cứ cho biết đương thời truyện này đã được nhà nho dùng chữ Hán hay chữ Nôm ghi lại hay chưa) thoạt tiên là theo lẽ phải thông thường. Người ta thấy rằng ở những thế kỷ đầu, văn xuôi bác học của các dân tộc đều gần gũi với truyện dân gian. Tuy nhiên, sâu xa hơn, đây là một trong những sự lựa chọn với ý thức sâu sắc của nhà văn nhân đạo chủ nghĩa. Truyền kỳ mạn lục có nhiều nhân vật nữ. Họ đều có số phận bi kịch, mỗi người mỗi vẻ. Nguyên nhân đa dạng hơn hẳn nguyên nhân bi kịch của các nhân vật nữ trong Tiễn đăng tân thoại, rõ nhất là liên hệ mật thiết với bi kịch của dân tộc và đất nước. Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, nàng Nhị Khanh bị chồng đem đi thế cho món tiền trong một canh bạc của hắn. Trong văn học Việt Nam trung đại, Nguyễn Dữ là người đầu tiên viết về hiện tượng người đàn bà bị vật hóa. Đã nhiều thế kỷ, câu chuyện về thiếu phụ ở Nam Xương trở thành một tài sản văn hóa chung, nhưng đến nay có thể kết luận rằng bi kịch ấy chưa tác động đến người nào sâu sắc như Nguyễn Dữ(9).

Với nhãn quan của một tác giả truyện truyền kỳ, Nguyễn Dữ đã sáng tạo nên thế giới sinh động liên quan đến sự tồn tại của thiếu phụ Nam Xương sau khi quyên sinh.

Xưa nay các thể loại văn chương đích thực đều có những đặc thù trong quan niệm về tự nhiên, xã hội và con người. Trong văn xuôi Trung Quốc và Việt Nam thời trung đại, truyện truyền kỳ là thể loại có nhiều khác thường nhất về các phương diện trên, mặc dầu ai cũng biết, đại đa số tác giả truyện truyền kỳ là nhà nho, những người mà tư duy duy lí ngự trị. Ở thể loại này thế giới siêu hình tồn tại đan xen với thế giới thực của con người, được sáng tạo nên bằng sự mô phỏng thế giới thực. Trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh (nhà văn Trung Quốc cuối đời Minh đầu đời Thanh), ma cũng có quan hệ luyến ái, cũng sinh đẻ. Ma cũng phải lo sinh kế, cũng ốm đau và cũng …chết (!). Ma chết thành mị. Đồng thời, với trí tưởng tượng phóng túng (tương hợp với bản chất của văn chương) các tác giả của thể loại này còn sáng tạo nên thế giới khác so với thế giới hiện sinh. Đây không phải là độc hữu nhưng quả không thể loại nào sánh được.

Thời Nguyễn Dữ, ngay cả những trí tuệ siêu việt nhất cũng không thể hình dung một quần thể mà không có tôn ti. Ở biển cũng thế, Nam Hải Long Vương đứng đầu. Quan trọng hơn là chỗ nơi đây có những giá trị mà cõi trần không có. Phan lang được đền ơn cứu tử bằng việc trả lại sự sống. Trên cõi trần, Vũ nương bị chồng coi là mất nết hư thân, hàng xóm biện bạch cho cũng không gột được nỗi oan, thì xuống đây được chư tiên trong thủy cung thương vô tội.

Sáng tạo nên cuộc hội ngộ giữa Phan lang và Vũ nương là một thành công của Nguyễn Dữ. Nhân vật Vũ nương có nhiều cơ hội để trữ tình, bộc lộ nỗi niềm oan khuất và nối được mối liên hệ với chàng Trương trên cõi trần.

Hiển nhiên là truyện của Nguyễn Dữ có các giá trị phong phú và phức tạp hơn. Cảm nhận về nhân vật chàng Trương, Vũ nương và đứa trẻ trong truyện dân gian, một nhà nghiên cứu cho rằng “mỗi người đều rất tốt”(10). Hẳn là không thể đưa ra phán đoán đơn nhất như vậy về nhân vật chàng Trương trong truyện của Nguyễn Dữ.

