Nguyên tắc GD của Comenius-Nguyên tắc thứ nhất In
Thứ tư, 13 Tháng 4 2016 13:08

1. Thiên nhiên luôn tôn trọng thời gian thích hợp.

Ví dụ: Một con chim muốn sinh sản nòi giống thì không bắt đầu qui trình này vào mùa đông là mùa thời tiết lạnh giá, hay mùa hè là lúc cái nóng thiêu đốt và làm khô héo mọi vật; cũng không vào mùa thi, là thời kì mà sinh lực của mọi vật suy giảm vì thiếu ánh mặt trời và mùa đông khắc nghiệt đang đến gần; nhưng nó sinh sản vào mùa xuân, khi mặt trời đem lại sinh lực và sức mạnh cho muôn loài. Khi trời còn lạnh, con chim thụ trứng và sưởi trứng trong cơ thể nó, ở đó trứng được bảo vệ chống lại cái lạnh; đến khi thời tiết ấm áp hơn, nó đẻ trứng trong tổ, nhưng đợi sang mùa nóng mới ấp, để những con chim non có thể từ từ làm quen với ánh sáng và nhiệt.

2. Bắt chước – Tương tự như thế, người làm vườn giỏi không làm gì trái mùa. Vì vậy, họ không trồng cây vào mùa đông (vì lúc ấy nhựa còn tụ ở dưới rễ và đang chuẩn bị đi lên để nuôi cây sau này); cũng không trồng cây vào mùa hè (là lúc nhựa đã phát tán đi khắp các cành); cũng không trồng vào mùa thu (vì lúc này nhựa lại trở xuống rễ một lần nữa); nhưng họ trồng vào mùa xuân là lúc độ ẩm bắt đầu từ rễ dâng lên và phần trên của cây bắt đầu nảy mầm. Sau này cũng thế, điều hết sức quan trọng đối với cây non là phải chọn đúng thời điểm cho các hoạt động cần thiết như bón phân, tỉa lá và cắt cành, Chính cái cây tự nó cũng có thời giờ thích hợp để đâm chồi và trổ bông, lớn lên và trưởng thành.

Cũng vậy, người xây nhà cẩn thận phải chọn đúng lúc để chặt cây, nung gạch, đặt móng, xây và tô tường.

3. Sai lầm – Đi ngược nguyên tắc này, có hai sai lầm thường mắc phải ở trường học.

(i)  Không chọn đúng lúc cho việc luyện tập trí tuệ.

(ii) Các bài tập không được phân chia thích hợp để có thể đạt được mọi tiến bộ nhờ các giai đoạn cần thiết mà không bỏ sót giai đoạn nào. Đứa trẻ còn quá nhỏ thì không thể đi học, vì bộ rễ hiểu biết của nó còn nằm quá sâu. Người đã già rồi mới học thì quá muộn, vì trí thông minh và trí nhớ đã cùn. Ở người trung niên thì khó học, bởi vì đầu óc còn bận nghĩ về đủ thứ chuyện và không dễ tập trung.Vì vậy, phải chọn tuổi trẻ là giai đoạn thích hợp để học. Ở tuổi này, sinh lực và trí tuệ còn tươi mát và đang tích tụ sức mạnh; đó là lúc mọi vật đều đầy sức sống và đâm rễ mạnh.

4. Sửa chữa – Vì vậy chúng ta kết luận.

(i) Việc giáo dục con người phải được bắt đầu vào tuổi xuân xanh, nghĩa là tuổi thiếu niên (vì tuổi thiếu niên là mùa xuân, tuổi thanh niên là mùa hè, tuổi trưởng thành là mùa thu, và tuổi già là mùa đông)

(ii) Các giờ buổi sáng là các giờ thích hợp nhất cho việc học (vì ở đây cũng thế, buổi sáng tương đương với mùa xuân, buổi trưa là mùa hè, buổi chiều là mùa thu, và buổi tối là mùa đông),

(iii) Tất cả các môn cần phải được sắp xếp sao cho phù hợp với lứa tuổi của học sinh, để không bắt chúng phải học điều gì vượt quá tầm hiểu biết của chúng.

John Amos Comenius