Miếu Thất Vị hé lộ dấu tích hài cốt hoàng tộc nhà Tây Sơn? In
Chủ nhật, 20 Tháng 5 2012 03:44
5:35, 09/01/2012

Miếu Thất Vị ở làng La Qua.

Bị Vua Gia Long trả thù và hành tội tàn khốc, mộ phần và hài cốt của Quang Trung Hoàng đế và một số nhân vật danh tiếng khác trong hoàng tộc và hàng ngũ cận thần của nhà Tây Sơn từ đó đã mất dấu. Gần đây, giới khoa học đã tìm ra những trùng hợp thú vị về các nhân vật huyền thoại được dân gian thờ cúng trong miếu Thất vị với những dấu tích lịch sử liên quan đến những con người lẫy lừng của một vương triều.

Tín hiệu lịch sử quanh truyền thuyết về Miếu Thất Vị

Miền đất giữa hai sông Vĩnh Điện và Thu Bồn, từng có thủ phủ của Quảng Nam xưa, như Dinh trấn Thanh Chiêm thời chúa Nguyễn (1558 - 1775) và thành tỉnh Quảng Nam thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), thương cảng Hội An sầm uất và những làng nghề nổi tiếng như Phước Kiều, Kim Bồng… Đó là vùng có bề dày văn hóa lịch sử rõ nét.

Miếu Thất vị ở làng La Qua (thuộc thôn Trung Phú, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Dân gian từng truyền khẩu nhiều truyền thuyết về các vị thần được thờ ở miếu Thất vị,  hằng năm, dân làng thường tổ chức tế lễ "xuân thu nhị kỳ" trọng thể. Với áo khoác truyền thuyết đậm chất hoang đường... dường như có một cốt lõi lịch sử nào đó, xảy ra vào đầu thế kỷ XIX, mà người xưa muốn gửi lại hậu thế (?).

Ở Thừa Thiên-Huế cũng có Miếu Thất vị (còn gọi là Bảy Miếu) ở xóm Kim Bồng (nay là làng Hòa An, xã Phú Thanh, huyện Phú Vang), gần làng Qui Lai. Liệu có mối quan hệ giữa Miếu Thất vị làng La Qua ở Quảng Nam và miếu Thất vị xóm Kim Bồng ở Thừa Thiên-Huế hay không? Vén bức màn truyền thuyết thần bí quanh các vị thần được dân gian thờ phụng trong các miếu, dường như nhiều chi tiết khuất tất của lịch sử đã bắt đầu lộ ra?

Các vị bô lão của làng La Qua truyền khẩu rằng, ngày xưa có khi làng bị hạn hán mất mùa ba năm liền, rất thống khổ. Diêm Vương thương tình, bèn sai 7 người con gái của ngài rời địa phủ để lên dương thế cứu dân làng. Đang  giúp dân thoát khỏi nạn đói nghèo thì xảy ra việc binh đao, Diêm Vương sợ 7 ái nữ  không đủ sức chống đỡ nên đưa ngay người con trai thứ tám của ngài lên hỗ trợ, kết quả dân làng thoát khỏi tai ương. Nhớ ơn hộ trì, dân làng La Qua lập Miếu Thất vị để thờ 7 vị nữ thần và lập một am nhỏ trong khuôn viên miếu để thờ vị nam thần.

Có khả năng, qua truyền thuyết, người xưa muốn gửi lại hậu thế những thông tin về các sự kiện lịch sử mà  nhà nước phong kiến đương thời nghiêm cấm: dân làng bị đói khổ và điêu linh vì chiến tranh, có các anh hùng lịch sử hộ trì, 7 vị có công trước và về sau có một vị nữa. Và quả thật, ở làng La Qua còn có một truyền ức khác về miếu Thất vị, đậm tính lịch sử chứ không hề hoang đường.