Đọc truyện của Nguyễn Dữ không thể không đối diện với câu hỏi đâu là nguyên nhân bi kịch của Vũ nương, và thực tế cho thấy cho đến nay điều này vẫn còn phải tiếp tục ngẫm nghĩ. Có người cho rằng do “sự vô tình của con trẻ”, “sự cả ghen của Trương Sinh” và cả “những cuộc chiến tranh phi nghĩa”(11). Đây cũng là ý kiến của tác giả bài viết trong Giảng văn văn học Việt Nam trung học cơ sở(12). Có nhà nghiên cứu thì cho rằng “sự tan nát hạnh phúc của Vũ Nương đã bắt đầu từ cái bóng của chính Vũ Nương”(13) và “cho rằng Vũ Nương tan nát là vì chiến tranh” “là hoàn toàn sai”(14).

Theo chúng tôi, ở đây cần phân biệt nguyên nhân với nguyên cớ và nhất là phải bám sát hơn nữa vào văn bản. Ngay ở dòng thứ ba của truyện và là dòng đầu tiên viết về Trương sinh (theo bản dịch), tác giả viết: “Trương có tính hay ghen, đối với vợ phòng ngừa thái quá”. Chả lẽ nội dung và vị trí của thông tin này không đáng chú ý sao?

Khi nghe lời bé Đản nói: “Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ đi ông ấy cũng đi, mẹ ngồi ông ấy cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả” thì “Tính chàng hay ghen, nghe đứa con nói vậy, tin chắc đinh ninh là vợ hư không còn có cách gì thảo cởi ra được”. Sau đó “Họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng cũng chẳng ăn thua gì cả”. Ngay cả khi nghe vợ giãi bày thảm thiết, tuyệt vọng, anh ta cũng không hề lay chuyển. Ghen, lấy suy nghĩ chủ quan của mình thay cho việc thực sự cầu thị, coi nhẹ nhân phẩm và tính mạng của vợ... Đó chính là nam quyền. Còn từ nào định danh thỏa đáng hơn?

Cái bóng người trên vách là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Dữ, là một chi tiết có ý nghĩa tạo tình huống, thúc đẩy câu chuyện, nhưng có lẽ không nên biến nó thành một biểu tượng triết học. Ở đây chiến tranh thực sự trở thành một liều thuốc thử độc địa, làm cho bản tính ghen của Trương sinh thêm nồng nã. Tuy nhiên vai trò của cái bóng và của chiến tranh không thể đặt ngang hàng với bản tính của nhân vật người chồng. Anh ta “giải mã” các tín hiệu cơ mà! Chân lý nhân sinh thường có tính chất tổng hợp. Điều này khiến cho máy móc không thay được con người trong việc phân tích văn chương và giải quyết nhiều vấn đề khác của đời sống.

Cảm nhận về nhân vật Trương sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, chắc không ai đưa ra giả định như có nhà nghiên cứu cảm nhận về Trương sinh trong truyện dân gian Người thiếu phụ ở Nam Xương: “Anh không thể chết theo vợ vì còn đứa trẻ”(15).

Kết thúc truyện này của Nguyễn Dữ không chỉ khác truyện cổ tích Người thiếu phụ ở Nam Xương mà còn khác hẳn truyện dân gian nói chung. Truyện cổ tích này kết thúc bi kịch, còn theo cách phân chia truyền thống, truyện của Nguyễn Dữ kết thúc có hậu. Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt lớn ở chỗ tưởng như tương đồng này. Trong truyện dân gian kết thúc có hậu, nhân vật được ban thưởng những giá trị cụ thể thiết thực, còn ở đây là sự tôn xưng theo cảm hứng nhà Phật. Truyện viết: “Vũ nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, theo sau lại có đến hơn năm mươi chiếc xe nữa”. Không phải tác giả sơ ý khi cho xuất hiện các phương tiện không hợp với sông nước. Đây là tư duy của truyện truyền kỳ. Nếu cứ dùng lôgíc đời sống để phán xét thì không có loại tác phẩm này.

Cuối cùng nhân đây xin bàn về một số điều có tính chất kỹ thuật.

