Học thuyết an ninh quốc gia mới của Mỹ: Bá chủ thế giới vẫn là mục tiêu “ẩn” và “bất biến” In
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:33

7:35, 11/06/2010
Nguyễn Quốc Uy

Mục tiêu "bất biến" trong "Chiến lược an ninh quốc gia" của tất cả các chính quyền Mỹ là, một mặt, duy trì an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ và, mặt khác, duy trì địa vị siêu cường số 1 của Mỹ trên thế giới, tức là không để cho bất cứ quốc gia nào qua mặt Mỹ về tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự.

Theo yêu cầu của Quốc hội Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, mỗi đời tổng thống nước này, mà chính xác hơn là trong nhiệm kỳ của mình, mỗi tổng thống Mỹ phải đệ trình một "Chiến lược an ninh quốc gia". Như vậy, thông thường cứ 4 năm, chính quyền Mỹ lại công bố một "Chiến lược an ninh quốc gia" mới.
"Chiến lược an ninh quốc gia" mà chính quyền Obama công bố ngày 27/5 vừa qua có nhiều điểm mới so với các "Chiến lược an ninh quốc gia" năm 2002 và 2006 của chính quyền George Bush, thể hiện một tư duy "mềm" hơn.
Người ta cho rằng đó là sự thể hiện một tư duy khôn ngoan.

Trong "Chiến lược an ninh quốc gia" vừa công bố, Nhà Trắng chú trọng trước hết đến sức mạnh kinh tế và ngoại giao rồi mới đến sức mạnh quân sự.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 27/5 đã dẫn lời Tổng thống Obama khẳng định trong văn kiện dài 52 trang của "Chiến lược an ninh quốc gia" rằng "quân sự nên được sử dụng, nhưng không nên mở rộng quá mức".
TTXVN dẫn các nguồn tin nước ngoài cho biết: Trình bày quan điểm đảm bảo an toàn cho nước Mỹ khi đang đối mặt với các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, văn kiện trên đã chính thức hóa ý định của ông Obama là coi trọng ngoại giao đa phương hơn sức mạnh quân sự, thừa nhận vũ lực là biện pháp cuối cùng và cần phải tăng cường hợp tác ngoại giao quốc tế.

Như vậy, điểm mới và cũng là điểm khác biệt cơ bản trong tư duy hoạch định chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Barack Obama so với chính quyền tiền nhiệm của George Bush là sự đoạn tuyệt rõ ràng đối với cách tiếp cận quân sự đơn phương.
Chính sách đánh đòn phủ đầu,  được cựu Tổng thống George Bush theo đuổi trong suốt hai nhiệm kỳ của ông ta kể từ sau sự kiện 11/9/2001, đã khiến nước Mỹ không chỉ bị hao người tốn của, rồi bị sa lầy, trong hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, mà còn bị "mất điểm" trên trường quốc tế khi nước Mỹ ngày càng bị nhiều nước dè chừng, thậm chí bị nhiều nước thù oán.

Khi thay George Bush làm chủ Nhà Trắng, Barack Obama đã tỏ rõ là một tổng thống "biết lắng nghe". Chính với cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề một cách mềm mỏng, trái ngược hoàn toàn với thái độ và cách hành xử ngạo mạn của người tiền nhiệm, Barack Obama đã làm cho thế giới thay đổi cách nhìn về nước Mỹ.

Nay, với học thuyết an ninh quốc gia mới mà  phát triển kinh tế và nỗ lực ngoại giao được chú trọng hàng đầu, trong khi sức mạnh quân sự chỉ được sử dụng như biện pháp cuối cùng, rõ ràng Obama đã giành được thêm "điểm" trước mắt cộng đồng quốc tế.