Tác giả An Trường trong bài “Truyền thuyết miếu Thất vị”, đăng trên báo điện tử Đà Nẵng (13/12/2009) đã thuật lại: "Còn theo những vị cao niên thôn Trung Phú, thì tương truyền rằng vào năm 1814, đời Vua Gia Long (1802 - 1820), tại gò Rừng xứ Dương Thần, làng La Qua, huyện Diên Phước (nay là huyện Điện Bàn) dân làng đã phát hiện 7 tảng đá nhỏ, hình nón úp, có dạng hao hao giống mặt người, mọc kế cận nhau. Từ khi 7 hòn đá này xuất hiện, khu rừng xứ Dương Thần đã xảy ra nhiều hiện tượng thần bí và kỳ lạ, nhất là vào lúc giữa trưa và giữa đêm nên dân làng trong vùng rất hoang mang, kiêng sợ. Thế rồi, bỗng một hôm có một người từ hướng Nam đến đây, ứng khẩu xưng rằng: “Ta là vua Mây, chúa Lồi, nữ thần xuất thế để cứu độ chúng sanh". Dưới vỏ che thần thánh, dường như người xưa ở xứ Quảng có mục đích tưởng niệm những nhân vật lịch sử gắn bó với sự kiện lịch sử nào đó.

Trong bài “Dinh Thầy Thím”, tác giả Phan Chính viết về lễ hội Dinh Thầy Thím ở Hàm Tân (Phan Thiết, Bình Thuận), có thuật lại sự tích người được dân gian gọi là  Thầy. Điều đáng chú ý là Thầy lại xuất thân từ làng La Qua! Trong bài có đoạn:

"Chuyện xưa kể rằng: Dưới thời Gia Long, tại làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, có nghĩa cử cao đẹp hành đạo giúp đời. Quê làng của đạo sĩ từ nhiều đời đắng cay nghiệt ngã, quanh năm đói ăn thiếu mặc như mắc tội với đất trời. Do đó, nỗi bức xúc của dân làng là làm sao có một mái đình để dâng lời cầu nguyện, rước phép an lành.

Cảm thấu được nỗi mong ước sâu xa đó, đạo sĩ tập họp những kỳ lão, trai tráng trong làng thông báo ý định ra tay giúp việc dựng đình nhưng với điều kiện phải dọn sẵn một nền đất rộng và trong thời gian dựng đình không một ai lai vãng. Mọi người đều bán tín bán nghi nhưng vẫn làm theo đạo sĩ. Trong khi đó ở làng Bát Nhị vừa xây một ngôi đình thật nguy nga nhưng các hương chức cậy giàu, lại có lời xúc phạm, khinh khi dân làng bất hạnh không xây nổi mái đình. Đạo sĩ bình tâm khuyên dân làng nhẫn nhục và chờ đợi. Không bao lâu, sau một đêm mưa to gió lớn, sấm sét đầy trời dân làng được tin vui đã có ngôi đình mới. Ai cũng vui mừng, đến nơi dọn đất trước đây đã thấy sừng sững ngôi đình ngói đỏ. Niềm vui lẫn kinh ngạc của dân làng chưa nguôi thì lại nghe tin dữ bên làng Bát Nhị bị mất đình. Thế là bọn hào lý nổi cơn thịnh nộ, cấp báo lên quan tố cáo đạo sĩ là phù thủy dùng phép ma tà thuật đánh cắp đình làng.

Lúc bấy giờ dưới triều Tự Đức ra lệnh bắt đạo sĩ, khép tội gây rối và mưu bạo loạn. Vua bèn ra hình phạt "Tam ban triều điển" (tức tội hình chết chém, uống độc dược hoặc thắt cổ). Giữa pháp trường, đạo sĩ cùng vợ điềm nhiên và xin cấp một tấm lụa điều, xếp hình chim phượng. Sau khi dùng mực điểm nhãn, dải lụa điều biến thành chim phượng mang cả hai vợ chồng bay về phía Nam".

Sự kiện Thầy dùng phép thần thông di chuyển ngôi đình của làng Bát Nhị sang làng La Qua có màu sắc thần thoại mang âm hưởng "lấy của nhà giàu đem cho người nghèo"… Chính sự kiện vị đạo sĩ bị triều đình nhà Nguyễn ghép tội chết… đã thúc giục giới khoa học tìm cách kiến giải nguồn gốc miếu Thất vị làng La Qua vậy.