Dịch Truyền kỳ mạn lục thành “Sao chép tản mạn các truyện lạ”(16) hay “Ghi chép tản mạn các truyện truyền kỳ”(17) đều là trực dịch, dễ gây hiểu lầm. Mạn lục chủ yếu không chủ yếu cho biết cung cách ghi chép mà là biểu thị sự khiêm tốn về công trình của mình, rất gần với cách diễn đạt tiểu lục của Lê Quý Đôn ở Kiến văn tiểu lục. Nhưng tai hại nhất là những chữ “ghi chép”, “sao chép”. Trước khi Nguyễn Dữ cầm bút trước tác, làm gì đã tồn tại những thực thể tinh thần hoàn chỉnh như vậy? Chỉ cần nhìn vào việc nhà văn này khai thác một sự tích dân gian như vừa nói trên đủ rõ.

Nam Xương nữ tử lục dịch thành Chuyện người con gái Nam Xương thoạt nhìn thì thấy dịch trung thành, nhưng thực ra không hợp với nội dung của truyện. Ngay từ đầu truyện, nhân vật Vũ nương đã là vợ Trương sinh, sau đó thành chinh phụ rồi tiết phụ.

Nhiều nơi tên người chồng của Vũ nương viết là Trương Sinh (chữ Sinh viết hoa) gây ngộ nhận là tên riêng của nhân vật. Thực ra đây là danh từ chung, ban đầu chỉ học trò sau gọi chung những người đàn ông trẻ tuổi. Ví dụ trong Truyện Kiều, Kim Trọng nhiều lần được gọi là sinh, chẳng hạn Sinh rằng: “Lân lý ra vào…” (câu 311), Sinh rằng: “Rày gió mai mưa…” (câu 337), Sinh rằng: “Phác họa vừa rồi…” (câu 401)... Ngọc phả miếu thờ Vũ nương cho biết người chồng tên khác.

Tương tự, nương trong Vũ nương, lang trong Phan lang là danh từ chung, không phải tên riêng. Một số nơi in hoa những chữ này cũng gây ngộ nhận. Những điều này có thể kiểm chứng ở học sinh phổ thông, sinh viên, học viên cao học và cả giáo viên nữa.

 

 

Chú thích:

(1)              Cù Hựu: Tiễn đăng tân thoại, Nguyễn Dữ: Truyền kỳ mạn lục. Nxb Văn học & Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, 1994, tr.7-8. Chúng tôi nghiên cứu dựa trên văn bản này.

(2)              Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu so sánh Tiền đăng tân thoại & Truyền kỳ mạn lục, Nxb Văn học & Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, 2000, tr.283.

(3)              Dẫn theo B.L. Riptin: Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học trung cổ của phương Đông theo phương pháp loại hình, Tạp chí Văn học số 4/1974, tr.115.

(4)              Trong Luận ngữ (thiên Ung dã), đức Khổng tử dạy học trò kính quỷ thần nhi viễn chi.

(5)              Ngữ văn 10, tập hai (nâng cao), Nxb Giáo dục, 2006, tr.79.

(6)              Nikulin: Dòng chảy văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa - thông tin, 2006, tr.188.

(7)              Lỗ Tấn: Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002, tr.327.

(8)              Hoàng Tiến Tựu: Bình giảng truyện dân gian, Nxb Giáo dục, 1997, tr.144.

(9)              Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) một chí sĩ Đông du cũng dùng chữ Hán ghi lại sự tích dân gian này. Bản dịch ra tiếng Việt 1 trang 14,5 cm x 20,5 cm. Xem Nguyễn Thượng Hiền: Tuyển tập thơ văn, Nxb Lao động & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2004, tr.347-348.

(10)         Hoàng Tiến Tựu: Bình giảng truyện dân gian, sđd, tr.144.

(11)         Để viết được bài tập làm văn hay lớp 9, Nxb Giáo dục, 1996, tr.94

(12)         Nxb Giáo dục Việt Nam 2010, tr.130-131.

(13)         (14) Tuyển tập 15 năm Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, tập hai, Đi tìm vẻ đẹp văn chương, Nxb Giáo dục, 2008,

tr.68-71.

(15)         Hoàng  Tiến Tựu: Bình giảng truyện dân gian, sđd, tr.148.

(16)         Nguyễn Dữ: Truyền kỳ mạn lục, Nxb Văn nghệ & Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh, 1988, tr.236.

(17) Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004, tr.1124.