Vì sao nước Nhật liên miên thay thủ tướng? In
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:34

10:50, 14/06/2010



Nước Nhật vừa thay đổi thêm một vị thủ tướng, ông Naoto Kan lên thay ông Yukio Hatoyama. Đây là vị thủ tướng thứ 5 trong vòng 4 năm. Ông Hatoyama cũng là vị thủ tướng thứ 4 liên tiếp tại vị chưa tròn một năm.
Đáng nể nhất là trong vòng 21 năm qua, nước Nhật đã "xài" đến 14 vị thủ tướng. Nếu không tính ông Junichiro Koizumi (2001-2006) với thời gian tại vị 5 năm, 5 tháng (lâu thứ 5 trong lịch sử nước Nhật hiện đại), thì 13 vị còn lại chỉ tại vị tổng cộng có 16 năm, tức trung bình mỗi vị chỉ ngồi yên trên chiếc "ghế nóng" đó khoảng 1 năm.
Nước Nhật cũng đang giữ kỷ lục về số thủ tướng được bầu nhiều nhất (65 vị) và nhiệm kỳ thủ tướng ngắn nhất thế giới (Thủ tướng Fumio Goto chỉ tại vị có 3 ngày, từ 26/2 đến 29/2/1936).
Lý giải hiện tượng "kỷ lục" này, giới chuyên gia chính trị tại Tokyo đưa ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, tình trạng quan liêu, xa rời dân chúng. Người Nhật gọi những chính khách, công chức xa dân, khó gần gũi là các obo-chan, kiểu "con ông cháu cha". Cách gọi này thường được dùng để nói về các chính khách hoặc công chức con nhà giàu có, con cháu các gia tộc quyền thế. Họ không quyết liệt trong các chính sách điều hành vì lợi ích của công chúng. Đa số các chính khách này lên lãnh đạo đất nước nhờ đảng của họ được dân chúng tín nhiệm rồi sau đó dựa vào quyền thế gia tộc để lên nắm quyền.
Cựu Thủ tướng Taro Aso là một obo-chan điển hình. Xuất thân là cháu ngoại Thủ tướng Shigeru Yoshida (1946-1954), Taro Aso là con rể của Thủ tướng Zenko Suzuki (1980-1982) và là anh vợ của Hoàng thân Tomohito xứ Mikasa - em họ của Nhật hoàng Akihito,... Gốc gác gia tộc "dữ dằn" như vậy, thử hỏi có ai "đấu" lại ông trong cuộc bầu chọn chức Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) để sau đó lên làm Thủ tướng?
Thế nhưng Taro Aso cũng chỉ tại vị chưa tròn năm (từ 24/9/2008 đến 16/9/2009). Sự thất bại của ông Aso hội tụ đủ cả 3 nguyên nhân nêu trên: vừa obo-chan, vừa quá nhiều bê bối lại bị báo chí khai thác không thương tiếc, khiến cho tỉ lệ ủng hộ của cử tri luôn ở mức trên dưới 20%.
Nguyên nhân thứ hai là đủ loại bê bối cứ như là "bệnh" của chính khách Nhật Bản khi họ lên nắm chính quyền. Ông Hatoyama và bộ sậu của ông khi chưa lên nắm quyền, không ai nghe nói họ có dính líu bê bối gì cả, thậm chí khi giành chiến thắng lên thay ông Taro Aso, đồng thời chấm dứt luôn chuỗi cầm quyền hơn nửa thế kỷ của đảng LDP, Hatoyama và bộ sậu của ông được báo chí mô tả là "luồng sinh khí mới" hứa hẹn những thay đổi lớn lao trên chính trường Nhật Bản. Thế nhưng, chưa ngồi nóng ghế, ông Hatoyama đã phải lo lắng vì vụ bê bối tài chính (quỹ tranh cử của đảng DPJ) liên quan các trợ lý Tổng thư ký đảng Ichiro Ozawa.



