Những điệp viên trong sào huyệt địch In
Chủ nhật, 20 Tháng 5 2012 02:58
8:25, 06/05/2012



Có thể nói giai đoạn từ năm 1971 - 1975, hầu hết những cơ quan trọng yếu nhất của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đều có mặt điệp viên của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam hoặc Ban An ninh T4. Tất cả họ đều hoạt động vì khát vọng thống nhất đất nước.

Bám chặt tử huyệt VNCH chờ lệnh

Từ năm 1972, theo sự chỉ đạo của ông Trần Quốc Hương, ông Lê Thanh Vân, bí danh Sáu Ngọc - Phó ban An ninh T4 chuyển từ căn cứ mật vào Sài Gòn một mật lệnh. Nội dung của mật lệnh nằm gọn trong tờ giấy quyến (một loại giấy dùng để cuốn thuốc lá sợi rất mỏng) cuốn lại như một điếu thuốc. Mật lệnh được những "giao thông viên" trung kiên vượt hàng chục trạm kiểm soát liên hợp của VNCH vào đến tận tay một chuyên viên cao cấp trong nội các Nguyễn Văn Thiệu mang mật danh Số Sáu.

Mật lệnh này yêu cầu Số Sáu tuyển một số sinh viên đi du học nước ngoài vừa tốt nghiệp về nước đưa vào mạng lưới tình báo của ta. Trong quá trình tuyển dụng, Số Sáu bí mật đưa ra nhiều tình huống để thử thách lòng yêu nước của nhân vật sắp tuyển dụng.

Tuyển dụng xong, thông qua các mối quan hệ của điệp viên trong cụm, Số Sáu "gửi" điệp viên mới tuyển vào làm việc tại các cơ quan trọng yếu của chính quyền Sài Gòn như: Phủ Tổng ủy Dân vận và Chiêu hồi; Phủ Tổng ủy Kế hoạch; Văn phòng Thủ tướng và các văn phòng Phó thủ tướng; Bộ Kế hoạch; Nha Điện toán Bộ Tổng tham mưu; Tổng nha Cảnh sát và các cơ quan tình báo của Mỹ, của VNCH…

Nhờ có kiến thức uyên bác và "tận tụy với chế độ", Số Sáu nhanh chóng chiếm được cảm tình của rất nhiều nhân vật chóp bu. Ở vị trí này, hàng ngày Số Sáu tiếp cận với hầu hết các tài liệu tuyệt mật của chính quyền. Nhiều tài liệu bí mật của chính quyền Mỹ gửi cho chính quyền VNCH, Số Sáu đều được nghiên cứu trước khi trình cho cấp trên. Vì vậy, hầu như tất cả những bí mật tối thượng mang tính sống còn của chế độ VNCH đều nằm trên bàn làm việc của lãnh đạo T4 và Trung ương Cục miền Nam trước khi đến tay Nguyễn Văn Thiệu.

Trong số những hồ sơ tối mật mà Số Sáu chuyển vào căn cứ có cả cái gọi là "kế hoạch bình định nông thôn", "Kế hoạch kinh tế hậu chiến"; "Kế hoạch Phượng hoàng"… Nhờ nắm được tất cả những "kế hoạch" đó, Trung ương Cục miền Nam đã "đi trước, đón đầu" mọi chiến dịch của VNCH.

Cùng tuyến hoạt động với Số Sáu, còn có Z7, Z8, H2, H6, H7, H8…

Z7 được ta đưa vào "nằm" trong Tổng ủy Dân vận  - Chiêu hồi. Nhờ Z7, Trung ương Cục nắm được toàn bộ danh sách những người phản bội cách mạng âm thầm hợp tác với chính quyền VNCH gây hại cho các cơ sở của ta. Cũng thông qua Z7, ta biết trước và đối phó hiệu quả với tất cả những chiến dịch Phượng hoàng của VNCH.

H2, H6, H7 được cơ sở cách mạng đào tạo giáo dục trước khi đưa vào học trường đào tạo cảnh sát của chế độ Sài Gòn.  Sau khi tốt nghiệp với thứ hạng cao, những điệp viên này được chính quyền Sài Gòn tuyển chọn vào làm việc ở những vị trí nhạy cảm nhất của hệ thống cảnh sát như phòng mật mã, phòng điện toán, Phủ Đặc ủy Tình báo, Phòng Tham mưu thuộc hệ thống cảnh sát trung ương và chi cảnh sát các quận nội thành. Nhờ những điệp viên này, Trung ương Cục cũng như T4 đã vô hiệu hóa  các hoạt động của cảnh sát tại Sài Gòn, tạo điều kiện cho các tuyến tình báo khác an toàn tuyệt đối, thậm chí còn giải cứu được những cán bộ cách mạng sa vào tay cảnh sát VNCH.

Tuyến lưới này hoạt động hiệu quả và an toàn lực lượng cho đến ngày đất nước thống nhất. Duy nhất một điệp viên bị tai nạn rơi trực thăng tử nạn trong một chuyến công tác đặc biệt cho Nguyễn Văn Thiệu. Điệp viên này được Nhà nước ta công nhận liệt sĩ.

