Người bị vùi trên đồi D1 In
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 16:34

Thứ Tư, 06/05/2009

Trước mặt chúng tôi là người đàn ông to khỏe, ở tuổi 83 mà vẫn quắc thước. Ông là trung tướng Trần Nhẫn, nguyên đại đội trưởng đại đội 520, tiểu đoàn 154, trung đoàn 209, đại đoàn 312. Với ông, Điện Biên Phủ là nơi ông dành trọn một thời tuổi trẻ hào hùng.


Trung tướng Trần Nhẫn - Ảnh: Ngọc Tuấn

Ông nhắc đi nhắc lại một cách rất thú vị, vừa hài hước vừa kiêu hãnh: “Tại sao mình sống được nhỉ?”. Nhưng lẫn trong đó, cho đến giờ này, vẫn còn một chút ngạc nhiên. Lần đó, đêm 30-3-1954, trong một trận chống phản công của địch khi chúng muốn tái chiếm đồi D1 - một cứ điểm quan trọng ở Điện Biên Phủ - dưới bom dập pháo dồn, ông bị vùi sâu dưới bao nhiêu lần đất đá...
Ác liệt
Chiều 13-3-1954, sau đợt dọn đường bằng pháo kích dữ dội, bộ đội ta ào ào tiến lên tấn công cứ điểm Him Lam (Béatrice), một trong các cứ điểm kiên cố nhất của quân Pháp. Địch chống trả quyết liệt. Người trước ngã xuống, người sau tiến lên. Sau một đêm trong thế giằng co, đến sáng ta đã chiếm được. Từ cứ điểm chiến lược này, nhờ lợi thế, sau đó lần lượt mỗi ngày bộ đội ta diệt một cứ điểm, đã tiêu diệt và làm chủ lần lượt đồi Độc Lập (Gabrielle), Bản Kéo (Anne Marie 1, 2) và toàn bộ phân khu bắc...
Để chuẩn bị cho cuộc tiến công trong đợt 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ, tiểu đoàn 154 được giao nhiệm vụ đánh cao điểm phía đông vòng ngoài. Để tiêu diệt các cứ điểm này, bộ đội ta đã vận dụng một chiến thuật cực kỳ quan trọng: đào hào, vừa tiến vừa vây, áp sát và tiến công tiêu diệt. Đại đội của đại đội trưởng Trần Nhẫn là một trong số các đơn vị vừa chiến đấu vừa thực hiện nhiệm vụ này.
17g30 ngày 30-3-1954, cuộc tiến công vào các ngọn đồi phía đông của bộ đội ta bắt đầu. Quân ta đánh phân khu trung tâm, vây lấn, bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm. Phía Pháp dựa vào hầm ngầm, lô cốt để cố thủ và đưa quân từ các điểm khác dùng xe tăng và lính dù, lính lê dương để phản kích, các cứ điểm này có tính sống còn với quân Pháp nên chúng quyết liệt phản kích liên tục để giữ vững.
Để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, bộ đội ta tiếp tục áp dụng chiến thuật “vây lấn, bóp nghẹt” bằng hệ thống chiến hào. Ông Nhẫn kể: “Ta đào các giao thông hào dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí của Pháp. Các chiến hào này tránh cho quân tiến công thương vong vì pháo binh và không quân Pháp, đồng thời tiến sát được vị trí của quân Pháp, tạo được vị trí bàn đạp tấn công rất thuận lợi. Quân Pháp cũng nhận thức rất rõ sự nguy hiểm của cách đánh này nhưng không có phương sách nào để khắc chế. Bộ đội ta vây lấn đào hào cắt ngang cả sân bay, đến tận chân lô cốt cố thủ, khu vực kiểm soát của quân Pháp bị thu hẹp đến mức không thể hẹp hơn.
Đêm xuống, các tổ bộc phá của đại đội băng lên mở đột phá khẩu lên điểm cao D1. Địch bắn trả dữ dội, chúng dùng súng phun lửa, đại liên từ các lỗ châu mai bắn ra. Ta dùng súng cối, DKZ phụt vào lỗ châu mai địch. Trong lúc giao chiến, đồng chí Đông tổ trưởng liên lạc trúng đạn hi sinh ngay sát bên tôi. Trước lúc trút hơi thở cuối, Đông nói: “Tiến lên! Tiền tuyến diệt thù”. Sau hơn hai giờ chiến đấu ngoan cường, tiểu đoàn 154 đã tiêu diệt gọn sở chỉ huy tiểu đoàn 3, trung đoàn Angiêri.
Tôi được tiểu đoàn phó (tiểu đoàn 154) Nguyễn Xuân Quảng phân công chốt giữ điểm cao D1, còn tiểu đoàn thừa thắng đánh chiếm đồi D2. Ngay trong đêm tôi cùng các chiến sĩ đào giao thông hào, chuẩn bị cho trận phản kích ngày mai của địch”.
Điều kỳ diệu
“Từ mờ sáng hôm sau, quân Pháp đã pháo kích dữ dội lên đồi D1, phối hợp cùng không quân ném bom chuẩn bị cho quân đánh chiếm lại. Đất đá bay tung tóe, rơi xuống hào, bắn vào hầm. Trong hầm lúc này ngoài tôi còn có thêm năm người: hai chiến sĩ thông tin, một trinh sát, một tác chiến và đồng chí Sáu liên lạc viên của tôi. Mọi người khoét sâu hàm ếch ở vách hào để trú ẩn, tránh những đợt bom pháo dồn dập...
Giữa cơn ùng oàng đó, một quả đạn pháo rơi trúng hầm của tôi. Tôi chỉ kịp thấy đồng chí liên lạc chồm lên che cho mình...”.
Sau những trận pháo, bộ binh Pháp tràn lên đồi D1. Bộ đội ta được lệnh tạm rút khỏi điểm cao để bảo toàn lực lượng. Quân Pháp chiếm lại đồi D1. Chúng không biết trong căn hầm sập kia có đại đội trưởng Trần Nhẫn đang cùng đồng đội bị chôn vùi.
“Buổi tối, trung đoàn trưởng 209 Hoàng Cầm lệnh cho quân ta tái chiếm đồi D1. Quân Pháp bỏ chạy về khu trung tâm Mường Thanh, các chiến sĩ đại đội 520 tập trung đào hầm, moi tìm chúng tôi.
Khi đồng đội moi tìm được, bốn đồng chí đã hi sinh, tôi và đồng chí Sáu bị hôn mê. Máu từ trong tai ộc chảy bết mái tóc. Tôi được cáng về quân y tiền phương cấp cứu...”.
“Tại sao mình lại sống được nhỉ?” - ông lại cười kiêu hãnh, hỏi chúng tôi mà như hỏi chính mình.
NGỌC TUẤN - THÀNH TRUNG
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=314624&ChannelID=89