Chuyện về người trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp In
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 07:37


11:05:00 11/04/2010

Trái với tiết trời ẩm ướt và se lạnh, trong một căn phòng nhỏ của ngôi nhà phía bên trái khu vườn tại địa chỉ 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), câu chuyện giữa chúng tôi với người trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật cởi mở, ấm cúng. Gần 4 thập kỷ gắn bó và giúp việc Anh Văn, Đại tá Nguyễn Huyên là người đồng chí, người học trò gần gũi và tâm giao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Một sự ủy thác lớn lao
Vị đại tá vào tuổi 80 có đôi mắt sáng, cái đầu tròn cương nghị và dáng người thấp đậm luôn giữ phong thái trầm tĩnh. Từ con người ông toát lên sự mẫn cán, trung hậu và kiệm lời - những phẩm chất mà bất kể vị lãnh đạo nào cũng tâm đắc khi lựa chọn người giúp việc của mình.
Bằng giọng trầm xứ Nghệ, Đại tá Huyên từ tốn kể: "Năm 1974, từ chiến trường B2, tôi được điều ra Bắc. Sau khi an dưỡng, tôi về công tác ở cơ quan Văn phòng Bộ Quốc phòng một thời gian. Đến năm 1976, tôi chính thức được giao nhiệm vụ trực tiếp giúp việc Anh Văn, hằng ngày tổng hợp tin tức thời sự để báo cáo với Anh"...
Đại tá Nguyễn Huyên sinh năm 1931, là người con của quê hương Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1950, ông thoát ly gia đình, trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Huyên thuộc biên chế Tiểu đoàn công binh 106 (Trung đoàn công binh 151). Đơn vị ông có nhiệm vụ phá núi mở đường để bảo đảm việc vận chuyển bộ đội, vũ khí ra mặt trận và  đào hầm, hào cho pháo binh, cao xạ, bộ binh chiến đấu.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người trợ lý Nguyễn Huyên (Ảnh: Trần Hồng).

Ông Huyên nhớ lại: "Ngày ấy, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tôi đã mở đường đưa Đại tướng Tổng Tư lệnh vượt đèo Pha Đin, nhưng tôi thì chưa hề được gặp Anh Văn. Lần đầu tiên tôi gặp anh là năm 1957. Khi ấy, tôi là Chính trị viên đại đội công binh đóng quân tại Kim Lăng, Phú Thọ. Một lần, Anh Văn đi thăm, kiểm tra các đơn vị bộ đội; Anh đến Đoàn công binh 106, có vào kiểm tra đại đội tôi. Sau khi kiểm tra doanh trại, nơi ăn ở, Anh Văn đã nói chuyện với đơn vị. Hôm ấy chúng tôi mang ra mấy chiếc ghế, xếp thành dãy dài, mời Anh Văn ngồi giữa, chúng tôi cùng chụp ảnh. Chỉ tiếc là, bức ảnh đó tôi không có được".
Giữa chừng câu chuyện, Đại tá Nguyễn Huyên châm trà, giục chúng tôi thưởng thức: "Trà dưỡng não đấy. Các anh dùng thử xem có được không". Câu chuyện giữa Đại tá Huyên với chúng tôi càng thêm phần đậm đà, cởi mở.
Cảm nhận được sự trân trọng, thành thực của người đối thoại, Đại tá Nguyễn Huyên tâm sự: "Anh Văn sinh hoạt rất điều độ, chịu khó rèn luyện giữ gìn sức khỏe. Trước, Anh ngồi thiền 40-50 phút mỗi ngày. Đã vào tuổi đại thọ, nhưng Anh vẫn thường xuyên tập luyện khí công, tập dưỡng sinh, duy trì nề nếp nghe thời sự để vừa cập nhật thông tin, vừa rèn luyện trí óc".
Anh Văn của chúng tôi!
"Khách trong nước, ngoài nước đều mong muốn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các dịp ngày lễ, ngày Tết, sinh nhật của Anh, nhiều đoàn cựu chiến  binh, đồng bào, đồng chí khắp trong Nam ngoài Bắc, về Hà Nội đến thăm và chúc mừng Đại tướng. Hồi chưa cấm đốt pháo, có đoàn đi xe ca, đỗ xịch ngoài cổng, các vị khách bước xuống lấy mấy bánh pháo ra, treo trên sào tre, đốt pháo nổ ran từ ngoài vườn, xen lẫn tiếng cười nói rộn rã trong niềm hân hoan phấn khởi được về thăm Anh Văn. Từ lúc họ vào gặp Đại tướng cho đến lúc ra về, không khí vui vẻ như ngày hội"... Đại tá Nguyễn Huyên trầm ngâm kể lại.
Từng ấy năm gắn bó với Đại tướng, ông chiêm nghiệm: "Tình cảm của đồng chí, đồng bào, của bạn bè quốc tế đối với Anh Văn thật sâu sắc, chân thành. Một số đoàn khách không liên hệ trước, cứ "đổ bộ" xuống cổng 30 Hoàng Diệu, rồi đòi được vào thăm Đại tướng. Cảnh vệ điện vào báo cáo, tôi lại phải sang xin phép và đề nghị Anh dành thời gian tiếp. Hầu như lần nào Anh cũng vui vẻ đồng ý...
Tôi còn nhớ mãi, có một anh thương binh bị cụt một chân, chống nạng đến trước cổng nhà 30 Hoàng Diệu. Anh trình bày với cảnh vệ: "Tôi bắt xe khách từ Hải Phòng lên đây, chỉ có nguyện vọng duy nhất là được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Khi được vào cổng, qua khu vườn đã thấy Đại tướng đứng chờ trên sân, anh thương binh buông nạng ra ôm chặt lấy Đại tướng, rồi vừa khóc, vừa nói: "Thế là tôi toại nguyện rồi! Được gặp Đại tướng rồi, bây giờ tôi về có chết cũng thỏa lòng".
Nhiều đoàn cựu binh Điện Biên Phủ, cựu bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong,... khi được đến thăm Đại tướng, có những người cảm động cứ ôm lấy Anh mà khóc vì vui mừng được gặp Anh và thương Anh. Đại tướng dí dỏm hỏi: "Gặp được nhau là quý rồi, phải mừng chứ sao lại khóc?". Nghe Đại tướng nói vậy, không ít người lại càng thổn thức... 
Là người phụ trách Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sắp xếp lịch các đoàn khách vào thăm Đại tướng, ông Huyên thường xuyên được nhận sự ủy thác của các đoàn khách, của các cựu chiến binh cả nước: "Chúng tôi ở xa, ít có điều kiện về thăm Đại tướng. Mong các anh tận tâm, tận lực chăm sóc, giúp việc Anh Văn. Chúng tôi tha thiết nhờ cậy anh đấy"!. Thật cảm động biết bao, bởi tất cả những tình cảm ấy toát lên từ tấm lòng tin yêu, từ sự kính trọng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước những tình cảm trong sáng, chân thành ấy của đồng chí, đồng bào, Đại tá Nguyễn Huyên luôn tâm niệm phải làm hết sức mình với công việc của một người trợ lý Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gần 4 thập kỉ qua, ông đã một lòng, một dạ tận tụy làm việc và trở thành người đồng chí thân thiết, thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình với Anh Văn; trở thành một người thân thiết trong gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Đại tá Nguyễn Huyên và tác giả bên bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng chất liệu gốm sứ (Ảnh: Kiến Quốc).

