Nền móng của một cộng đồng mới các quốc gia châu Mỹ In
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:40

6:30, 03/03/2010




Đại diện của 32 nước Mỹ Latinh và Caribê (28 vị là tổng thống hoặc thủ tướng), vừa tề tựu tại cuộc họp Thượng đỉnh vì sự thống nhất của Mỹ Latinh và Caribê (Cumbre de la Unidad de America Latina y el Caribe), diễn ra ở Playa del Carmen, Mexico, đã đặt nền móng cho một tổ chức khu vực duy nhất nhằm cụ thể hóa giấc mơ mà Simon Bolivar, người đem lại Tự do (El Libertador), hằng ao ước cách đây hai thế kỷ.
Sự ra đời của tổ chức này đã được công bố hôm thứ Ba 23/2/2010 vào lúc kết thúc cuộc họp với lời tuyên bố trịnh trọng của Tổng thống nước chủ nhà Felipe Calderon: "Chúng tôi đã quyết định thành lập Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê (Comunidad de Estados Latinoamericanos y del Caribe)”. Tổ chức này quy tụ tất cả các nước châu Mỹ, trừ Hoa Kỳ và Canada. Hình thành từ sự hợp nhất giữa Nhóm Rio (gồm các nước Mỹ Latinh) với CALC (Thượng đỉnh Mỹ Latinh - Caribê), ngay từ buổi đầu, nó đã không giấu giếm tham vọng của mình là thay thế cho OEA (Tổ chức Các nước châu Mỹ), do Hoa Kỳ thống trị và đặt trụ sở tại Washington.


http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/hientk1/6_nguyen936-400.jpg

Nguyên thủ các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê tại Cuộc họp thượng đỉnh vì sự thống nhất của Mỹ Latinh và Caribê.

Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhận xét rằng ông không ngờ nó đã được thành lập một cách quá nhanh chóng. Ông nói: "Đây là một sự kiện lịch sử vĩ đại". Tổng thống Mexico Felipe Calderon đệm thêm: "Thời cơ của Mỹ Latinh và Caribê đã đến". Còn Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thì nói thẳng thừng rằng, đây là cơ hội để tống khứ ảnh hưởng của đế quốc Hoa Kỳ về mọi mặt. Việc thành lập tổ chức này vốn là do Brazil và Mexico đề xuất hồi tháng 12/2008, trong cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ Latinh và Caribê tại Brazil.
Thông qua tổ chức này, các nước Mỹ Latinh và Caribê muốn có một tiếng nói chung trên các diễn đàn quốc tế, cũng như giải quyết những sự tranh chấp với nhau bằng đối thoại và tận dụng những dự án phát triển lâu dài để thúc đẩy sự hội nhập khu vực. Sự thống nhất mà các quốc gia này đang tìm đã được thể hiện ngay tức khắc bằng một loạt tuyên bố liên quan đến các vấn đề thời sự nóng bỏng.
Đầu tiên là tuyên bố về tình hình Haiti. Cuộc họp Thượng đỉnh này đã thông qua một lời tuyên bố về tình đoàn kết, nhắc lại sự cam kết của tất cả các nước trong vùng là tiếp tục cố gắng hợp tác với đất nước đã bị trận động đất hồi tháng giêng tàn phá này.
Đối với sự tranh chấp giữa Argentina và Anh về các dự án thăm dò dầu hỏa ở quần đảo Malvinas (Falklands), cuộc họp Thượng đỉnh hoàn toàn nhất trí ủng hộ những quyền hợp pháp của Argentina về quần đảo này. Tổng thống của Brazil, cường quốc hàng đầu của Mỹ Latinh, còn đòi mở lại cuộc thảo luận về quần đảo Malvinas ở Liên Hiệp Quốc. Ông nói: "Chúng ta cần phải bắt đầu đấu tranh để buộc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phải mở lại cuộc thảo luận này".
Các vị nguyên thủ quốc gia của khu vực cũng tuyên bố cực lực bác bỏ sự cấm vận của Mỹ đối với Cuba và kêu gọi Washington chấm dứt chính sách thù địch này. Họ khẳng định rằng sự cấm vận này "trái với luật quốc tế, gây ra những thiệt hại to lớn và không thể bào chữa được cho phúc lợi của nhân dân Cuba và có tác động xấu đối với hòa bình và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc".
Đại diện vắng mặt đặc biệt đáng chú ý trong cuộc lễ trọng đại này của Mỹ Latinh và Caribê là Honduras, còn đang bầm dập vì cuộc khủng hoảng chính trị, hậu quả của cuộc đảo chính quân sự do Mỹ giật dây hồi tháng 7/2009, lật đổ Tổng thống hợp hiến Manuel Zelaya. Mặc dù Honduras đã có một tổng thống mới bầu là Porfirio Lobo nhưng nhân vật này lại không được mời đến cuộc họp Thượng đỉnh, do nước chủ nhà đánh giá là chính quyền mới của Honduras chưa hội đủ điều kiện để dự cuộc họp này. Không ai trong các vị nguyên thủ quốc gia nhắc đến sự vắng mặt này, trừ tổng thống sắp mãn nhiệm của Costa Rica là Oscar Arias, người đã theo sự ủy thác ngầm của Mỹ mà tạo điều kiện cho tổng thống tiếm quyền của Honduras sau đảo chính là Roberto Micheletti có thời gian thực hiện việc "để lâu cứt trâu hóa bùn".
Ngày thứ Ba 23/2/2010, Nhóm Rio đã mở rộng bằng cách kết nạp các nước của Caricom (Cộng đồng Caribê). Từng thành viên một sẽ là thành viên của Cộng đồng mới. Kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch hai năm của mình, Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã bàn giao cương vị này cho Chile. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng kỷ nguyên của Mỹ Latinh và Caribê chỉ mới bắt đầu (...). Thật là một đặc quyền lớn lao cho tôi là được bàn giao chức Chủ tịch cho Chile, nước đã gắn bó với chúng tôi bằng một truyền thống tôn trọng lẫn nhau".
Trong diễn văn nhậm chức của mình, Tổng thống Chile, bà Michelle Bachelet tuyên bố rằng Chile tiếp nhận trọng trách này vào thời điểm đánh dấu một khúc quanh của lịch sử thế giới. Bà nói: "Cộng đồng quốc tế đã từ bỏ cái ý tưởng về sự buông lỏng kinh tế, cái ý tưởng rằng thị trường hoàn toàn có khả năng tự điều chỉnh. Xin dẫn chứng bằng lời của nhà thơ người Mexico Octavio Paz, thị trường không có tình thương, cũng chẳng có lương tâm". Bà Bachelet hứa rằng cộng đồng Mỹ Latinh bảo đảm sẽ giúp vào việc tái thiết cho Haiti đẹp đẽ hơn trước khi tai họa xảy ra. Tổng thống Mexico Felipe Calderon và Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cam kết sẽ cung cấp thêm những nguồn vốn mới cho Haiti.
Tên chính thức của tổ chức này sẽ được ấn định dứt khoát vào cuộc họp Thượng đỉnh năm 2011, tổ chức tại Caracas, Venezuela. Trước sự kiện này thì Mỹ há miệng mắc quai nên phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Và dấu hiệu đầu tiên mà mấy anh Gringo phát đi từ Bộ Ngoại giao là... hoan nghênh sự ra đời của Cộng đồng này vì nó "đáp ứng với những mục tiêu của Hoa Kỳ ở trong vùng". Ta hãy chờ xem Hoa Kỳ tiếp tục hoan nghênh nó như thế nàohttp://antg.cand.com.vn/Images/reddot.gif

An Chi