Những thay đổi tích cực, hiệu quả trong dạy học ngoại ngữ ở đại học In
Thứ hai, 14 Tháng 8 2017 13:49

GD&TĐ - Năm học vừa qua, việc triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2015 (Đề án 2020) đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và hiệu quả hơn.

Những thay đổi tích cực, hiệu quả trong dạy học ngoại ngữ ở đại học

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hầu hết các cơ sở đào tạo đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho từng ngành đào tạo, đổi mới chương trình môn học, phương pháp giảng dạy, phương thức đánh giá năng lực tổng hợp cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết;

Tạo môi trường học tập, sinh hoạt ngoại khoá bằng ngoại ngữ nhằm đảm bảo sinh viên ra trường đạt được chuẩn đầu ra về ngoại ngữ; tích cực triển khai xây dựng các khung chương trình, hệ thống tài liệu giảng dạy có ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm dạy và học ngoại ngữ, giáo án điện tử.

Nhiều trường tiếp tục đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ trực tuyến; phát triển mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ tại các khoa, bộ môn.

Một số cơ sở đào tạo đã xây dựng và ban hành được công cụ đánh giá năng lực ngoại ngữ tiệm cận với chuẩn quốc tế, quy định rõ việc miễn hoặc công nhận mức độ tương đương khi sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để công nhận trong chương trình đào tạo chính khoá. Việc này đã khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy sinh viên tự học để đạt chuẩn.

Các cơ sở đào tạo ngành tiếng nước ngoài đã tăng cường năng lực khảo thí, triển khai thi và cấp chứng nhận của trường theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Các trường được giao nhiệm vụ rà soát năng lực ngoại ngữ của giảng viên trong khuôn khổ Đề án 2020 đã chủ động phối hợp với các địa phương để triển khai đánh giá năng lực ngoại ngữ của các giáo viên trên địa bàn; đồng thời cũng quan tâm, tạo điều kiện cho giảng viên, giáo viên ngoại ngữ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ.

Ngoài 35 chương trình trình tiên tiến, một số trường đã thực hiện các chương trình LKĐT quốc tế, chương trình chất lượng cao dạy hoàn toàn hoặc một số môn học bằng tiếng Anh cũng như một số ngôn ngữ khác.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD&ĐT, công tác hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án 2020 tại các địa phương, Bộ, ngành và các cơ sở đào tạo còn chậm, thiếu sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chủ quản, của địa phương nơi đặt trường.

Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách phù hợp dành cho đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ chưa đuợc thực hiện một các toàn diện.

Số lượng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ của các trường cao đẳng, đại học được cử đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn ngắn hoặc dài hạn ở nước ngoài còn thấp so với mục tiêu đề ra, hoạt động bồi dưỡng cán bộ, giảng viên tại các đơn vị thụ hưởng Đề án chưa thực sự đạt được hiệu quả.

Chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học tiếng Anh ở các cơ sở đào tạo chưa được triển khai và thực hiện đồng bộ theo mục tiêu của Đề án. Việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở đào tạo chưa hiệu quả dẫn đến nhiều sinh viên trước khi và thậm chí sau khi tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục đại học năm học 2017 – 2018. Theo đó sẽ thực hiện việc nâng số lượng các chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc một số học phần bằng tiếng Anh

Đồng thời, chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ trong các cơ sở đào tạo; tập trung triển khai các giải pháp dạy và học ngoại ngữ tăng cường đảm bảo hiệu quả, từng bước nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên theo mục tiêu của Đề án 2020.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-thay-doi-tich-cuc-hieu-qua-trong-day-hoc-ngoai-ngu-o-dai-hoc-3662127-v.html