SVSP: Những điều cần nắm khi đi thực tập In
Thứ năm, 17 Tháng 2 2011 16:28

Sau những ngày nghỉ Tết, sinh viên năm cuối các trường ĐH, CĐ sư phạm sẽ bước vào đợt kiến tập và thực tập tại các trường phổ thông.

 

Muốn có được một tiết dạy thành công (diễn đạt rõ ràng, truyền cảm, trình bày bảng đẹp…), giáo sinh phải chuẩn bị đầy đủ về tài liệu như sách giáo khoa, sách giáo viên… (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh

- Đây là bước chuyển giao giữa lý luận và thực tiễn, giữa những kiến thức tiếp thu được trên giảng đường sư

phạm với nghề nghiệp giảng dạy sau này. Để đợt thực tập sư phạm thành công và có nhiều ý nghĩa, giáo sinh

thực tập nên lưu ý tới các vấn đề sau.

- Xây dựng kế hoạch thực tập

- Thời gian thực tập của sinh viên sẽ kéo dài, tùy theo sự sắp xếp của từng trường ĐH, CĐ và các đơn vị đăng ký thực tập. Do đó, để quá trình thực tập không bị lúng túng và bỡ ngỡ, mỗi sinh viên nên tự xây dựng kế hoạch thực tập cho riêng mình. Kế hoạch thực tập gồm có kế hoạch toàn đợt và kế hoạch từng tuần. Theo đó, giáo sinh cần nắm rõ kế hoạch của đoàn thực tập, kế hoạch hoạt động của đơn vị mình thực tập và sự sắp xếp của giáo viên hướng dẫn để xây dựng kế hoạch thực tập sao cho hợp lý. Kế hoạch thực tập cần thể hiện rõ thời gian, nội dung công việc, biện pháp thực hiện, tiêu chí… để khi bước vào đợt thực tập, giáo sinh sẽ thực hiện theo các bước mình đã vạch ra.

- Hoạt động chuyên môn

Đầu tiên là việc soạn giáo án. Đây là công việc còn nhiều bỡ ngỡ và tốn nhiều thời gian của giáo sinh. Trước thời gian thực tập, sinh viên cần chuẩn bị đầy đủ về tài liệu như sách giáo khoa, sách giáo viên, giáo trình thiết kế bài giảng… và các tư liệu trực quan (nếu có). Giáo sinh nên trình bày giáo án sao cho rõ ràng, đúng qui định. Sau đó nộp lại cho giáo viên hướng dẫn, tiếp thu những góp ý, chỉnh sửa và dành nhiều thời gian cho hoạt động tập giảng. Ngoài ra, giáo sinh nên có những người bạn đồng môn tập giảng, góp ý cho nhau để bài giảng được hiệu quả hơn. Trước khi lên lớp, giáo sinh cần nắm chắc giáo án, các bước cơ bản của một tiết học và sắp xếp hợp lý về thời gian thực hiện từng bước một.

Khi đứng lớp, giáo sinh cần chú ý khâu diễn đạt sao cho rõ ràng và truyền cảm, tránh lan man, ôm đồm kiến thức, nên nhấn vào trọng tâm bài học. Trình bày bảng đẹp và hợp lý cũng là yêu cầu cần lưu ý. Ngoài ra, giáo sinh cần có khả năng bao quát lớp, với một phong thái chững chạc, tạo không khí tiết học tích cực, tránh thụ động, độc thoại. Sau tiết học, giáo viên hướng dẫn và những người dự giờ sẽ góp ý, đánh giá tiết học. Giáo sinh nên lắng nghe và tiếp thu những ý kiến một cách bình tĩnh, tích cực của một người đi học nghề, tránh những phản ứng căng thẳng, hơn thua.

- Hoạt động chủ nhiệm

“Giáo sinh nên lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của giáo viên hướng dẫn và những người dự giờ một cách bình tĩnh, tích cực của một người đi học nghề, tránh những phản ứng căng thẳng, hơn thua” – thầy Bùi Văn Tỉnh chia sẻ.

Trước khi sinh hoạt với lớp, giáo sinh cần tìm hiểu kỹ nội qui học sinh của trường phổ thông mà mình đến thực tập, hiểu được đặc điểm tình hình lớp, tiêu chí đánh giá thi đua giữa các lớp học. Trong giờ sinh hoạt lớp, giáo sinh nên tạo bầu không khí thầy trò gần gũi, lắng nghe những tâm tư của học sinh, tạo cho các em sự tin tưởng, từ đó đề ra kế hoạch phù hợp và hiệu quả. Với sức trẻ, sự sáng tạo và nhạy bén, giáo sinh có thể tổ chức nhiều trò chơi theo chủ đề, phù hợp với nội dung buổi sinh hoạt.

Khi gặp vấn đề, giáo sinh nên kịp thời trao đổi, xin ý kiến của giáo viên hướng dẫn về biện pháp giáo dục, hướng xử lý các vấn đề của lớp. Đồng thời, để đợt thực tập đạt kết quả tốt, giáo sinh cần tích cực tham gia các hoạt động của tổ bộ môn và của nhà trường.

Tóm lại, thực tập sư phạm là khâu thực hành nghề rất quan trọng trong quá trình đào tạo giáo viên, là hoạt động tất yếu để hình thành khuynh hướng nghiệp vụ sư phạm, hình thành nhân cách người giáo viên tương lai. Đây cũng là dịp sẽ lưu lại nhiều kỷ niệm khó phai trong đời, là dịp để mỗi sinh viên sư phạm kiểm chứng lại năng lực sư phạm, lòng đam mê, sự tâm huyết với nghề của mình trước khi quyết định chọn dạy học là cái nghiệp đời mình. Vì vậy, sự chuẩn bị chu đáo về mặt tâm lý cũng như những gì liên quan đến đợt thực tập sư phạm là rất cần thiết và thật hữu ích.