Xã Phú Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) nguyên là làng Qui Lai, do ngài Phạm Như Nghi, vị  khai sinh ra  họ Phạm Hữu, khai khẩn xây dựng nên vào thế kỷ XVII, thời chúa Nguyễn Hoàng. Ngài Phạm Như Nghi được nhà Nguyễn sắc phong là "Bổn thổ Thành Hoàng khai khẩn nguyên thần Phạm Quý công, trước phong Dực Bảo Trung Hưng linh phò gia tặng Đoan Túc tôn thần".

Phía tây nam làng Qui Lai, cuối làng, ven sông, có xóm Kim Bồng, theo truyền ức là xóm của những lính thợ đóng thuyền bè phục vụ thủy quân triều chúa Nguyễn, triều Tây Sơn và triều vua Nguyễn. Hàng trăm năm trước, xóm này đa phần là dân ngụ cư, gồm những kíp thợ của làng Kim Bồng ở Quảng Nam được vua chúa triều Nguyễn trưng tập để làm việc ở xưởng đóng thuyền. Gần xóm Kim Bồng, nay là làng Hòa An, bên đường làng có miếu Thất vị, dựng hàng ngang bên đường làng, quay về hướng tây nam.

Sư Thích Phước Nghiêm, trụ trì chùa sắc tứ Từ Vân ở Qui Lai cho biết ở cồn làng Qui Lai ngày xưa có ngôi miếu thờ một vị tướng Tây Sơn, từng đóng quân ở cồn và tuẫn tiết ở đó. Có người nghe người xưa truyền khẩu, rằng "Bảy Miếu nguyên trước thờ 7 vị có xương cốt không đầy đủ, nằm trong 7 giỏ mây, trôi dạt vào tấp ở ruộng gần xóm Kim Bồng. Có người phát hiện, đắp nấm, thắp hương, lâu dần làng lập 7 bệ nhỏ để thờ". Xóm Kim Bồng, gần Bảy Miếu, ngày càng đông cư dân nên hình thành làng Hòa An.

Phải chăng dấu vết hài cốt hoàng tộc nhà Tây Sơn đã hé lộ?

Miếu Thất vị (hay Bảy Miếu) xóm Kim Bồng không có niên đại cụ thể. Trong khi đó miếu Thất vị làng La Qua dù thần bí hơn nhưng có niên đại là năm Gia Long thứ 14 (1815). Tuy nhiên, 7 vị có xương cốt, nằm trong giỏ mây, "lồi" hay "mọc" từ đất là có điểm tương đồng. Ở La Qua có truyền ức rằng có người nhập đồng, tự xưng là vua "Mây", chúa "Lồi" và sự kiện dân làng Hòa An (xóm Kim Bồng xưa), đã phát hiện xương cốt của 7 vong vị trong 7 giỏ mây… là những cơ sở để hình thành một giả thuyết có thể giải thích được một vài tồn nghi lịch sử:

Xóm Kim Bồng ở Thừa Thiên-Huế ngày trước đa phần là người ngụ cư, có gốc thuộc làng nghề Kim Bồng ở Quảng Nam. Làng mộc Kim Bồng của xứ Quảng nằm ở xã Cẩm Kim, đối diện phố cổ Hội An, bên kia bờ con sông Hoài. Nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ XV bởi những người Việt đầu tiên từ đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh vào khai khẩn vùng đất Cẩm Kim - Hội An thời bấy giờ. Cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ thương cảng Hội An phồn thịnh. Đến thế kỷ XVIII, Kim Bồng đã phát triển thành làng nghề với 3 nhóm nghề rõ rệt; mộc xây dựng, mộc dân dụng và đóng tàu thuyền bằng gỗ. Nghệ nhân Kim Bồng từng được vua chúa nhà Nguyễn đưa ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm, mộc dân dụng và đặc biệt đóng thuyền.

 

Toàn cảnh bảy miếu ở làng Hoà An ở Phú Vang, Thừa Thiên - Huế.

Sông Hương phía hạ lưu có dòng chảy theo hướng nam - bắc, từ Tiên Nộn đến Lại Ân (Ngã Ba Sình), nhưng từ Lại Ân đến xóm Kim Bồng thì dòng chảy theo hướng tây nam - đông bắc, sau đó vờn trước mặt làng Qui Lai theo hướng tây - đông. Đây là nguyên nhân hình thành cồn đất giữa sống ở trước mặt xóm Kim Bồng và làng Qui Lai.