 

Những cán bộ điệp báo nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp tình báo" được tổ chức ngày 20/4/2012 tại TP HCM.

Để hậu thuẫn cho tuyến lưới Số Sáu hoạt động hiệu quả, ông Mười Hương và ông Sáu Ngọc đã thiết lập một hệ thống giao liên truyền đạt bí mật, hòm thư bí mật do nữ Anh hùng Đại tá Nguyễn Thị Thảo (bí danh Sáu Thảo) phụ trách.

Sáu Thảo là một cán bộ điệp báo trung kiên của Ban An ninh Trung ương Cục, đã từng bị địch bắt nhưng vẫn giữ được bí mật tuyệt đối cho tổ chức và che giấu được nhân thân. Bà được Trung ương Cục điều về tăng cường cho Ban An ninh T4. Ngay khi nhận nhiệm vụ mới, bà đã xây dựng được một tuyến "giao thông" an toàn gồm những bí danh H8 (hành nghề tài xế xe lam); bí danh Bà Tư (nhân viên một hãng hàng không nước ngoài có đặt trụ sở tại sân bay Tân Sơn Nhất); bí danh Thắng (em ruột Bà Tư); bí danh Ba Tơ (trong vai ăn mày); bí danh Ái (vợ một điệp viên của ta cài cắm vào làm chuyên viên cao cấp trong dinh Độc Lập)…

Tuyến "giao thông mật" của bà Sáu Thảo luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối những chỉ thị từ căn cứ An ninh T4 vào các tuyến lưới tình báo nội thành Sài Gòn và tài liệu, báo cáo mật từ các tuyến lưới tình báo nội thành Sài Gòn vào căn cứ An ninh T4. Trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, các "giao thông viên" cũng đều hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt trong tuyến này có nhân vật Ba Tơ. Mỗi khi thực thi nhiệm vụ, bà đóng vai một phụ nữ ăn mày, quần áo rách rưới, tay ôm 2 đứa con nhỏ, lang thang lê la từ Sài Gòn vào căn cứ T4. Đều đặn mỗi tuần một chuyến, bà dễ dàng vượt qua mọi trạm gác, mọi cặp mắt soi mói của cảnh sát, quân đội chính quyền Sài Gòn.

Vào thời điểm cuối năm 1974, đến năm 1975, hệ thống phòng thủ an ninh của VNCH cắm dày đặc, bao quanh Sài Gòn, nhưng do nhu cầu cấp thiết thông tin, bà phải thực thi mỗi ngày 1 chuyến chuyển giao tài liệu tuyệt mật trên một tuyến đường. Để tránh sự nghi ngờ của cảnh sát, bà dạy đứa con nhỏ cách giả vờ đau ốm quặt quẹo. Và bà đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc nhiều lần.

Ngoài ra, tuyến "giao thông mật" của bà Sáu Thảo cũng làm cầu nối cho T4 với lực lượng điệp viên hậu thuẫn chính trị trong lực lượng phật tử. Đứng đầu khối phật tử này là một điệp viên mang bí danh Bé Hát. Bé Hát đã tập hợp được hơn 10 đầu lưới cơ sở mang bí danh S1, U, K, A… Những cơ sở này vận động được hơn 2.000 phật tử có cảm tình với cách mạng, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu chính trị.

Đầu năm 1973, một vị cao tăng lãnh đạo Phật giáo Sài Gòn vừa qua đời, giới chức sắc Phật giáo cần một vị cao tăng đức độ khác thay thế. Lúc này có 2 vị cao tăng tài đức ngang nhau nhưng quan điểm trần thế xã hội khác nhau. Một vị đề cao tinh thần dân tộc (Vị quốc hành đạo), một vị đề cao tinh thần triết giáo (Vị giáo hành đạo). Cả hai vị đều xứng đáng làm lãnh tụ tinh thần.

Tuy nhiên, nếu vị cao tăng đề cao tinh thần dân tộc bước vào vai trò lãnh tụ tinh thần sẽ có lợi cho tiến trình hòa bình, thống nhất đất nước hơn. Bé Hát và các cơ sở tổ chức tuyên truyền nhận thức chính trị cho quần chúng là phật tử. Họ không cổ xúy phật tử ủng hộ cụ thể vị nào nhưng nhờ kêu gọi lòng yêu nước, yêu hòa bình, hầu hết phật tử đều ủng hộ vị cao tăng có tinh thần dân tộc.

Cũng nhờ khối phật tử này, ta hậu thuẫn tốt những cuộc đấu tranh chính trị trực diện với Nguyễn Văn Thiệu trong các phong trào "Ký giả ăn mày"; "Thương phế binh tố cáo tham nhũng"; Tổ chức dự trữ 10.000 tấn lương thực, thuốc men chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công năm 1975.

