Năm 1968, Nixon đã phá hoại Hội nghị Paris như thế nào? In
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:17

8:55, 31/07/2009

Tổng thống Johnson gặp gỡ Ứng cử viên Tổng thống Richard Nixon (bên trái) tháng 7/1968.

 

Tội lỗi lớn nhất của vị Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon không phải là vụ Watergate, cũng không phải là mối quan hệ lâu năm của ông ta với bọn mafia mà là tội “phản quốc” - từ của Tổng thống tiền nhiệm Lyndon Braines Johnson dùng để nói về hành động phá hoại Hội nghị Paris về chiến tranh Việt Nam của Nixon vào năm 1968.
Vào năm 1968, chiến tranh Việt Nam nổi lên thành vấn đề số 1 trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Richard Nixon được nhìn nhận là người thuộc phái "bồ câu" vì ông ta hứa hẹn sẽ thực thi một kế hoạch bí mật để "kết thúc chiến tranh và đạt được hòa bình".
Trước đó, Tổng thống Lyndon Johnson đã tuyên bố rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Ông ta hy vọng rằng sự ra đi của mình sẽ đem lại một cái kết cho cuộc chiến ở Việt Nam  thông qua Hội nghị ba bên gồm Hà Nội, Sài Gòn và Washington đang diễn ra ở Paris.
Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 1968, thông qua một nhân vật "bí mật", Nixon đã yêu cầu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tẩy chay mọi  cuộc thương lượng hòa bình do Tổng thống Johnson bảo trợ, tìm cách trì hoãn để chờ đợi một thỏa thuận có lợi hơn trong nhiệm kỳ tổng thống của Nixon sắp tới. Thiệu tuân lời, phá hoại mọi cuộc thương thuyết và khước từ mọi cơ hội dành cho hòa bình trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Johnson.
Kênh liên lạc bí mật của Richard Nixon được thực hiện thông qua Anna Chennauld, biệt hiệu "Rồng Cái". Bà này là vợ của tướng Claire Chennault - người hùng của Không quân Mỹ trong Thế chiến II - và là đồng Chủ tịch Ban phụ nữ của liên danh tranh cử Nixon - Agnew.
Theo yêu cầu của Nixon, Anna Chennault đã tiếp cận với Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ - Bùi Diễm. Tháng 7/1968, Chennault đã bí mật giới thiệu viên đại sứ với ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tại căn hộ riêng của Nixon tại New York.
Theo bà ta, Nixon đã hứa với Bùi Diễm rằng, nếu trúng cử, ông ta sẽ gặp Thiệu và sẽ tìm ra giải pháp để thắng trong cuộc chiến này. Ông ta còn nói thêm rằng Anna Chennault là "kênh liên lạc duy nhất giữa tôi và chính phủ của ông". Anna Chennault còn có một vài cuộc nói chuyện, hoặc trực tiếp, hoặc qua điện thoại với Giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử của Nixon - John Mitchell. Trừ những lần nói chuyện qua đường dây an toàn, Mitchell rất thận trọng và luôn giấu kín những suy nghĩ thật của mình. Ông ta lo ngại mật vụ của chính phủ đang theo dõi mọi hoạt động của "Rồng Cái".
Nghi ngờ của Mitchell là rất chính xác. Các cơ quan an ninh và tình báo của Mỹ như NSA (Cục An ninh quốc gia), FBI và CIA đã lén đọc thư tín, nghe trộm điện thoại và đặt máy ghi âm theo dõi những hoạt động phá hoại ngầm Hội nghị Paris của Richard Nixon và Nguyễn Văn Thiệu. Thậm chí, văn phòng làm việc của ông Thiệu ở Sài Gòn cũng bị đặt máy nghe trộm. Họ đã thông báo cho Tổng thống Johnson toàn bộ sự việc. Ông ta rất tức giận và đã nhiều lần cảnh cáo Nixon về những hành động lén lút và phạm pháp này.
Vào ngày 2/11/1968, 3 ngày trước cuộc bầu cử, Johnson đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Thượng nghị sĩ Everett Dirksen - thủ lĩnh nhóm Cộng hòa trong Thượng viện. Đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện này đã được thư viện Johnson công bố gần đây. Johnson gọi hành động "đi đêm" của Nixon với Nguyễn Văn Thiệu là "phản quốc". Ông ta không ngần ngại hé lộ cho Dirksen biết "con bài tẩy" mình đang có trong tay - những bằng chứng về việc Nixon chống phá Hội nghị Paris do các cơ quan an ninh của Mỹ cung cấp - có thể làm sự nghiệp chính trị của Nixon sụp đổ và dọa sẽ tiết lộ chuyện này cho giới báo chí.
Thậm chí, sau cuộc bầu cử, Johnson vẫn tiếp tục gây sức ép đối với Nixon về vấn đề này. Tất nhiên, Nixon chối phắt và trấn an Tổng thống rằng ông ta sẽ không làm điều gì có hại cho tiến trình hòa bình tại Việt Nam. Ông ta còn "bán đứng" thuộc hạ bằng cách tố cáo với Johnson rằng Anna Chenault và Thượng nghị sĩ bang Texas John Tower - lúc bấy giờ ông này là người tình của Anna - là những người đã lén lút liên lạc với Nguyễn Văn Thiệu. Nixon biết Tổng thống và John Tower là những kẻ thù không đội trời chung và chính ông ta là người thay thế vị trí của Johnson trong Thượng viện.