Văn đức quán nhân tâm
Câu chuyện cởi mở của người trợ lý Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho chúng tôi kéo dài gần như suốt buổi chiều. Khi chúng tôi hỏi ông về chuyện gia đình, vị Đại tá chợt trùng giọng, hụt hẫng: "Hiền, vợ mình mất rồi. Mình thương cô ấy quá!". Ông đang nói tới người vợ thứ hai của mình. Lâu nay, Đại tá Huyên ở cùng gia đình người con gái, con rể và hai cháu ngoại. Hằng ngày, ngoài thời gian làm việc tại Văn phòng Đại tướng, ông trở về và làm những công việc nhà như nấu ăn, dọn dẹp...; bởi người con gái của ông thường xuyên đau yếu, các cháu ngoại còn nhỏ, lại bận chuyện học hành... Thấy hoàn cảnh ông như vậy, một nữ cựu bộ đội Trường Sơn đã đem lòng thương mến; bà tên là Bùi Thị Hiền, quê ở thành phố Thái Bình. Ngày về ở với ông, bà bộc bạch: "Em về với anh, chăm sóc anh, để anh đỡ vất vả, có thêm điều kiện giúp việc Đại tướng!". Câu nói đó khiến ông cảm động và biết ơn bà. Bà cũng như bao cựu binh khác, như bao người dân Việt Nam đều dành sự khâm phục và kính trọng sâu sắc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Sắp đến giờ tạm biệt người trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đề nghị được chụp ảnh riêng với ông. Đại tá Nguyễn Huyên cười tươi đồng ý: "Được thôi, nhưng để mình mở cửa phòng bên. Chụp ở bên đó mới đẹp".
Chúng tôi bước vào căn phòng đầu hồi của ngôi nhà, như một bảo tàng thu nhỏ với những tranh, tượng và vô số tặng phẩm lưu niệm quý giá, những bức trướng của đồng chí, đồng bào trao tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có một bức trướng của gia đình cụ Nguyễn Thị Vĩnh (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) kính mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuổi 90 có ghi "Văn võ song toàn lừng danh tướng/Tâm hồn đức độ xứng hiền nhân"...
Sau những bức ảnh khá hài lòng chụp chung với Đại tá Huyên, ông siết chặt tay chúng tôi. Rồi ông cho biết thêm một câu đối nổi tiếng khác, do Viện Mác-Lênin mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc tròn tuổi 85: "Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm!".


Sắp đến kỷ niệm 35 năm Đại thắng mùa xuân năm 1975, chúng tôi hỏi thăm về sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Huyên khẳng định: "Sang Xuân Canh Dần này, Đại tướng đã tròn 100 Xuân theo âm lịch. Tuổi càng cao, sức khỏe càng giảm. Hiện Anh Văn đang nằm điều dưỡng ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Cho đến hôm nay (9/4/2010 - PV), sức khỏe của Anh Văn vẫn ổn định, tỉnh táo. Bệnh viện đang hết lòng chăm sóc, giữ gìn sức khỏe của Đại tướng để Đại tướng có mặt trong dịp sinh nhật của mình (25-8) và hơn nữa là chứng kiến Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, như mong muốn của đồng bào và chiến sĩ cả nước".

Duy Hiển - Kiến Quốc

http://www.cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2010/4/128933.cand