Đàm phán Nga - Mỹ về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược In
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:58

18/05/2009

Tổng thống Nga Dimitry Medvedev (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Các quan chức cao cấp của Nga và Mỹ vừa bắt tay vào tiến trình tư vấn và bàn bạc về một Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới nhằm thay thế cho Hiệp ước START-1 sẽ chính thức hết hiệu lực vào ngày 5/12/2009. Theo đánh giá của các chuyên gia, cả hai bên chắc chắn sẽ phải tốn không ít thời gian và công sức để có thể đạt được sự thống nhất chung về một loạt các vấn đề đang gây tranh cãi.
Cụ thể theo như Moskva, phía Mỹ đã có một loạt các vi phạm liên quan đến số tên lửa và đầu đạn hạt nhân được bố trí trên các tàu ngầm, máy bay và cả trên mặt đất, khiến Washington có thể lợi dụng những “kẽ hở” của START-1 để tăng gấp đôi tiềm lực vũ khí hạt nhân của mình.
Với một loạt những bất đồng trong quan điểm của cả hai bên, đã có không ít ý kiến thống nhất cho rằng, nhiều khả năng sẽ khó có được một hiệp ước mới ra đời để thay thế START-1 đúng thời hạn như đã định...
Cuộc họp tư vấn về Hiệp ước START lần này vừa diễn ra tại Roma (Italia) theo một thỏa thuận đã đạt được từ ngày 1/4 giữa hai tổng thống Dmitri Medvedev và Barack Obama.
Cả hai vị tổng thống khi đó đã hứa hẹn về một hiệp ước mới với số lượng vũ khí chiến lược được cắt giảm lớn nhất trong lịch sử. Dù sao đối với cả hai cường quốc hàng đầu về vũ khí hạt nhân này, quỹ thời gian đã không còn bao nhiêu từ nay cho tới cuối năm, trong khi các công việc và cả bất đồng được đánh giá là vẫn đang rất “ngổn ngang”.
Cần nhớ là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START-1) đã được hai bên ký kết vào ngày 31/7/1991, và chính thức có hiệu lực vào ngày 5/12/1994 sau khi Liên Xô tan rã.
Theo thỏa thuận này, Liên Xô (kể từ năm 1992 là nước Nga) cùng với Mỹ trong vòng 7 năm cần phải giảm kho vũ khí hạt nhân của mình xuống 6.000 đầu đạn. Trong khi theo những nguyên tắc tính toán trên thực tế, chỉ riêng số đầu đạn hạt nhân dùng cho các máy bay ném bom hạng nặng, Liên Xô có thể có 6.500 đầu đạn, còn Mỹ là 8.500.


Một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Nga.