Chẳng bao lâu sau, Richard Nixon đã quay ngoắt 180 độ khi tuyên bố tiếp tục đường lối chiến tranh ở Việt Nam. Anna Chennauld và Thiệu đã nhanh chóng nhận ra rằng họ đã bị "ông chủ" lừa.
Năm 2002, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Ngôi sao Thượng Hải, Anna Chennauld cay đắng tuyên bố: "Kết thúc chiến tranh là nguyện vọng duy nhất của  tôi. Nhưng sau khi (Nixon) trở thành Tổng thống, ông ấy đã quyết định tiếp tục chiến tranh. Những chính trị gia chẳng bao giờ giữ lời cả".
Giữa năm 1971, khi đã trở thành Tổng thống Mỹ, Nixon được Chánh văn phòng Nhà Trắng Bob Haldeman thông báo rằng những hồ sơ của Johnson về chiến tranh việt Nam, bao gồm những sự kiện đằng sau quyết định ngừng ném bom miền Bắc của ông ta cũng như những bằng chứng về tội "phản quốc" của Nixon, đang được lưu trữ tại Viện Brookings, Washington D.C. Dễ hiểu là Richard Nixon vô cùng lo lắng vì số tài liệu này, nếu bị tiết lộ, sẽ gây nguy hại nghiêm trọng đến uy tín của ông ta.
Thừa lệnh của Nixon, các cố vấn của ông ta đã soạn thảo một bản kế hoạch "điên rồ" và gây sốc để lấy cắp số tài liệu đó. Họ sẽ cho ném bom cháy tại khu vực Brookings và sử dụng những tên Cuba lưu vong từ Miami đến đóng giả làm lính cứu hỏa để đột nhập vào khu vực này. Bọn chúng sẽ tìm những hồ sơ Việt Nam và chuyển chúng lên xe tải đang đợi sẵn. Thậm chí địa điểm gây án cũng đã được người của Nixon đến để thăm dò trước. Tác giả của bản kế hoạch này là G. Gondon Liddy - một trong những nhân vật chính của vụ bê bối bẩn thỉu Watergate sau này. 
Trong cuốn tự truyện của mình, Liddy thừa nhận bản kế hoạch của ông ta có nhiều sơ hở và một vụ cháy ở Brookings có thể thu hút sự "tò mò" của giới báo chí. Tuy nhiên, ông ta cho rằng nếu không có bằng chứng nào được tìm thấy thì vụ việc sẽ nhanh chóng bị xếp lại.
John Dean, luật sư của Nixon tại Nhà Trắng lại nhìn nhận vụ việc theo một hướng khác. Ông ta đã thuyết phục John Ehrlichman - trợ lý Tổng thống - tin rằng nếu có người chết trong vụ hỏa hoạn thì đây sẽ trở thành một vụ án lớn và dấu vết của nó có thể dẫn đến Nhà Trắng. Cuối cùng thì Ehrlichman cũng ra lệnh hủy bỏ bản kế hoạch.
Thử tưởng tượng vụ đột nhập Viện Brookings diễn ra như kế hoạch, có người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn và sự việc bị đổ bể! Richard Nixon và người của ông ta đã phạm tội tổ chức khủng bố và giết người. Và còn hàng đống bằng chứng về hành động "phản quốc" hồi năm 1968 của ông ta nữa chứ! Sẽ có một vụ bê bối ầm ĩ chẳng kém vụ Watergate sau này.
Còn một câu hỏi nữa: Tại sao Tổng thống Johnson đã không hành động kiên quyết hơn để ngăn chặn những hành động phi pháp của Nixon? Johnson đã giải thích suy nghĩ của mình trong một cuộc nói chuyện điện thoại với Thượng nghị sĩ bang Florida George Smathers - một người bạn tốt của Nixon. Ông ta nói: "Tôi đã không phanh phui chuyện này vì tôi không thể tiết lộ nguồn cung cấp tin (FBI và NSA) và tôi cũng không muốn đẩy Nixon vào thế không thể cai trị được đất nước này. Nếu tôi công khai hoặc vô tình tiết lộ vụ việc này, Nixon sẽ bị thiệt hại nặng".
Hành động và thái độ "khoan dung" của Tổng thống Johnson đối với đối thủ chính trị lớn nhất của ông ta có lẽ thuộc vào hàng có "một không hai" trong lịch sử chính trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nước Mỹ đã phải trả giá cho hành động "hiệp sĩ" ấy: Họ đã đánh mất cơ hội kết thúc sớm cuộc chiến tranh phi nghĩa, "hao người, tốn của" tại Đông Dương và đưa nửa triệu con em của họ trở về nhà.
Trên cương vị Tổng thống, Nixon ra lệnh thả nhiều bom hơn bất kỳ đời tổng thống nào của Mỹ. Ông ta còn bí mật ra lệnh ném bom tàn phá Campuchia trong vòng hơn một năm trời. Nixon còn chơi trò hai mặt với Nguyễn Văn Thiệu hết lần này đến lần khác và cuối cùng còn đe dọa sẽ lấy mạng viên tổng thống bù nhìn này.
Khoảng 20.000 lính Mỹ đã chết trận trong những năm tháng Richard Nixon cầm quyền trong Nhà Trắng, và khi ông ta phải ra đi một cách nhục nhã do hậu quả của vụ bê bối Watergate vào năm 1974 thì cuộc chiến ở Việt Nam vẫn đang tiếp diễn.
Cuối cùng thì nước Mỹ vẫn cứ bị thua trong cuộc chiến đó

Vũ Thương Huyền (theo Crime magazine)  http://antg.cand.com.vn/vi-VN/hosomat/2009/8/69967.cand