Những điệp vụ gần như bất khả thi

Giữa năm 1974, đích thân ông Mười Hương chỉ đạo thực hiện một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Đó là yêu cầu làm tê liệt toàn bộ hệ thống rađa của VNCH trong một khoảng thời gian ngắn có định trước. Ông Mười Hương đã chuẩn bị điệp vụ này từ trước đó vài năm. Khi đó, ông đã chỉ đạo các tuyến lưới tuyển dụng một sinh viên có lý tưởng yêu nước đang du học ở nước ngoài.

 

Cụm điệp báo của bà Sáu Thảo trong ngày nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp tình báo".

Khi điệp viên này tốt nghiệp về nước, ông tiếp tục chỉ đạo các tuyến lưới đưa vào làm chuyên viên trong Nha Viễn thông VNCH.  Suốt mấy năm, hầu như điệp viên này rất ít được giao thực hiện những điệp vụ lớn.

Thời điểm đó, VNCH có 3 đài rađa lớn đặt tại 3 địa điểm khác nhau. Một cái đặt trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh), một cái đặt trên đèo Hải Vân và cái còn lại đặt tại Phú Lâm (Sài Gòn). Hệ thống rađa này là "tai mắt" chiến lược, chiến thuật quân sự của VNCH. Vì vậy chúng được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Thực hiện việc vô hiệu hóa các đài rađa này là việc gần như không thể. Thế nhưng, điệp viên này đã vô hiệu hóa được đài Phú Lâm 1 phút, đèo Hải Vân và Bà Đen 2 phút. Điệp vụ này chỉ là bước thử nghiệm của ông Mười Hương trong kế hoạch chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công năm 1975.

Mặc dù hoạt động giữa lòng địch nhưng các điệp viên này vẫn được tổ chức lễ kết nạp Đảng bí mật nhưng không kém phần long trọng.

Cuối năm 1974, trước tình hình Mỹ lấy lại "bầu sữa viện trợ", trong khi tình hình quân sự ngày càng bi đát, Thiệu và thuộc hạ thân tín soạn thảo một kế hoạch tuyệt mật, gọi là "kế hoạch kinh tế hậu chiến" (khác với "kế hoạch hậu chiến" của Mỹ - PV). Thiệu gọi kế hoạch này là "chiến lược… đầu bé đít to".

Theo kế hoạch đó, Thiệu sẽ dời hết các cơ quan trọng yếu cấp trung ương về Vùng 4 chiến thuật (tức khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Nếu Sài Gòn thất thủ, chỉ cần phá bỏ cầu Bến Lức (cửa ngõ nối liền Sài Gòn với Vùng 4 chiến thuật). Bước một của kế hoạch này là xuất ngân sách dự trữ thu mua hết lúa gạo trong dân ở các tỉnh miền Trung đưa về Vùng 4 chiến thuật rồi bỏ ngỏ dần các tỉnh miền Trung.

Ngay khi cuộc họp giữa Thiệu với thuộc hạ thân tín nhất diễn ra trong Dinh tổng thống VNCH, toàn bộ bản chụp vi phim của kế hoạch này đã nằm trong tay các cán bộ lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Một cán bộ lãnh đạo Trung ương Cục sau khi đọc xong tài liệu này đã thốt lên: "Chết thằng Thiệu rồi".

Thay vì gửi về Trung ương bằng điện mã, tài liệu này được đóng gói cẩn thận rồi đưa sang Campuchia theo đường hàng không Phnompenh - Hà Nội đến tận tay Bộ Chính trị. Bộ Chính trị tổ chức ngay một cuộc họp để phân tích tài liệu. Kết thúc cuộc họp, Bộ Chính trị nhận định thời cơ chín muồi đã đến. Bộ Chính trị yêu cầu quân đội thực hiện một trận đánh nghi binh thăm dò tại Phước Long.

Ta tổ chức trận đánh nghi binh Phước Long để thăm dò thái độ của Mỹ. Trung ương đưa ra một chỉ thị tình báo "Mỹ có trở lại giúp VNCH không?" gửi đến Trung ương Cục miền Nam. Trung ương Cục miền Nam gửi câu hỏi đến các tuyến lưới điệp viên đang hoạt động tại Sài Gòn. Hầu hết các tuyến lưới tình báo tại Sài Gòn đều hoàn thành điệp vụ tưởng chừng như bất khả thi này trong một thời gian ngắn.

Tất cả các báo cáo và tài liệu của họ gửi vào Trung ương Cục miền Nam đều cho thấy: "Cho vàng Mỹ cũng không dám quay trở lại" (Ông Trần Quốc Hương cho biết câu nói này của ông Nguyễn Văn Linh). Bộ Chính trị quyết định tổng tấn công toàn lực giải phóng miền Nam.

Trong những ngày giãy chết cuối cùng của chế độ VNCH, Nguyễn Văn Thiệu cuống cuồng van xin Mỹ viện trợ lần cuối để kéo dài chiến tranh. Từ những cuộc họp nội các của Thiệu bàn bạc việc cầu viện Mỹ, điệp viên của ta nắm được cụ thể VNCH chỉ còn đạn dược và lương thực "sống lay lắt" đến tháng 6/1975.

Và chỉ 4 tháng sau, miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất toàn vẹn lãnh thổ


Nông Huyền Sơn

http://antg.cand.com.vn