START-1 cũng ngăn cấm việc sản xuất, thử nghiệm và triển khai các tên lửa đạn đạo phóng từ trên không, từ các bệ phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa có cánh trên tàu ngầm, cũng như các tên lửa từ trên quỹ đạo.
Đến ngày 6/12/2001, Nga và Mỹ đều cùng tuyên bố, đã thực hiện xong mọi cam kết trong START-1. Theo số liệu của các chuyên gia quân sự thì vào đúng thời điểm của những tuyên bố trên, nước Nga có 1.136 trang thiết bị có thể mang vũ khí hạt nhân cùng 5.518 đầu đạn, Mỹ có 1.237 trang thiết bị và 5.948 đầu đạn.
Từ trước đó, phía Nga đã không ít lần đưa ra những chỉ trích về việc thực thi các cam kết trong hiệp ước của người Mỹ, trong đó đáng chú ý là về những sai phạm trong triển khai số lượng đầu đạn trên các thiết bị mang và bản thân các thiết bị mang.
Chẳng hạn như theo điều khoản thứ 3 của Hiệp ước, số lượng đầu đạn trên mỗi một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) không được vượt quá con số 8. Nhưng Mỹ ngay cả khi START-1 có hiệu lực vẫn tiến hành thử nghiệm các SLBM “Trident-1” và “Trident-2” với số đầu đạn nhiều hơn 8.
Như vậy nếu chỉ tính khiêm tốn mỗi tên lửa mang 10 đầu đạn, Mỹ đã có thể bổ sung thêm 288 đầu đạn trên tổng số 144 tên lửa thuộc loại này. Liên quan đến lĩnh vực này, các chuyên gia của Nga cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thanh tra giám sát, khi phía chủ nhà nhiều khi viện cớ vì “lý do kỹ thuật”.
Đó là chưa kể tới những mập mờ trong số lượng các tên lửa Trident-2 của nước Anh. Trong quá trình chuẩn bị Hiệp ước, Mỹ được phép tiếp tục hợp tác với người Anh trong lĩnh vực SLBM, cụ thể đã tính toán trước khả năng bán cho Anh các hệ thống Trident-2.
Kết quả là phía Nga không thể làm rõ số tên lửa trên các tàu ngầm của Anh thực sự là của Washington hay London. Người ra chỉ biết rằng, nhiều tên lửa loại SLBM được cho là của Anh đã được phóng thử nghiệm tại các bãi thử của Mỹ. Trong khi bản thân những vụ thử này được phía Mỹ cho rằng không cần thiết phải thông báo.
Trên thực tế còn nhiều rắc rối khác trong quá trình thực thi START-1. Chẳng hạn như trong quá trình soạn thảo Hiệp ước, Mỹ đã tuyên bố không có ý định tái trang bị cho các máy bay ném bom hạng nặng B-1 bằng các tên lửa tầm xa có cánh. Người Mỹ hứa hẹn sẽ hàn lại các trụ gắn tên lửa của loại máy bay này, nhưng sau đó chỉ dán lại bằng những tấm che, có thể nhanh chóng và dễ dàng tháo ra để gắn thêm gần 1.000 đầu đạn hạt nhân lên những chiếc máy bay này. Liên quan tới bệ phóng tên lửa trên mặt đất, phía Mỹ cũng có nhiều tiểu xảo tương tự.
Như Hiệp ước có nhắc tới việc thủ tiêu tất cả ICBM loại “MX”. Nhưng Mỹ lại đòi chỉ phá hủy tầng đầu tiên của tên lửa với hy vọng sẽ phục hồi lại chúng dễ dàng trong tương lai. Chưa kể loại tên lửa đẩy vũ trụ “Castor-120” có những tầng đầu tiên rất giống với loại “MX”. Như vậy ước tính với tất cả những gì còn có trong trang bị, người Mỹ có thể khôi phục lại tất cả 50 tên lửa “MX” với 500 đầu đạn hạt nhân vào bất cứ thời điểm nào.
Quay trở lại với cuộc đàm phán lần này, giữa hai bên vẫn còn nhiều bất đồng nổi bật chưa thể tìm ra đáp án chung. Đầu tiên là Mỹ và Nga chưa thể thỏa thuận được về một phương pháp thống nhất đếm số đầu đạn. Tiếp đó, cả hai bên cũng chưa thỏa thuận được về cách giải quyết số đầu đạn sẽ được tháo dỡ theo hiệp ước mới: cụ thể là xếp vào nhà kho hay phá hủy.
Một cản trở nghiêm trọng nữa là Moskva muốn liên kết nội dung bản hiệp ước trên với kế hoạch về xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tại châu Âu, điều mà Washington hiện vẫn kiên quyết phản đối.
Dù sao sau những ngày đàm phán đầu tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller phụ trách về vấn đề trên đã khẳng định, cuộc gặp đã diễn ra với nội dung “rất có tính xây dựng và nhiều hứa hẹn”. Còn theo đại diện Anatoli Antonov của Nga, Moskva đang làm tất cả mọi điều để có thể đưa ra được một bản dự thảo hiệp ước mới vào cuối năm nay.
Một hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí chiến lược luôn là điều cần thiết đối với cả hai bên. Trước tiên việc ký kết được hiệp ước sẽ góp phần nâng cao uy tín chính trị không nhỏ của hai cường quốc hàng đầu về vũ khí hạt nhân đối với phần còn lại của thế giới.
Đối với Nga, bước giảm tiếp theo của kho vũ khí hạt nhân sẽ giúp họ tiết kiệm được một số lượng đáng kể ngân sách để duy trì và bảo đảm cho hệ thống này. Còn đối với chính quyền Obama, một hiệp ước mới cũng sẽ rất có ý nghĩa trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga, đồng thời là minh chứng khẳng định về một bộ mặt mới, một thiện chí mới của Mỹ trên trường quốc tế. 
Nhưng nếu tính toán tới hàng loạt những vi phạm từ Hiệp ước START-1 trước đó, khả năng bàn bạc, soạn thảo kỹ lưỡng mọi chi tiết của hiệp ước mới là điều cần được đặc biệt quan tâm. Thời hạn để thống nhất và triển khai hiệp ước mới có thể chậm so với kế hoạch, nhưng điều quan trọng nhất theo các chuyên gia là hai bên sẽ vượt qua được mọi bất đồng vì những mục đích chính trị hàng đầu.
Yêu cầu quan trọng cuối cùng là những văn kiện chung phải thực sự rõ ràng để không có những “khe hở” có thể luồn lách, đảm bảo được ý nghĩa thực sự cũng như tính công bằng của hiệp ước

Hồng Sơn (tổng hợp) http://antg.cand.com.vn/