Liên minh Trung - Nhật có hình thành? In
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:18

Cập nhật lúc 07:05, Thứ Tư, 07/10/2009 (GMT+7)
,
Mới đây đã nổi lên tin tức về việc Trung Nhật sắp hình thành một liên minh. Chẳng biết điều này có đúng hay không nhưng dường như nghe rất lạ tai khi người ta ít khi nhắc đến hai chữ “hữu nghị” trong quan hệ giữa hai nước.


(Ảnh: easygo-china.com)

(Ảnh: easygo-china.com)

Kể từ thế kỷ 19, hai nước đã đụng độ nhau tại hai cuộc chiến – cuộc chiến thứ nhất giành quyền kiểm soát Triều Tiên giữa những năm 1890, và cuộc chiến thứ hai là cuộc xâm lược Trung Quốc của Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai. Những căng thẳng liên quan đến lịch sử của hai cuộc chiến này vẫn còn đến ngày nay, khiến cho quá trình hai nước tiến gần đến nhau là gần như không thể.
Bước tiến quan trọng
Lịch sử và văn hóa là hai khúc mắc chính làm cho quan hệ hai nước khó có thể tiến lên phía trước. Các quan chức hai nước có vẻ bị cho là những người đã gây nên tình cảnh hiện tại, nhưng các quan chức Nhật Bản lại đang phải chịu nhiều chỉ trích hơn. Họ đã thông qua bộ sách giáo khoa lịch sử mới khiến người dân nước láng giềng phải phẫn nộ, rồi họ lại đi thăm ngôi đền Yasukuni, nơi thờ binh lính Nhật chết trong thời gian xâm chiếm Trung Quốc.
Thế nhưng, vị thủ tướng mới nhậm chức của Nhật Bản Yukio Hatoyama có vẻ đã quyết tâm làm nên một một sự thay đổi lớn tại châu Á. Ông cam kết sẽ tăng cường mở rộng quan hệ với các nước châu Á, và đặc biệt là với Trung Quốc. Ông khẳng định rằng sẽ không đi thăm ngôi đền kia và khuyến cáo các thành viên nội các và quan chức chính phủ hạn chế đến đó. Nút thắt đầu tiên của mối quan hệ có vẻ đã được tháo bỏ.
Những sức mạnh căn bản
Khi người ta liên minh với nhau, chắc chắn sẽ tạo ra một sức mạnh mới. Và ngày nay, thứ sức mạnh thường được đề cập hơn là đến sức mạnh kinh tế. Không ai có thể phủ nhận được sức mạnh kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dù cho trong những năm qua, tăng trưởng của nước này vẫn còn trồi sụt. Vấn đề cơ bản sẽ được giải quyết nếu liên minh Đông Á hình thành. Nhật và Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn của thế giới, vì thế nếu có bất cứ một bước tiến nào làm suôn sẻ thêm dòng chảy thương mại tại khu vực thì chắc chắn hàng hóa của hai nước này sẽ được hưởng lợi. Tính tổng cộng GDP năm 2008 của hai nước cộng vào cũng đã gần bằng Mỹ.
Tuy sức mạnh về an ninh có thể còn quá sớm để tính đến, nhưng cứ nhìn chi tiêu và những thay đổi trong quân sự những năm qua cũng có thể thấy được sức mạnh của họ khi trở thành một liên minh án ngữ ở Đông Á. Năm 2006, Nhật Bản đã nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng. Điều này có thể thấy Nhật Bản giờ đây đã quan tâm tới sức mạnh “quân sự” của mình. Năm 2008, Trung Quốc đã chi tới 85 tỷ USD cho quốc phòng, chiếm 6% chi tiêu quốc phòng toàn cầu, đứng ở vị trí thứ 2 sau Mỹ, còn Nhật đứng ở vị trí thứ 7.
Nếu một liên minh giữa hai nước này xuất hiện thì, thế giới có thể sẽ có thêm một trung tâm mới, mang trong mình cả uy và lực.
Liệu có khả thi về một liên minh "đầy bất ngờ"?
Rào cản lớn nhất trong tiến trình này nằm ở thái độ khác nhau của hai nước đối với lịch sử và những hành động của cha ông họ. Đó là lý do vì sao Trung Quốc vẫn nhấn mạnh Nhật Bản phải đưa ra lời xin lỗi nghiêm túc vì những điều mà binh lính nước này đã gây ra, trong khi Nhật cảm thấy không cần thiết phải làm như vậy. Với suy nghĩ của người phương Đông thì xin lỗi và chấp nhận lời xin lỗi cũng là cả một vấn đề, đặc biệt khi nó liên quan đến “bộ mặt” quốc gia.
Về vấn đề tranh chấp lãnh thổ và khai thác vùng biển phía đông Trung Quốc, cũng không dễ dàng để đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán, bởi những vấn đề này là cực kỳ nhạy cảm ở cả hai nước.
Hình ảnh tiêu cực về Trung Quốc của người Nhật lại còn xấu hơn. Một cuộc khảo sát truyền thông gần đây cho thấy suy nghĩ của người Nhật về Trung Quốc đã xấu đi đáng kể sau vụ bánh bao có độc tố. Nhưng thực tế, liệu có phải nguyên nhân sâu sắc là ở nỗi lo về một sự nổi lên của một cường quốc? Vấn đề cơ bản có phải chăng là vai trò và quyền lực của mỗi nước tại châu Á.
Thêm vào đó, vấn đề tập trung hiện tại của DPJ vẫn là chính trị trong nước, mà cụ thể là cuộc bầu cử thượng viện trong năm tới. Vì thế, nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng DPJ vẫn khó có thể tạo ra những thay đổi lớn trong chính sách với Trung Quốc. Một liên minh mà những người đứng đầu còn đang bận  những công việc của riêng mình, còn người dân thì vẫn ôm trong mình những hình ảnh không tốt về phía bên kia thì liệu việc hình thành liên minh đó có thể trở thành hiện thực được hay không, chứ chưa nói gì đến sự tồn tại lâu dài và bền chặt?

  • Đình Ngân

http://vietnamnet.vn/thegioi/binhluan/200910/Lien-minh-Trung-Nhat-co-hinh-thanh-872394/