Tháng 11 năm Nhâm Tuất (1802), Vua Gia Long tổ chức lễ Hiến Phù, hành tội Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Chính cung hoàng hậu của Vua Quang Trung, Vua Cảnh Thịnh, hoàng đệ Nguyễn Quang Duy, nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái của bà… Ba thủ cấp của 3 vua Tây Sơn thì giam vào vò, còn lại xương cốt của 3 vua và 4 tử tội khác thì cho vào giỏ mây, làm ô uế, xong bắn ra sông Hương. Các giỏ có xương cốt chìm nổi, trôi theo dòng, làng nào hai bên sông Hương phát hiện những giỏ xương này thì dùng sào lùa giỏ  để chúng trôi tiếp…

Sau một khoảng thời gian trôi dạt, có khả năng khi đến khúc quẹo ở vùng đang bồi tạo ven sông Hương, chặng gần xóm Kim Bồng thì tấp vào bờ, dọc theo con hói nào đó, trở thành trầm tích và bị quên lãng theo thời gian. Dân xóm Kim Bồng, canh tác rau màu trên vùng đất bồi phía tây nam của xóm, có khả năng phát hiện những giỏ mây có cốt và có người biết những giỏ này từng đựng hài cốt của những vua, quan Tây Sơn bị hành hình trong lễ Hiến Phù tại Phú Xuân. Người xóm Kim Bồng đã đắp nấm cho các xương cốt nằm trong giỏ mây, bí mật thắp hương thờ phụng dưới vỏ che 7 mộ cô hồn. Dần dà khi cơn sốt trả thù nhà Tây Sơn hạ nhiệt ở Huế, người xóm Kim Bồng đã dựng 7 bệ nhỏ như bệ thờ cô hồn vậy. Về sau khi xóm Kim Bồng trở thành làng Hòa An, 7 bệ thờ được tôn tạo thành miếu Thất vị (Bảy Miếu), không thờ mỗi miếu mỗi vị mà thờ chung với các thiên thần, nhân thần như các làng khác.

Một vị quan Tây Sơn nào đó được triều Nguyễn tha tội, từng biết bí mật về 7 "giỏ mây có hài cốt của tử tội Tây Sơn" gần xóm Kim Bồng ở Huế, đã lui về ẩn dật ở đồi Dương Thần làng La Qua ở Quảng Nam và đã tạo ra truyền thuyết về bảy hòn đá lồi, có hình mặt người, xuất hiện ở làng La Qua, rồi dựng 7 bệ thờ, thực ra chủ đích là hương khói vọng thờ các vua, hoàng hậu, nữ tướng Tây Sơn.  Tiếng đồn đến tai triều đình nhà Nguyễn, nên vị nho sĩ kiêm đạo sĩ bị ghép tội chết và có khả năng ông ta đã trốn thoát vào Bình Thuận. Hành trạng của vị này là cốt lõi của truyền thuyết và có dinh Thầy Thím ở Hàm Tân (Phan Thiết). Về sau dân làng La Qua bí mật thờ cúng vị đạo sĩ này và tạo ra thần thoại Diêm Vương phái người con thứ tám lên dương thế để trợ giúp 7 bà chị vậy.

Hiện tượng những quan quân Tây Sơn phần lớn được tha, về lại quê nhà, có người âm thầm tưởng nhớ nhà Tây Sơn, tạo ra những hình thức thờ cúng bí mật là một hiện thực lịch sử. Miếu Thất vị ở xóm Kim Bồng (làng Hòa An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), miếu Thất vị ở làng La Qua huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), dinh Thầy Thím ở Hàm Tân (thành phố Phan Thiết) có khả năng có liên quan đến 7 giỏ mây có hài cốt vua quan nhà Tây Sơn trong lễ Hiến Phù vào mùa đông năm Nhâm Tuất (1802), từng được phát hiện ở xóm Kim Bồng ở Thừa Thiên. Đó là một khả năng cần kiểm chứng.

Phải chăng, dấu tích  hài cốt Vua Quang Trung cùng một số thành viên  hoàng tộc, công thần, cận tướng đã có manh mối để kiếm tìm?


Trần Viết Điền

http://antg.cand.com.vn