Cũng với tư duy "mềm" như vậy, chính quyền Obama đã loại bỏ khái niệm "cuộc chiến chống khủng bố" ra khỏi học thuyết an ninh quốc gia mới, mặc dù vẫn coi Al-Qaeda là đối thủ chủ yếu của Mỹ và vẫn đề ra mục tiêu "phá vỡ, triệt phá và đánh bại" mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Bên cạnh đó, chiến lược an ninh quốc gia mới này cũng đề cập đến nỗ lực can dự của Mỹ đối với các nước mà Mỹ coi là  "thù địch",  cảnh báo Iran và Triều Tiên (về vấn đề hạt nhân) cần có "sự lựa chọn rõ ràng" - hoặc đối thoại hoặc bị cô lập.
Một điểm đáng chú ý nữa trong "Chiến lược an ninh quốc gia" mới của Mỹ là lần đầu tiên chính quyền Mỹ khẳng định các mối đe dọa khủng bố có nguồn gốc từ trong lòng nước Mỹ. Đài RFI (Pháp) nhận xét: "Lần đầu tiên, kẻ thù "từ bên trong", tức những kẻ khủng bố người Mỹ, sống trên đất Mỹ, được coi như là mối đe dọa nghiêm túc".

Chính quyền Obama coi việc duy trì và tăng cường sự thịnh vượng của nước Mỹ cũng là biện pháp hữu hiệu đảm bảo an ninh quốc gia. Trong học thuyết an ninh quốc gia mới,  ông Obama đã nêu lên sự cần thiết phải phục hồi kinh tế vì đó là điều quan trọng để duy trì quyền lực của Mỹ.
Mục tiêu "bất biến" trong "Chiến lược an ninh quốc gia" của tất cả các chính quyền Mỹ là, một mặt, duy trì an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ và, mặt khác, duy trì địa vị siêu cường số 1 của Mỹ trên thế giới, tức là không để cho bất cứ quốc gia nào qua mặt Mỹ về tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự.

Vì vậy, trong "Chiến lược an ninh quốc gia" vừa công bố, chính quyền Obama đề cập đến sức mạnh kinh tế như là một trong những ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu. Washington liệt kê "4 lợi ích quốc gia vĩnh viễn có sự liên kết chặt chẽ" là an ninh, thịnh vượng, giá trị và trật tự quốc tế.
Đương nhiên, để đảm bảo lợi ích của nước Mỹ trong một trật tự quốc tế mà Mỹ luôn muốn duy trì vị trí bá chủ, Washington hết sức coi trọng việc bảo vệ và mở rộng đồng minh. Như vậy, trong tư duy chiến lược an ninh của họ, người Mỹ coi việc bảo vệ đồng minh là để bảo vệ sự an toàn cho chính nước Mỹ. Người ta không ngạc nhiên khi thấy học thuyết an ninh quốc gia mới của Mỹ cũng nói Mỹ cảm thấy lo lắng trước nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và sẽ "chuẩn bị phù hợp" để đảm bảo rằng các lợi ích của Mỹ và đồng minh được bảo vệ.
Washington cũng thừa nhận lợi ích của một trật tự thế giới hòa bình và hợp tác.  John Brennan, cố vấn chống khủng bố hàng đầu của Tổng thống Obama, được báo chí dẫn lời nhấn mạnh đến "một trật tự quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và cơ hội thông qua hợp tác mạnh mẽ hơn", vì "đây là con đường duy nhất sẽ cho phép chúng ta giải quyết được các thách thức toàn cầu".

Còn theo trích thuật của TTXVN, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 27/5 nhấn mạnh chiến lược này sẽ huy động mọi yếu tố sức mạnh, không chỉ sức mạnh quân sự, để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ. Bà tuyên bố Mỹ phải "cân đối và kết hợp" tất cả các yếu tố sức mạnh trong cái gọi là "quyền lực thông minh", bao gồm sức mạnh về quân sự, ngoại giao và phát triển, vốn gồm cả sức mạnh kinh tế và "sức mạnh về tấm gương của Mỹ".
Dẫu chính quyền Obama thay đổi cách tiếp cận và sử dụng sức mạnh, tỏ ra mềm dẻo hơn chính quyền tiền nhiệm trong việc bảo đảm an ninh của nước Mỹ, nhưng học thuyết an ninh quốc gia mới của họ lại không mới ở chỗ nó ẩn chứa cái mục tiêu "bất biến" là duy trì một trật tự thế giới  mà Mỹ giữ địa vị bá chủ.
Điều đó thật dễ hiểu vì Mỹ bao giờ cũng vẫn là Mỹ

N.Q.U. http://antg.cand.com.vn/vi-VN/sukien/2010/6/72512.cand