Nhưng bê bối đến mức ăn không ngon ngủ không yên phải kể đến chính quyền của ông Shinzo Abe với hàng loạt công kích từ phía đối lập liên quan chính sách đối ngoại và những bê bối tài chính ở Bộ Nông nghiệp. Taro Aso cũng vậy, không chỉ bê bối tài chính, ông còn gặp phải vấn nạn phát ngôn thiếu cẩn trọng gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận công chúng.
Trong tất cả những vấn đề mà Thủ tướng Nhật Bản gặp phải khi lên nắm quyền, người ta thấy báo chí đóng một vai trò hết sức quan trọng, nếu không nói là quyết định. Báo chí là kênh đầu tiên giới thiệu hình ảnh một chính khách "tiềm năng" với công chúng và tạo nên nền tảng cử tri ủng hộ đầu tiên cho vị chính khách này. Nhưng báo chí cũng lại là kênh đưa những câu chuyện "bếp núc" của chính quyền ra trước công luận để tạo nên những làn sóng dư luận khác nhau, lèo lái những dư luận đó theo chiều hướng nào tùy quan hệ của "đương sự" với báo chí có tốt hay không.
Xin nói thêm một chút, ở Nhật Bản có những câu lạc bộ báo chí bao gồm các tờ báo họp lại với nhau để cùng đưa ra quan điểm chung cho một vấn đề nào đó mà họ cùng đưa tin. Một khi các câu lạc bộ báo chí quyết định "soi" chính phủ của một ông thủ tướng nào thì chỉ có chạy bằng trời!
Gần đây, các câu lạc bộ báo chí đó đã chuyển hướng trọng tâm và chú ý mạnh h ơn vào phong cách lãnh đạo của Thủ tướng hơn là chỉ chăm chăm vào các chính sách điều hành. Trường hợp từ chức của ông Hatoyama là điển hình thiếu bản lĩnh lãnh đạo, bị báo chí quật tơi tả. Vấn đề của ông Hatoyama là căn cứ quân sự Futenma của Mỹ trên đảo Okinawa. Hatoyama đã hứa với cử tri là sẽ di dời căn cứ đó ra khỏi đảo Okinawa; đồng thời đó cũng là điều kiện để thành lập liên minh cầm quyền. Thế nhưng, thực tế cho thấy ông Hatoyama đã không dứt khoát khi chọn lựa giữ hay di dời căn cứ đó.
Cuối cùng, sự thiếu bản lĩnh đã khiến ông Hatoyama phải chịu khuất phục trước sức ép của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đành chấp nhận nhượng bộ để Mỹ duy trì căn cứ quân sự trên đảo Okinawa. Trong câu chuyện này, ông Hatoyama còn mang tiếng "bội ước" với cử tri, là điều mà giới phân tích đánh giá là có thể ảnh hưởng đến uy tín của đảng DPJ, đến kết quả bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới.



Tân Thủ tướng Naoto Kan có một số lợi thế nhất định. Thứ nhất, ông không thuộc thành phần "obo-chan". Năm nay 63 tuổi, Kan nổi tiếng là người "ăn ngay nói thẳng", và sự quyết đoán và dứt khoát trong xử lý nhiều vấn đề đã trở thành "thương hiệu" của ông. Do đó, ông được giới phân tích kỳ vọng sẽ chấn chỉnh những sai lầm mà ông Hatoyama đã mắc phải để hy vọng phục hồi lại phần nào uy tín đảng DPJ trước kỳ bầu cử tháng 7. Kan cũng được kỳ vọng sẽ tránh được cái "phốt" obo-chan của những người tiền nhiệm, tránh "vết xe" bê bối, lộn xộn của các đời chính quyền trước và chắc chắn ông cũng sẽ tạo ra một hình tượng Thủ tướng mới, bản lĩnh hơn.
Người dân Nhật đang cần một lãnh đạo thật sự có khả năng lèo lái đất nước, đủ sức khôi phục lại niềm tin để đưa đất nước ra khỏi những khó khăn chồng chất hiện nay (nợ công gần 200% GDP, nguy cơ giảm phát của nền kinh tế,..). Và Kan, với những ưu điểm vừa nêu, hứa hẹn sẽ đáp ứng được các kỳ vọng đó

An Châu (tổng hợp) http://antg.cand.com.vn/vi-VN/sukien/2010/6/72512.cand